Nguyên tắc Đảng lãnh đạo trong quản lý hành chính nhà nước

0
46

    Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cách mạng tháng Tám đã thắng lợi và nước Việt Nam dân chủ cộng hoà – Nhà nước Việt Nam kiểu mới đã ra đời. Kể từ đó sự phát triển của Nhà nước Việt Nam kiểu mới luôn gắn với sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Thực tế lịch sử đã chỉ rõ, sự lãnh đạo của Đảng cộng sản là hạt nhân của mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý nhà nước chỉ là việc định hướng về mặt tư tưởng, xác định đường lối quan điểm, chủ trương, chính sách và công tác tổ chức trong lĩnh vực chuyên môn. Hơn nữa, sự lãnh đạo của Đảng cộng sản đối với hoạt động của Nhà nước không phải là không có giới hạn. Hiến pháp của nước ta đã xác định rõ: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (khoản 3 Điều 4 Hiến pháp năm 2013). Quy định này không những không phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước mà còn nêu cao hơn nữa uy tín lãnh đạo của tổ chức này.

Cơ quan hành chính nhà nước

   Nguyên tắc Đảng lãnh đạo trong quản lý hành chính nhà nước biểu hiện cụ thể ở các hình thức và phương pháp hoạt động của tổ chức Đảng:

Xem thêm:Quan hệ pháp luật hành chính

Xem thếm:Dịch vụ pháp lý hành chính

1. – Đảng lãnh đạo trong quản lý hành chính nhà nước bằng việc đưa ra những đường lối, chủ trương, chính sách của mình về các lĩnh vực hoạt động khác nhau của quản lý hành chính nhà nước. 

Các vấn đề quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước nói chung và quản lý hành chính nhà nước nói riêng đều cần phải có đường lối, chủ trương của các tổ chức Đảng có trách nhiệm. Nghị quyết của các cấp ủy Đảng đưa ra phương hướng hoạt động cơ bản tạo cơ sở quan trọng để các chủ thể quản lý hành chính nhà nước có thẩm quyền thể chế hoá thành các văn bản pháp luật thực hiện trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Điều 22 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã xác định: “Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được xây dựng trên cơ sở đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội…”. Khi quyết định những vấn đề cụ thể khác nhau của hoạt động quản lý hành chính nhà nước như ban hành quyết định quản lý, xây dựng các biện pháp thuộc về tổ chức, các biện pháp kinh tế…, đường lối chủ trương chính sách của Đảng về những vấn đề có liên quan bao giờ cũng được coi là cơ sở rất quan trọng để các chủ thể quản lý hành chính nhà nước xem xét và đưa ra các quyết định quản lý của mình. Tuy vậy, ở đây cần nhấn mạnh rằng nghị quyết của Đảng không phải là văn bản mang tính quyền lực-pháp lý. Những nghị quyết này được thực hiện trên thực tế thông qua hàng loạt những hoạt động mang tính chất quyền lực nhà nước của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước. Qua những hoạt động này, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng sẽ được hiện thực hóa trong quản lý hành chính nhà nước.

Quản lý về hoạt động đối ngoại

2. – Vai trò lãnh đạo của Đảng trong quản lý hành chính nhà nước thể hiện trong công tác tổ chức cán bộ.

Đây là công việc có vai trò đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả của quản lý hành chính nhà nước. Luật cán bộ, công chức hiện hành đã ghi nhận việc quản lý cán, công chức phải bảo đảm nguyên tắc “sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam”. Sự lãnh đạo của Đảng về công tác này thể hiện ở chỗ các tổ chức Đảng bồi dưỡng, đào tạo những đảng viên ưu tú, có phẩm chất và năng lực để gánh vác những nhiệm vụ trong bộ máy hành chính nhà nước. Tổ chức Đảng có ý kiến về việc bố trí những cán bộ phụ trách vào những vị trí lãnh đạo của các cơ quan hành chính nhà nước. Những ý kiến này có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác tổ chức cán bộ. Tuy nhiên, vấn đề bầu, bổ nhiệm được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước theo nội dung, trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Ý kiến của tổ chức Đảng là cơ sở để các cơ quan hành chính nhà nước xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng.

3 – Đảng lãnh đạo trong quản lý hành chính nhà nước không chỉ bằng đường lối, chủ trương, chính sách, bằng công tác tổ chức cán bộ mà còn bằng hình thức kiểm tra.

Kiểm tra của các tổ chức Đảng là kiểm tra việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Việc kiểm tra này nhằm đánh giá tính hiệu quả, tính thực tế của các chính sách mà Đảng đề ra, trên cơ sở đó khắc phục những khiếm khuyết, phát huy những mặt tích cực trong công tác lãnh đạo. Điều này đảm bảo cho hoạt động của các tổ chức Đảng có tính thông tin hai chiều. Cũng chính thông qua công tác kiểm tra Đảng, các tổ chức Đảng biết được tình hình thực hiện các chủ trương, chính sách do mình đề ra, trên cơ sở đó có các biện pháp uốn nắn kịp thời nhằm làm cho hoạt động quản lý hành chính nhà nước đi theo đúng định hướng phù hợp với lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc và lợi ích chung của cả cộng đồng. Ở đây cũng cần phân biệt một cách rõ ràng hoạt động kiểm tra của Đảng với hoạt động kiểm tra mang tính quyền lực nhà nước do các chủ thể có thẩm quyền được pháp luật quy định thực hiện. Việc phân biệt này cho ta cách nhìn đúng đắn về tính chất, nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện hoạt động kiểm tra của Đảng và kiểm tra của các cơ quan nhà nước.

Xem thêm: Ngành luật hành chính

Cùng với những hình thức nêu trên, sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý hành chính nhà nước còn được thực hiện thông qua uy tín và vai trò gương mẫu của các tổ chức Đảng và các đảng viên. Việc nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật được coi là kỷ luật của tổ chức Đảng. Chính điều đó đã tạo cơ sở quan trọng để nâng cao uy tín của Đảng đối với nhân dân, với cơ quan nhà nước, làm cho các tổ chức Đảng trở thành hạt nhân lãnh đạo của các cơ quan hành chính nhà nước.

Giáo trình luật hành chính – Đại học Luật Hà Nội

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây