Những vấn đề cần lưu ý khi làm căn cước công dân

0
372

Làm căn cước công dân là thủ tục mới, có nhiều vấn đề khiến chúng ta phải băn khoăn. Vậy cần lưu ý những vấn đề gì khi đi làm căn cước công dân? Bài viết sau đây sẽ giải đáp cho bạn.

Những vấn đề cần lưu ý khi làm căn cước công dân
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật hành chính, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Ai được làm căn cước công dân?

Điều 19 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định:

“Người được cấp thẻ Căn cước công dân và số thẻ Căn cước công dân

  1. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân.
  2. Số thẻ Căn cước công dân là số định danh cá nhân.”

Làm căn cước công dân ở đâu?

Căn cứ Điều 26 Luật căn cước công dân năm 2014 quy định về nơi làm thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip, như sau:

Công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:

Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;

Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;

Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.

Tìm hiểu chi tiết: Căn cước công dân

Làm căn cước công dân cần những giấy tờ gì?

Cuối tháng 02/2021 vừa qua, Bộ Công an đã chính thức bấm nút khai trương hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất cấp và quản lý căn cước công dân.

Đây được coi là sự kiện đánh dấu sự thay đổi lớn trong công tác quản lý Nhà nước, sử dụng giấy tờ của công dân từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử.

Được biết, hiện nay, các thông tin cá nhân của công dân đang được cập nhật lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo hộ khẩu và chứng minh nhân dân/Căn cước công dân cũ. Tuy nhiên, hệ thống dữ liệu này vẫn chưa hoàn thiện.

Do đó, trước mắt, ở thời điểm này, công dân khi đi làm Căn cước công dân gắn chip vẫn nên mang theo Sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân/Căn cước công dẫn cũ “cho chắc”.

Điểm b khoản 1 Điều 12 Thông tư 07/2016/TT-BCA cũng chỉ rõ:

Trường hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa đi vào vận hành thì yêu cầu công dân xuất trình Sổ hộ khẩu.

Như vậy, có thể thấy, trong tương lai không xa, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động ổn định và đầy đủ dữ liệu thì người dân khi đi làm căn cước công dân gắn chip sẽ không còn phải mang Sổ hộ khẩu.

Luật Cư trú năm 2020 được Quốc hội thông qua đã chính thức khai tử Sổ hộ khẩu. Sổ này sẽ chấm dứt vai trò của nó vào ngày 01/01/2023. Việc quản lý thông tin về cư trú của công dân sẽ được thực hiện trên nền tảng số mà cụ thể là Cơ sở dữ liệu về cư trú. Cơ sở dữ liệu về cư trú được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nên quan tâm: Căn cước công dân gắn chip là gì?

Làm căn cước công dân bao lâu thì có?

Điều 25 Luật Căn cước công dân năm 2014 quy định:

Thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Luật này, cơ quan quản lý căn cước công dân phải cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân trong thời hạn sau đây:

  1. Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi; không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại;
  2. Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;
  3. Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;
  4. Theo lộ trình cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng Bộ Công an quy định rút ngắn thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

Phí làm căn cước công dân hiện nay như thế nào?

Theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 256/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân sửa đổi bổ sung tại Thông tư số 331/2016/TT-BTC Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân lần đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 19, khoản 2 Điều 32 Luật căn cước công dân thì không phải nộp lệ phí.

Xem thêm: Phân biệt căn cước công dân và chứng minh nhân dân

Câu hỏi thường gặp

(i) Có làm căn cước công dân ở tỉnh khác được không?

Theo quy định tại Điều 26 Luật Căn cước công dân 2014, công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân:

– Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;

– Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

– Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;

– Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.

Quy định này được Bộ Công an xây dựng trên tinh thần giúp công dân thuận lợi trong việc thực hiện thủ tục hành chính, cụ thể là thủ tục cấp thẻ căn cước công dân.

Và nếu chỉ đọc quy định này, chắc chắn nhiều người nghĩ rằng công dân ở địa phương khác hoàn toàn có thể làm căn cước công dân tại Hà Nội, thậm chí tại bất cứ tỉnh, thành phố nào trên cả nước.

Tuy nhiên, Điều 16 Thông tư 07/2016/TT-BCA lại quy định rằng: Khi Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa đi vào vận hành hoặc chưa thu thập đầy đủ thông tin về công dân thì thực hiện phân cấp giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân như sau:

– Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp huyện và đơn vị hành chính tương đương tiếp nhận hồ sơ giải quyết các trường hợp cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú tại địa phương đó;

– Cơ quan quản lý căn cước công dân Công an cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân cho công dân có nơi đăng ký thường trú trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó…

Hiện nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân đều chưa đi vào vận hành. Vì thế, trên thực tế, công dân có hộ khẩu thường trú ở địa phương nào bắt buộc phải về địa phương đó để làm căn cước công dân.

Nội dung liên quan: Làm căn cước công dân online

(ii) Làm căn cước công dân có được trang điểm không?

Hiện nay, quy định về ảnh chân dung của công dân trong thẻ Căn cước công dân được quy định cụ thể tại điểm d, khoản 1 Điều 12 Thông tư 07/2016/TT-BCA như sau:

– Ảnh chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính.

– Trang phục, tác phong nghiêm túc, lịch sự, không sử dụng trang phục chuyên ngành (quân đội, công an, y bác sĩ…);

– Riêng đối với trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được phép mặc lễ phục tôn giáo, dân tộc đó, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân nhưng phải đảm bảo rõ mặt.

Như vậy, pháp luật hiện hành không quy định bắt buộc chụp ảnh thẻ Căn cước công dân phải mặc áo gì (chỉ cần trang phục nghiêm túc, lịch sự), không được trang điểm hay không được nhuộm tóc… Tuy nhiên trên thực tế, khi đi chụp ảnh Căn cước công dân nên mặc áo sơ mi sáng màu, tốt nhất là màu trắng, trang điểm nhạt hoặc không trang điểm… để dễ dàng cho việc đối chiếu, nhận diện khi sử dụng Căn cước công dân cho các thủ tục sau này.

(iii) Người trên 80 tuổi có phải làm lại căn cước công dân không?

Theo khoản 1 Điều 21 Luật căn cước công dân năm 2014, thẻ căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Như vậy, dựa theo độ tuổi thì lần cấp đổi căn cước công dân cuối cùng sẽ được tiến hành khi công dân đủ 60 tuổi. Sau lần cấp đổi này, công dân sẽ được sử dụng căn cước công dân đến khi mất và không phải cấp lại căn cước công dân, trừ trường hợp căn cước công dân bị mất, hư hỏng.

Tham khảo thêm những bài viết liên quan tại Luật hành chính 2021

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây