Thủ tục công chứng hợp đồng vay tiền

0
229

Một trong bốn nguyên tắc cần nhớ trước khi cho người khác vay tiền là lập thành hợp đồng. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tránh các rủi ro pháp lý, người cho vay nên thực hiện việc công chứng hợp đồng này.

Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật nêu trên, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Hợp đồng vay tiền có bắt buộc phải công chứng?

Điều 119 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định:

“1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”

Pháp luật Việt Nam không quy định bắt buộc công chứng đối với hợp đồng vay tiền. Thậm chí, việc vay tiền có thể chỉ cần giao kết bằng lời nói hoặc hành vi cũng được công nhận. Khi hai bên thỏa thuận, thống nhất ý chí về nội dung hợp đồng vay tiền và thực hiện giao nhận tiền thì hợp đồng vay tiền đã có giá trị pháp lý.

Dẫu vậy, việc lập Hợp đồng hoặc giấy vay tiền khi cho người khác vay tiền là điều cần thiết để tránh việc tranh cãi, kiện tụng. Và để tăng thêm tính pháp lý của Hợp đồng này, 02 bên nên tiến hành công chứng.

Thủ tục công chứng hợp đồng vay tiền

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Căn cứ Điều 40 và Điều 41 Luật Công chứng năm 2014, khi công chứng hợp đồng vay tiền, các bên cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

Bên cho vay

(i) Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tiền, sổ tiết kiệm, sao kê tài khoản, xác nhận của ngân hàng tại thời điểm lập hợp đồng.

(ii) Bản sao giấy tờ tùy thân: Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu.

(iii) Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân (đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng độc thân).

(iv) Hợp đồng vay tiền đã soạn sẵn (nếu không thuê văn phòng công chứng soạn thảo).

Bên vay

1. Của cá nhân: Bản sao giấy tờ tùy thân: Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước hoặc hộ chiếu, hộ khẩu người vay.

2. Của tổ chức

(i) Đăng ký kinh doanh, hoạt động, điều lệ

(ii) Biên bản họp theo quy định về việc thực hiện giao dịch

(iii) Chứng minh (hộ chiếu) người đại diện tổ chức, giấy ủy quyền hợp lệ nếu có.

Lưu ý:

(i) Ngoài những giấy tờ trên, 02 bên cần có Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ.

(ii) Bản sao là bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải chứng thực.

(iii) Những giấy tờ yêu cầu bản sao cần mang bản chính để công chứng viên đối chiếu.

(iv) 02 bên có thể tự soạn thảo hợp đồng vay tiền sẵn, nếu không soạn thảo được thì có thể văn phòng công chứng soạn thảo (có thu phí).

Bước 2: Nộp hồ sơ

Hai bên mang đầy đủ giấy tờ đến văn phòng công chứng.

Văn phòng công chứng nhận hồ sơ sẽ kiểm tra, nếu thấy đủ điều kiện thì sẽ nhận hồ sơ, nếu thiếu sẽ yêu cầu bổ sung hoặc chối từ tiếp nhận nếu không đủ điều kiện công chứng theo Luật định.

Bước 3: Tiến hành công chứng

Trường hợp văn phòng công chứng soạn thảo hợp đồng thì ngay sau khi nhận đủ hồ sơ, công chứng viên sẽ tiến hành soạn thảo hợp đồng.

Nếu người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng thì ký vào từng trang của hợp đồng. Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ trong hồ sơ để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.

Trường hợp hợp đồng do 02 bên soạn sẵn, công chứng viên kiểm tra dự thảo hợp đồng; nếu trong dự thảo có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng không phù hợp với quy định của pháp luật thì công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa. Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.

Bước 4: Nộp lệ phí và nhận hợp đồng công chứng

Bên công chứng nộp lệ phí, thù lao công chứng, nhận hợp đồng đã công chứng.

Phí công chứng hợp đồng vay tiền là bao nhiêu?

Căn cứ Thông tư 257/2016/TT-BTC, mức thu phí đối với việc công chứng hợp đồng vay tiền được tính trên giá trị khoản vay như sau: (chưa bao gồm phí soạn thảo hợp đồng vay):

STT Giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch Mức thu (đồng/trường hợp)
1 Dưới 50 triệu đồng 50 nghìn
2 Từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng 100 nghìn
3 Từ trên 100 triệu đồng đến 01 tỷ đồng 0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch
4 Từ trên 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng 01 triệu đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 01 tỷ đồng
5 Từ trên 03 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng 2,2 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 03 tỷ đồng
6 Từ trên 05 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng 3,2 triệu đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 05 tỷ đồng
7 Từ trên 10 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng 5,2 triệu đồng + 0,03% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 10 tỷ đồng.
8 Trên 100 tỷ đồng 32,2 triệu đồng + 0,02% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 100 tỷ đồng (mức thu tối đa là 70 triệu đồng/trường hợp).

 

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây