Phân loại các quy phạm pháp luật hành chính

0
33

Phân loại các quy phạm pháp luật hành chính

Do tính chất đa dạng và phức tạp của các quy phạm pháp luật hành chính nên việc phân loại các quy phạm này có ý nghĩa quan trọng về lí luận và thực tiễn xây dựng cũng như thực hiện pháp luật trong quản lý hành chính nhà nước. Vậy phân loại các quy phạm pháp luật hành chính như thế nào?

Khái niệm của quy phạm pháp luật hành chính

Những quy phạm pháp luật được dùng để điều chỉnh các quan hệ quản lí hành chính nhà nước là các quy phạm pháp luật hành chính. Do đó, có thể hiểu: Quy phạm pháp luật hành chính là một dạng cụ thể của quy phạm pháp luật, được ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lí hành chính nhà nước theo phương pháp mệnh lệnh – đơn phương.

Là một dạng cụ thể của quy phạm pháp luật nên các quy phạm pháp luật hành chính có đầy đủ các đặc điểm chung của quy phạm pháp luật như: Là quy tắc xử sự chung thể hiện ý chí của nhà nước; được nhà nước bảo đảm thực hiện; là tiêu chuẩn để xác định giới hạn và đánh giá hành vi của con người về tính hợp pháp.

Xem thêm: hình thức thực hiện quy phạm pháp luật hành chính 

Xem thêm: Quan hệ pháp luật hành chính

Phân loại quy phạm pháp luật hành chính

Do tính chất đa dạng và phức tạp của các quy phạm pháp luật hành chính nên việc phân loại các quy phạm này có ý nghĩa quan trọng về lý luận và thực tiễn xây dựng cũng như thực hiện pháp luật trong quản lý hành chính nhà nước. Việc phân loại các quy phạm này có thể được thực hiện theo các tiêu chí cơ bản sau :

[1] Căn cứ vào chủ thể ban hành 

Các quy phạm pháp luật hành chính có thể được phân loại thành các nhóm sau đây: 

 + Quy phạm pháp luật hành chính do các cơ quan quyền lực nhà nước ban hành .

+ Quy phạm pháp luật hành chính do Chủ tịch nước ban hành

+ Quy phạm pháp luật hành chính do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành .

+ Quy phạm pháp luật hành chính do Tòa án nhân dân tối cao , Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành ,

[2] Căn cứ vào cách thức ban hành

 Các quy phạm pháp luật hành chính có thể được phân loại thành các nhóm sau đây :

+ Quy phạm pháp luật hành chính do một cơ quan hay người có thẩm quyền độc lập ban hành .

+ Quy phạm pháp luật hành chính liên tịch

[3] Căn cứ vào mối quan hệ được điều chỉnh 

Các quy phạm pháp luật hành chính có thể được phân loại thành các nhóm sau đây:

+ Quy phạm nội dung là loại quy phạm được ban hành để quy định nội dung quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ quản lý hành chính nhà nước .

Các quy phạm này được ban hành chủ yếu để quy định về địa vị pháp lý hành chính của các chủ thể tham gia quan hệ quản lý hành chính nhà nước, Ví dụ: Quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của chủ tịch uỷ ban nhân dân các cấp hay quy định về nghĩa vụ quân sự của công dân …

+ Quy phạm thủ tục là loại quy phạm được ban hành để quy định những thủ tục cần thiết mà các bên tham gia quan hệ quản lý hành chính nhà nước phải tuân theo khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình do các quy phạm pháp luật nội dung quy định .

Ví dụ: Các quy phạm quy định về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính…

Các quy phạm nội dung phải được thực hiện theo những thủ tục nhất định do quy phạm thủ tục quy định .Do đó , nếu có quy phạm nội dung nhưng không có quy phạm thủ tục tương ứng hay quy phạm thủ tục tương ứng không phù hợp với mục đích của quy phạm nội dung thì sẽ làm mất hoặc giảm sút hiệu quả điều chỉnh của pháp luật hành chính nói chung và của các quy phạm nội dung nói riêng .

[4] Căn cứ vào hiệu lực pháp lý về thời gian

 Các quy phạm pháp luật hành chính có thể được phân loại thành các nhóm sau đây :

+ Quy phạm áp dụng lâu dài là loại quy phạm mà trong văn bản ban hành chúng không ghi thời hạn áp dụng .

Ví dụ:Các quy phạm pháp luật hành chính trong Hiến pháp năm 2013 hay trong Luật thanh tra năm 2010… Các quy phạm này chỉ hết hiệu lực khi bị bãi bỏ, thay thế. Các quy phạm này có số lượng rất lớn và có ý nghĩa quan trọng trong việc điều chỉnh lâu dài và ổn định các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lí hành chính nhà nước .

+ Quy phạm áp dụng có thời hạn là loại quy phạm được ban, hành để điều chỉnh các quan hệ quản lý hành chính nhà nước chỉ phát sinh trong những tình huống đặc biệt hay chỉ tồn tại trong khoảng thời gian nhất định. Khi tình huống đó không còn hay hết thời hạn đó thì quy phạm hết hiệu lực.

+ Quy phạm tạm thời là loại quy phạm được ban hành để điều chỉnh một số loại quan hệ quản lý hành chính nhà nước trên một phạm trong khoảng thời gian nhất định làm cơ sở tổng kết để ban hành chính thức nếu phù hợp. Theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định để quy định vấn đề cần thiết thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lí nhà nước, quản lí kinh tế, quản lí xã hội . 

[5] Căn cứ vào hiệu lực pháp lý về không gian

 Các quy phạm pháp luật hành chính có thể được phân loại thành các nhóm sau đây :

+ Quy phạm có hiệu lực pháp lý trên phạm vi cả nước. Các quy phạm này do các cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành .

+ Quy phạm có hiệu lực pháp lý trên phạm vi từng địa phương nhất định

  Các quy phạm này chủ yếu do các cơ quan nhà nước ở địa phương ban hành để đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các quan hệ quản lý hành chính nhà nước phù hợp với đặc thù của địa phương mình. Ngoài ra , các cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước ở trung ương có thể ban hành những quy phạm pháp luật hành chính có hiệu lực pháp lý trên phạm vi từng địa phương nhất định để điều chỉnh riêng biệt một số loại quan hệ quản lý hành chính nhà nước quan trọng có tính đặc thù ở địa phương đó. Ví dụ: Luật thủ đô số 25 / 2012 / QH13 ngày 21/11/2012 là văn bản có nội dung chứa đựng các quy phạm pháp luật hành chính chỉ có hiệu lực pháp lý trên phạm vi địa bàn thành phố Hà Nội . Việc phân loại quy phạm pháp luật hành chính theo hiệu lực pháp lý về không gian nêu trên chỉ mang tính tương đối. Vì nếu căn cứ vào hiệu lực pháp lý về đối tượng áp dụng của các quy phạm thì chúng ta sẽ thấy có những quy phạm pháp luật hành chính của Việt Nam được áp dụng đối với công dân và tổ chức của Việt Nam ở nước ngoài . 

Tổng hợp từ Giáo trình Luật hành chính – Đại học Luật Hà Nội

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây