Những điều cần lưu ý khi thuê người giúp việc để tránh vi phạm pháp luật

0
147

Hiện nay, với cuộc sống ngày càng bận rộn khiến cho các gia đình không có đủ thời gian để có thể chăm sóc được tổ ấm của mình, chính vì vậy việc thuê người hỗ trợ giúp việc gia đình là rất cần thiết. Tuy nhiên, không phải bất cứ người sử dụng lao động nào cũng hiểu được hết quyền – nghĩa vụ của mình khi sử dụng nhóm người lao động đặc biệt này.

người giúp việc
Bài viết được thực hiện bởi: Chuyên viên Huỳnh Thu Hương – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Người giúp việc gia đình là gì?

Người giúp việc gia đình là người lao động là người chịu sự quản lý điều hành, giám sát của người sử dụng lao động để làm các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình.

Các công việc trong gia đình thường là những công việc như trông giữ, dọn dẹp nhà cửa; chăm sóc trẻ em – người già; nội trợ… hoặc một số công việc khác nhưng người chủ không được kiếm lợi nhuận từ công việc của người lao động giúp việc gia đình. Bên cạnh đó, người giúp việc gia đình cũng phải coi công việc đó là nghề nghiệp của mình và nhờ đó mà nó mang lại nguồn thu nhập cho bản thân.

Nghĩa vụ của lao động là người giúp việc gia đình

Thứ nhất, người lao động phải thực hiện đầy đủ các thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động như về thời giờ làm việc – người lao động là giúp việc gia đình phải tuân thủ, thực hiện theo quy định mà 02 bên đồng ý đưa ra; hoặc sẽ phải hoàn trả cho người sử dụng lao động những khoản phí không có trong thỏa thuận về lương và số tiền đóng bảo hiểm mà người sử dụng phải trả cho người lao động.

Thứ hai, người lao động là người giúp việc sẽ làm việc thường xuyên tại nhà của người sử dụng lao động, vì vậy có sự tiếp xúc trực tiếp với tài sản của người sử dụng lao động, thậm chí còn được sử dụng, mang theo khi rời khỏi nhà của người sử dụng lao động.

Ví dụ: người lao động sử dụng các vật dụng trong nhà như máy giặt, điều hòa hoặc người lao động được cho phép sử dụng xe đạp điện để đi chợ…

Do đó, nếu trường hợp người lao động làm mất, hỏng hóc tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận của 2 bên từ trước (có thể có trong hợp đồng hoặc tự thỏa thuận sau khi người lao động làm hỏng, làm mất tài sản) hoặc theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại.

Thứ ba, người lao động có nghĩa vụ thông báo kịp thời với người sử dụng lao động về khả năng, nguy cơ gây tai nạn, đe dọa an toàn, sức khỏe, tính mạng, tài sản của gia đình người sử dụng lao động và bản thân để người sử dụng lao động có biện pháp ngăn chặn, khắc phục đúng thời điểm. Ví dụ như vật dụng trong nhà bị chập cháy có nguy cơ gây ra cháy nổ, thì người lao động cần thông báo ngay cho chủ nhà biết để kịp thời sửa chữa.

Thứ tư, người lao động là người giúp việc trong gia đình sẽ làm việc trong môi trường kín – là nhà của người sử dụng lao động, chỉ tiếp xúc chủ yếu với một người hoặc một nhóm người cố định (là thành viên gia đình của người sử dụng lao động hoặc là người sử dụng lao động). Chính vì vậy, nếu người sử dụng lao động có những hành vi vi phạm thì người lao động cần phải tố cáo với cơ quan có thẩm quyền khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật.

Tham khảo thêm về: Vi phạm giao kết hợp đồng lao động

Người sử dụng lao động khi thuê người giúp việc có nghĩa vụ gì?

Thứ nhất, tương tự như người lao động thì người sử dụng lao động cũng phải thực hiện đầy đủ những thỏa thuận được giao kết trong hợp đồng như về nơi làm việc, điều kiện làm việc, chế độ tiền lương – thưởng, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, giải quyết tranh chấp lao động,…

Thứ hai, người sử dụng lao động bình thường có trách nhiệm phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người khi đã tham gia lao động. Tuy nhiên, trường hợp người lao động thuê người giúp việc trong gia đình, mà người sử dụng lao động không trực tiếp đóng bảo hiểm cho người lao động, mà thực hiện trả cho người lao động một khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động có thể chủ động tham gia được các quyền lợi liên quan đến bảo hiểm của mình.

Thứ ba, vì đối tượng tham gia hình thức lao động này thường là những người phụ nữ và họ thường làm những công việc gia đình như chăm sóc trẻ em, người bệnh, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa… Cho nên theo định kiến của xã hội thì công việc này thường không được coi trọng. Chính vì thế người sử dụng lao động phải có nghĩa vụ tôn trọng danh dự, nhân phẩm của những người đang giúp việc cho gia đình mình.

Thứ tư, thời giờ làm việc của người giúp việc sẽ phụ thuộc phần lớn vào giờ giấc của gia đình người sử dụng lao động, vì vậy trong một số trường hợp người giúp việc có thể sẽ ở lại nhà của người sử dụng lao động để nghỉ trưa, ngủ qua đêm nên người sử dụng lao động phải bố trí chỗ ăn, ở hợp vệ sinh cho người giúp việc, để giúp người lao động thực hiện tốt công việc của mình cũng như đảm bảo người lao động được an toàn, mạnh khỏe khi giúp việc trong gia đình.

Thứ năm, người sử dụng lao động muốn nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người lao động phải tạo cơ hội cho người lao động được tham gia học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp.

Thứ sáu, người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả tiền tàu xe đi đường cho người lao động, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước hạn do trong trường hợp này quan hệ lao động giữa 02 bên đã chấm dứt.

Xem thêm các quy định về vi phạm tiền lương theo quy định mới nhất!

Những hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động khi thuê người giúp việc

(i) Người sử dụng lao động ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình;

(ii) Người sử dụng lao động giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động

(iii) Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động
Trên đây đều là những hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động trong quan hệ lao động với người lao động là người giúp việc trong gia đình. Những hành vi này đều là những hành vi được pháp luật quy định.

Mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật khi thuê người giúp việc

Người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng – 15.000.000 đồng nếu có hành vi: Giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người giúp việc gia đình; Không trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm.

Ngoài ra người sử dụng lao động cũng có thể bị phạt cảnh cáo nếu không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình; hoặc không trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú (trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn).

Nhận thêm các tài liệu về pháp Luật hành chính tại đây

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây