Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

0
15791

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc nào? Ai là người có thẩm quyển xử phạt vi phạm hành chính? Bài viết sau sẽ làm rõ vấn đề trên.

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật hành chính, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính là người có quyền áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Thực tiễn thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính có nhiều trường hợp xác định không đúng thẩm quyền xử phạt như: Xác định thẩm quyền xử phạt theo mức phạt chứ không căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt; nhầm lẫn giữa thẩm quyền xử phạt của cá nhân và tổ chức…Việc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tuân thủ nguyên tắc:

Thứ nhất

Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của những người được quy định tại các Điều từ 38 đến 51 của Luật Xử lý vi phạm hành chính là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân và được xác định theo tỉ lệ phần trăm quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với chức danh đó.

Khi áp dụng hình thức phạt tiền đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội trong khu vực nội thành thành phố trực thuộc trung ương, thì các chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm do Chính phủ quy định cũng có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt cao hơn đối với các hành vi vi phạm do Hội đồng nhân dân thành phố trực thuộc trung ương quy định áp dụng trong nội thành.

Thứ hai

Thẩm quyền phạt tiền quy định tại khoản 1 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định đối với từng hành vi vi phạm cụ thể.

Thứ ba

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương; người có thẩm quyền xử phạt vi phạm quy định tại các Điều từ 39 đến 51 của Luật Xử lý vi phạm hành chính có thẩm quyền xử phạt vi phạm thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý; trong trường hợp vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của nhiều người, thì việc xử phạt vi phạm do người thụ lý đầu tiên thực hiện.

Thứ tư

Trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm thì thẩm quyền xử phạt vi phạm được xác định như sau:

  • Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt vi phạm thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó.
  • Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt;
  • Nếu hành vi thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của nhiều người thuộc các ngành khác nhau, thì thẩm quyền xử phạt thuộc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử phạt nơi xảy ra vi phạm.

Tìm hiểu thêm tất tần tật các nội dung về Xử phạt vi phạm hành chính 

Trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Trách nhiệm của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 18 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP hướng dẫn và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, cụ thể như sau:

(i) Trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính hoặc xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, người có thẩm quyền phải:

  • Có lệnh thi hành công vụ, mặc trang phục, sắc phục, phù hiệu của ngành theo quy định;
  • Xử lý kịp thời, đúng tính chất, mức độ vi phạm, đúng quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, điều lệnh, điều lệ, quy chế của từng ngành;
  • Có thái độ hòa nhã, nghiêm túc, không gây phiền hà, sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản khác của người vi phạm hoặc dung túng, bao che người vi phạm; không được vi phạm các điều cấm.

(ii) Các hành vi bị cấm

Căn cứ Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và Điểm a, b Khoản 5 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong xử lý vi phạm hành chính như sau:

  • Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính.
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
  • Ban hành trái thẩm quyền văn bản quy định về hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước và biện pháp xử lý hành chính.
  • Không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
  • Xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định tại Luật này.
  • Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng; áp dụng hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đúng, không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.
  • Can thiệp trái pháp luật vào việc xử lý vi phạm hành chính.
  • Kéo dài thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
  • Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả.
  • Sử dụng tiền thu được từ tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tiền nộp do chậm thi hành quyết định xử phạt tiền, tiền bán, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu và các khoản tiền khác thu được từ xử phạt vi phạm hành chính trái quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
  • Giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
  • Xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người bị xử phạt vi phạm hành chính, người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, người bị áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, người bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính.
  • Chống đối, trốn tránh, trì hoãn hoặc cản trở chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Người có hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm hoặc vi phạm quy định về những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính hoặc vi phạm quy định khác của pháp luật, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi hoàn theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Tìm hiểu thêm về Thủ tục xử phạt 

Quy định về giao quyền trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính

(i) Về giao quyền xử phạt vi phạm hành chính

Điều 54 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về giao quyền trong xử phạt vi phạm hành chính cụ thể như sau: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 38; các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 39; các khoản 2, 3 và 4 Điều 40; các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 41; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 42; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 43; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 44; các khoản 2, 3 và 4 Điều 45; các khoản 2, 3 và 4 Điều 46; Điều 47; khoản 3 và khoản 4 Điều 48; các khoản 2, 4 và 5 Điều 49; Điều 50 và Điều 51 của Luật này có thể giao cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện thường xuyên hoặc theo vụ việc và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền. Cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền cho bất kỳ người nào khác. Theo quy định trên thì có 43 chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thể giao quyền cho cấp phó thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

(ii) Về tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được quy định cụ thể theo từng thẩm quyền xử phạt từ Điều 38 đến Điều 54 Luật xử lý vi phạm hành chính

Nội dung này không phân định cụ thể về việc giao quyền trong tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP quy định “Những chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại các khoản 1, 2 Điều 38; các khoản 3, 4, 5 Điều 39; khoản 3 Điều 40; các khoản 4, 5, 5 Điều 41; các khoản 3, 4 Điều 42; các khoản 2, 3, 4 Điều 43; các khoản 3, 4 Điều 44 các khoản 2, 3 Điều 45; các khoản 1, 2, 3, 5 Điều 46; Điều 47; các khoản 1, 2, 3 Điều 48; các khoản 2, 4 Điều 49 Luật Xử lý vi phạm hành chính có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện đối với tổ chức vi phạm hành chính có giá trị gấp 02 lần giá trị tang vật, phương tiện bị tịch thu của cá nhân vi phạm hành chính”.

