Nội dung quản lý nhà nước về đối ngoại là một lĩnh vực quan trọng trong việc hoạch định chiến lược phát triẻn, hội nhập kinh tế quốc tế. Bộ Công Thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Theo quy định tại Điều 1 Nghị định của Chính phủ số 95/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 thì Bộ công thương là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lí nhà nước về công nghiệp và thương mại. Phạm vi chức năng quản lí nhà nước của Bộ công thương liên quan đến kinh tế đối ngoại có các lĩnh vực: hội nhập kinh tế quốc tế; xuất, nhập khẩu, thương mại biên giới, phát triển thị trường ngoài nước; xúc tiến thương mại, quản lí cạnh tranh, áp dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Xem thêm: Địa vị pháp lý hành chính của Chính phủ
Contents
1 – Hội nhập kinh tế quốc tế
Trong lĩnh vực hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ công thương thực hiện chức năng quản lí nhà nước thông qua những hoạt động sau đây:
– Xây dựng, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách hội nhập kinh tế quốc tế; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
– Tổng hợp, xây dựng phương án và tổ chức nghiên cứu, đề xuất đàm phán, kí hoặc gia nhập các điều ước quốc tế song phương, đa phương hoặc khu vực về thương mại trong phạm vi thẩm quyền hoặc theo quy định của pháp luật; đàm phán các thoả thuận thương mại tự do; đàm phán các hiệp định hợp tác kinh tế quốc tế, các thoả thuận mở rộng thị trường giữa Việt Nam với các nước, các khối nước hoặc vùng lãnh thổ.
– Đại diện lợi ích kinh tế quốc tế của Việt Nam, đề xuất phương án và tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan đến kinh tế và thương mại quốc tế của Việt Nam tại Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) và các tổ chức, diễn đàn kinh tế quốc tế khác theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.
– Thực hiện họp tác quốc tế về thương mại, làm đầu mối tổng hợp và báo cáo về sử dụng nguồn vốn ODA và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành thương mại và đầu tư của ngành thương mại ra nước ngoài.
2 – Xuất, nhập khẩu, thương mại biên giới, phát triển thị trường ngoài nước
Theo hướng này Bộ công thương có nhiệm vụ, quyền hạn:
– Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu hàng hoá, thương mại biên giới và phát triển thị trường ngoài nước.
– Quản lí về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh hàng hoá, thương mại biên giới, hoạt động uỷ thác, uỷ thác xuất khẩu, uỷ thác nhập khẩu, đại lí mua bán, gia công, xuất xứ hàng hoá.
– Ban hành các quy định về hoạt động dịch vụ thương mại, dịch vụ phân phối từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài; quản lí hoạt động của các văn phòng, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
– Tổng hợp tình hình, kế hoạch xuất nhập khẩu hàng hoá và thương mại biên giới.
3 – Xúc tiến thương mại, quản lí cạnh tranh, áp dụng các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá và chống trợ cấp
Trong hoạt động xúc tiến thương mại, quản lí cạnh tranh, áp dụng các biện pháp tự vê, chống bán phá giá và chống trợ cấp Bộ công thương:
– Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia hàng năm; hướng dẫn, kiểm tra về nội dung, điều kiện hoạt động quảng cáo thương mại, thương hiệu, hội chợ, triển lãm thương mại, khuyến mại, trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ ở trong và ngoài nước; quản lí nguồn ngân sách nhà nước cho các hoạt động xúc tiến thương mại hàng năm.
– Hướng dẫn hoạt động thương mại của các thương nhân Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức xúc tiến thương mại, trung tâm giới thiệu sản phẩm hàng hoá ở nước ngoài có sự tham gia của thương nhân và cơ quan nhà nước Việt Nam; phối hợp vói Bộ ngoại giao quản lí công tác chuyên môn của bộ phận làm công tác kinh tế, thương mại tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài.
– Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các quy định về cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp; đề xuất áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và các biện pháp tự vệ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài, hàng hoá nhập khẩu của nước ngoài vào Việt Nam.
Xem thêm: Ngành Luật Hành chính trong pháp luật Việt Nam
Tổng hợp từ “Giáo trình luật hành chính Việt Nam” – Trường Đại học Luật Hà Nội – Chủ biên: TS. Trần Minh Hương