Cha mẹ có phải là người giám hộ đương nhiên của con chưa thành niên không?

0
701

Cha, mẹ là những người nuôi dưỡng và nhiều trường hợp phải có trách nhiệm đối với những giao dịch do con chưa thành niên xác lập. Nhưng nhận định cha, mẹ là người giám hộ đương nhiên của con chưa thành niên là đúng hay sai?

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Huỳnh Thu Hương – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Quy định về người giám hộ

Điều 48 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người giám hộ như sau: “1. Cá nhân, pháp nhân có đủ điều kiện quy định tại Bộ luật này được làm người giám hộ. 2. Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực. 3. Một cá nhân, pháp nhân có thể giám hộ cho nhiều người”.

Theo đó, người giám hộ theo quy định của pháp luật dân sự phải đáp ứng đủ điều kiện về hình thức giám hộ cũng như điều kiện giám hộ tương ứng. Cụ thể theo Điều 49 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về điều kiện của cá nhân làm người giám hộ thì cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ: (i) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; (ii) Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ; (iii) Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác; (iv) Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

Về hình thức giám hộ, có hai hình thức giám hộ chính là giám hộ đương nhiên và giám hộ được cử. Giám hộ đương nhiên là hình thức giám hộ do pháp luật quy định, người giám hộ đương nhiên chỉ có thể là cá nhân. Quan hệ giám hộ dạng này được xác định bằng các quy định về người giám hộ, người được giám hộ, quyền và nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ và tài sản của họ. Giám hộ được cử là hình thức cử người giám hộ theo trình tự do pháp luật quy định, cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có thể trở thành người giám hộ được cử.

Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên

Điều 52 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên, theo đó: “Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây: 1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ. 2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ. 3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ”.

Như vậy, chủ thể là người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên bao gồm: (i) Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ; (ii) Trường hợp không có người giám hộ quy định tại điểm trên thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ; (iii) Trường hợp không có người giám hộ quy định tại hai điểm trên thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

Cha mẹ có phải người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên không?

Căn cứ vào quy định trên, cha mẹ không phải là người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên. Mặt khác đối tượng được giám hộ là người chưa thành niên mà không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ hoặc người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ.

Đối với con chưa thành niên thì cha mẹ là người đại diện theo pháp luật theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật dân sự năm 2015. Về bản chất giám hộ và đại diện là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau, giám hộ là thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Còn đại diện là nhân danh và vì lợi ích hợp pháp của người được đại diện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Người giám hộ có thể đồng thời là đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật. Còn người đại diện chưa chắc đã là người giám hộ. Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây