Trang chủ Thủ tục hành chính Thủ tục khiếu nại hành chính – Những vấn đề pháp lý...

Thủ tục khiếu nại hành chính – Những vấn đề pháp lý mấu chốt

0
290
Khiếu nại hành chính là một hoạt động diễn ra khá phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay, bất kỳ hành vi hành chính hay quyết định hành chính nào vi phạm pháp luật xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức đều có thể bị khiếu nại.

Đối tượng khiếu nại hành chính

Căn cứ theo định nghĩa trên, thì đối tượng khiếu nại bao gồm Quyết định hành chính; hành vi hành chính; và quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.

– Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể.

– Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.

– Quyết định kỷ luật là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198

Đối tượng khiếu nại là căn cứ để giải quyết một vụ việc khiếu nại hành chính, nếu không có đối tượng khiếu nại thì yêu cầu khiếu nại của người khiếu nại sẽ không thể được giải quyết, vì vậy cần phải xác định được rõ đối tượng khiếu nại để đảm bảo yêu cầu khiếu nại sẽ được giải quyết thỏa đáng.

Để trở thành đối tượng khiếu nại, thì hành vi hành chính, quyết định hành chính hoặc quyết định kỷ luật đó phải trái quy định của luật,  xâm hại đến quyền, lợi ích của công dân, tổ chức.

Chủ thể khiếu nại hành chính

Chủ thể khiếu nại chính là những người có quyền khiếu nại bao gồm:  công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại.

Một người hoặc cơ quan, tổ chức muốn trở thành chủ thể khiếu nại thì phải có quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức trái pháp luật xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích của người đó, tổ chức đó.

Nếu người/tổ chức là đối tượng điều chỉnh của quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính, nhưng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó không xâm phạm đến lợi ích của mình thì họ cũng không thể trở thành chủ thể khiếu nại.

Người khiếu nại phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, nếu người đó không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì phải thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp.

Khiếu nại, tố cáo muốn được giải quyết nhanh, cần phải làm gì?

Thời hiệu khiếu nại hành chính

Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại hành chính

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại bao gồm: Chủ tịch UBND các cấp; thủ trưởng cơ quan thuộc sở hoặc tương đương; Giám đốc sở và cấp tương đương; Thủ trưởng cơ quan thuộc bộ, thuộc cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ; Bộ trưởng; Tổng thanh tra chính phủ; Chánh thanh tra các cấp và Thủ tướng chính phủ.

Thẩm quyền giải quyết khiếu nại thể hiện rằng cá nhân, cơ quan tổ chức trực tiếp giải quyết khiếu nại, nếu xác định không đúng thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì sẽ không được giải quyết khiếu nại.

Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính lần đầu

Bước 1: Người khiếu nại nộp đơn khiếu nại cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Mẫu đơn khiếu nại mời quý khách tham khảo tại: Mẫu đơn khiếu nại mới nhất 2018 

Bước 2: Thủ lý giải quyết khiếu nại

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.

Bước 3: Giải quyết khiếu nại

– Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

– Trong thời hạn giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải tiến hành công việc sau:

+) Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay;

+) Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm (sau đây gọi chung là người có trách nhiệm xác minh) xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.

– Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ.

Bước 4: Ban hành quyết định giải quyết khiếu nại

Căn cứ quy định của pháp luật, kết quả xác minh nội dung khiếu nại, kết quả đối thoại (nếu có), người giải quyết khiếu nại ban hành quyết định giải quyết khiếu nại

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người giải quyết khiếu nại hoặc người có thẩm quyền, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp.

Trường hợp sau khi hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà không được giải quyết hoặc đã  nhận được kết quả giải quyết khiếu nại nhưng người khiếu nại không đồng ý với kết quả giải quyết có thể nộp hồ sơ giải quyết khiếu nại lần 2 theo quy định.

Mẫu quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

19006198
Liên hệ