Xem thêm: Tịch thu tang vật vi phạm hành chính

(iii) Về giao quyền trong quyền cưỡng chế thi hành quyền định xử lý vi phạm hành chính: Khoản 2 Điều 87 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định

“Người có thẩm quyền cưỡng chế quy định tại khoản 1 Điều này có thể giao quyền cho cấp phó. Việc giao quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn được giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền tiếp cho bất kì cá nhân nào khác”.

(iv) Về giao quyền trong áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính

Tạm giữ người theo thủ tục hành chính; tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính; xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính; khám người theo thủ tục hành chính;

khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; quản lý đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất; giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Trong các thẩm quyền trên thì thẩm quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính có 22 chủ thể có thẩm quyền được tạm giữ người theo thủ tục hành chính, trong đó có 20 chủ thể có thể giao quyền cho cấp phó, 02 trường hợp không thực hiện giao quyền cho cấp phó (người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu khi tàu bay, tàu biển, tàu hỏa đã rời sân bay, bến cảng, nhà ga và thẩm phán chủ tọa phiên tòa).

Việc giao quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn được giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền cho bất kì cá nhân nào khác.

Đặc biện trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn có việc giao quyền tạm giữ người được quy định chặt chẽ hơn việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 54 Luật xử lý vi phạm hành chính cụ thể là chỉ được thực hiện khi cấp trưởng “vắng mặt”, không được giao quyền thường xuyên.

Về thủ tục, việc giao quyền phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn được giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền cho bất kì cá nhân nào khác.

Các thẩm quyền còn lại (khám người theo thủ tục hành chính; khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính; xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính;

quản lý đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất; giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính) không quy định cụ thể chủ thể có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý VPHC nên cũng không quy định rõ nội dung giao quyền trong việc thực hiện áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

(v) Luật xử lý vi phạm hành chính không cho phép giao quyền trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

Trên cơ sở quy định về giao quyền xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 54 của Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính (Nghị định số 81/2013/NĐ-CP). Theo đó, tại khoản 4 Điều 5 Nghị định quy định rõ một số nội dung về văn bản giao quyền bao gồm: văn bản giao quyền phải xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền; văn bản giao quyền phải đánh số, ghi rõ ngày, tháng, năm, ký và đóng dấu;

Trường hợp cơ quan, đơn vị của người giao quyền không được sử dụng dấu riêng, thì đóng dấu treo của cơ quan cấp trên; phần căn cứ pháp lý ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp phó được giao quyền phải thể hiện rõ số, ngày, tháng, năm, trích yếu của văn bản giao quyền.

Ngoài ra, khoản 5 Điều 5 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP cũng quy định: Người được giao nhiệm vụ đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền xử phạt như cấp trưởng (ví dụ Quyền Chủ tịch, quyền Chánh Thanh tra…).

Tuy nhiên, do Luật xử lý vi phạm hành chính không quy định cụ thể hình thức văn bản giao quyền, chưa quy định cụ thể cấp trưởng được giao quyền cho cấp phó áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, dẫn đến thực tiễn thi hành có những cách hiểu và áp dụng khác nhau.

Tìm hiểu chi tiết về Biện pháp xử lý hành chính 

Giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nói trên từ thực tiễn thi hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, trong đó, bổ sung quy định về việc người được giao thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thì cũng có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, đồng thời làm rõ hơn hình thức của văn bản giao quyền, như sau:

Thứ nhất

Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP quy định thống nhất hình thức của văn bản giao quyền là quyết định giao quyền. Theo đó, quyết định giao quyền quy định tại Điều 54, khoản 2 Điều 87 và khoản 2 Điều 123 Luật xử lý vi phạm hành chính phải xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền. Quyết định giao quyền phải được đánh số, ghi rõ ngày, tháng, năm, trích yếu, ký và đóng dấu; trường hợp cơ quan, đơn vị của người giao quyền không được sử dụng dấu riêng, thì đóng dấu treo của cơ quan cấp trên. Phần căn cứ pháp lý ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp phó được giao quyền phải thể hiện rõ số, ngày, tháng, năm, trích yếu của quyết định giao quyền.

Thứ hai

Bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 5 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, theo đó, cấp phó của những người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính được giao quyền thì có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 119 của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Thứ ba

Bổ sung khoản 6 vào sau khoản 5a Điều 5 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP để quy định cụ thể về các trường hợp chấm dứt việc giao quyền. Theo đó, việc giao quyền chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Quyết định giao quyền hết thời hạn; công việc được giao quyền đã hoàn thành; cấp trưởng chấm dứt việc giao quyền cho cấp phó. Trong trường hợp này, việc chấm dứt giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định; người giao quyền hoặc người được giao quyền nghỉ hưu, thôi việc, được điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức hoặc tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật;

Người giao quyền hoặc người được giao quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; công việc được giao quyền tuy chưa hoàn thành nhưng vụ việc phải chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền khác xử lý theo quy định của pháp luật; người giao quyền hoặc người được giao quyền bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm các vấn đề trong lĩnh vực hành chính tại Luật hành chính Việt Nam

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây