Nâng cao chất lượng công vụ, một số điểm quan trọng

0
917

Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo động lực thực sự để thực thi công vụ nhiệm vụ có chất lượng và hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay. 

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Huỳnh Thu Hương – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Quy định về các cách tiếp cận công vụ

Có quan điểm coi “Công vụ bao gồm các cơ quan khác nhau của Chính phủ, như các bộ, ngành, các tổ chức doanh nghiệp, các tập đoàn và doanh nghiệp của Chính phủ là các cơ quan chịu trách nhiệm về việc tạo điều kiện và thực thi pháp luật, chính sách công và các quyết định của Chính phủ”. Có quan niệm lại cho rằng “Công vụ bao gồm toàn bộ những người được nhà nước hoặc cộng đồng lãnh thổ (công xã, tỉnh, vùng) bổ nhiệm vào một công việc thường xuyên trong một công sở hay một công sở tự quản, kể cả các bệnh viện và được thực thụ vào một trong những ngạch của nền hành chính công.

Những người thuộc hệ thống công vụ này mang đầy đủ tư cách của một công chức”. Trong cuốn Thuật ngữ Hành chính có quan niệm: “Công vụ là thuật ngữ để chỉ một dạng hoạt động mang tính quyền lực nhà nước (gắn với nhà nước hoặc nhân danh nhà nước) do các công chức, viên chức nhà nước tiến hành theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, phục vụ lợi ích nhà nước và xã hội”.

Như vậy, công vụ gắn chặt với nền hành chính nhà nước và đội ngũ công chức, từ đó có thể hiểu “Công vụ là một loại hoạt động mang tính quyền lực và pháp lý được thực thi bởi đội ngũ công chức nhằm thực hiện các chức năng của nhà nước trong quá trình quản lý các mặt của đời sống xã hội”.

Nghị định số 06/2010/NĐ-CP ngày 25/01/2010 của Chính phủ quy định: công chức Việt Nam là người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong biên chế, giữ một công vụ thường xuyên, hoặc nhiệm vụ thường xuyên trong các cơ quan hành chính nhà nước. Như vậy, hoạt động của công chức sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến “bộ mặt” của nền hành chính quốc gia và hiệu quả hoạt động công vụ. Do đó, chất lượng hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) có ý nghĩa to lớn đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động công vụ trên lĩnh vực và địa bàn mà họ được phân công phụ trách. Nền hành chính nhà nước có hoạt động thông suốt, đồng bộ, hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động công vụ của đội ngũ CBCC này.

Phần lớn đội ngũ CBCC nước ta đ­ược rèn luyện, thử thách trong quá trình đấu tranh cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; tận tâm thực hiện chức năng, nhiệm vụ được phân công phụ trách và đảm nhiệm. Đa số CBCC các cấp giữ được phẩm chất đạo đức cách mạng, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô t­ư”, hết lòng vì nhân dân phục vụ, tích cực đấu tranh chống quan liêu, chống tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác; đấu tranh với lối sống thực dụng, lối sống trái với đạo đức truyền thống của dân tộc, giữ gìn đoàn kết, gắn bó với nhân dân, có tác phong chuẩn mực phục vụ nhân dân.

Giải pháp nâng cao chất lượng công vụ

Thứ nhất, cần bãi nhiệm những cán bộ, công chức vi phạm tư cách, vi phạm những quy định của Đảng và Nhà nước về phẩm chất đạo đức, tư cách, lối sống để lấy lại niềm tin của nhân dân.

Trong bối cảnh hiện nay, CBCC phải là những tấm gương sáng về đạo đức công vụ, có ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân. Phải thực hiện nghiêm quy chế thôi chức, miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kịp thời thay thế cán bộ yếu kém về phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ, uy tín giảm sút. Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương.

Thứ hai, thực hành dân chủ rộng rãi trong công tác cán bộ.

Thực hiện nghiêm túc tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng về xây dựng đội ngũ CBCC đẩy mạnh dân chủ hóa công tác cán bộ, quy định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của mỗi tổ chức, mỗi cấp trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới. CBCC phục vụ nhân dân trên lĩnh vực và địa bàn phụ trách theo thẩm quyền, do vậy, khi bổ nhiệm CBCC nên thăm dò ý kiến không chỉ của cán bộ cấp dưới mà cần tham khảo rộng rãi trong nhân dân trên địa bàn. Ý kiến tham khảo càng đa dạng thì càng có cơ sở đánh giá chính xác, bởi quần chúng là tai, mắt và trực tiếp giám sát CBCC. Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, cần thực hiện thí điểm dân trực tiếp bầu một số chức danh ở cơ sở và ở cấp huyện; mở rộng đối tượng thi tuyển chức danh cán bộ quản lý. Dân chủ trong công tác cán bộ đòi hỏi phải công khai, minh bạch từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc, bổ nhiệm,… tránh lợi dụng việc điều động CBCC không đủ năng lực, phẩm chất ở địa phương này sang phụ trách ở địa phương khác làm tổn hại tới danh dự, uy tín của Đảng, Nhà nước, giảm chất lượng CBCC và hiệu quả của nền hành chính quốc gia.

Thứ ba, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, quản lý CBCC.

Thực tế cho thấy, công tác giám sát, kiểm tra, quản lý còn có những bất cập. Vì vậy văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã yêu cầu hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi công vụ; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính.

Giám sát, kiểm tra, quản lý CBCC bao gồm nhiều khâu từ phẩm chất đạo đức đến việc thực thi công vụ. Nếu làm tốt công tác giám sát, kiểm tra, quản lý CBCC sẽ giảm thiểu tình trạng CBCC khai man tuổi, khai man thời gian đi học tập, kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, không  chấp hành tốt quy định ở khu dân cư, v.v..

Mặt khác, CBCC là đảng viên phải thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Thực tế cho thấy, nhiều CBCC là đảng viên không dự các cuộc họp tổ dân phố, thường là cử vợ, con, cha, mẹ đi họp thay. Dân cư ở tổ dân phố không biết những CBCC là đảng viên này làm gì, ở cơ quan nào.

Do vậy, phải có cơ chế, chính sách để mỗi CBCC phải được quản lý bởi tổ chức, đoàn thể, cán bộ và nhân dân ở nơi cư trú. Muốn vậy, phải đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; thực hiện dân chủ trong Đảng; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong kiểm tra, giám sát CBCC theo đúng chức năng và thẩm quyền của mỗi cơ quan.

Biện pháp quản lý cán bộ đảng viên hiệu quả là “định kỳ lấy ý kiến nhận xét của nhân dân về tư cách, đạo đức của cán bộ, đảng viên”. Nếu CBCC là đảng viên được lấy ý kiến nhận xét của nhân dân (02 lần/năm) về tư cách, đạo đức mà không đạt yêu cầu thì cương quyết bãi nhiệm, thay thế. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

Thứ tư, nhân rộng những tấm gương CBCC tiêu biểu vì nhân dân phục vụ, đồng thời phê phán những hiện tượng xa rời nhân dân.

Trong công cuộc đổi mới đất nước đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng của những CBCC hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Do vậy, phải biểu dương, khen thưởng kịp thời, đúng lúc nhằm tạo nên động lực to lớn góp phần củng cố, nâng cao sức mạnh của Đảng, Nhà nước.
Nếu CBCC, nhất là CBCC lãnh đạo thực sự là những tấm gương sáng về mọi mặt thì quần chúng nhân dân sẽ hết lòng, hết sức bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước. Làm tốt công tác này sẽ góp phần tạo tâm lý tin tưởng vào xu hướng tiến bộ và làm cho bản thân CBCC cũng phải tự cố gắng phấn đấu vươn lên.

Thứ năm, phát huy vai trò tự giác của mỗi CBCC trong việc tự học tập, phấn đấu, rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Do vậy, để nâng cao được chất lượng CBCC phải động viên, cổ vũ, khích lệ tính tự giác, tích cực của CBCC trong học tập, phấn đấu rèn luyện. CBCC phải thể hiện trách nhiệm trước Tổ quốc, trước Đảng, Nhà nước và trước nhân dân bằng việc tự giác, tích cực phấn đấu rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với dân để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của dân. Những gì có lợi cho dân mà không vi phạm pháp luật thì dù nhỏ đến đâu cũng phải cố gắng làm cho bằng được. Những gì dù là nhỏ mà có hại cho dân thì kiên quyết phải khắc phục.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây