Trường hợp nào được miễn, giảm tiền nộp phạt vi phạm hành chính?

0
328

Trong trường hợp nào người vi phạm hành chính được xem xét miễn, giảm tiền nộp phạt vi phạm? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về vấn đề này.

Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật hành chính, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Thế nào là vi phạm hành chính

Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo pháp luật hiện hành

Với mỗi vi phạm hành chính, người vi phạm chỉ bị áp dụng 01 hình thức xử phạt chính và có thể bị áp dụng 01 hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung.

Theo khoản 1 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, có 5 hình thức xử phạt chính:

(i) Cảnh cáo.

(ii) Phạt tiền.

(iii) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.

(iv) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

(v) Trục xuất.

Theo đó, cảnh cáo và phạt tiền chỉ có thể là hình thức xử phạt chính. Các hình thức còn lại có thể là hình thức xử phạt bổ sung hoặc xử phạt chính. Việc xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng đi kèm với xử phạt chính.

Các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính

Điều 11 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định cá trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính gồm:

Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết

Khoản 11 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính định nghĩa: Tình thế cấp thiết là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng

Theo quy định tại Khoản 12 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính thì Phòng vệ chính đáng là hành vi của cá nhân vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích nói trên.

Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ

Khoản 13 Điều 2 quy định: Sự kiện bất ngờ là sự kiện mà cá nhân, tổ chức không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi nguy hại cho xã hội do mình gây ra.

Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng

Sự kiện bất khả kháng được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự 2015 và Khoản 14 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính như sau: Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính.

Người không có năng lực trách nhiệm hành chính là người thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Điểm a Khoản 1 Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định về tuổi bị xử lý vi phạm hành chính như sau:

– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

– Người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân vi phạm hành chính thì bị xử lý như đối với công dân khác; trường hợp cần áp dụng hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn liên quan đến quốc phòng, an ninh thì người xử phạt đề nghị cơ quan, đơn vị Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có thẩm quyền xử lý;

Điều kiện miễn, giảm tiền nộp phạt

Cá nhân bị phạt tiền từ 3 triệu đồng trở lên không có khả năng nộp phạt thì được xem xét miễn, giảm tiền nộp khi đáp ứng 2 điều kiện sau:

Đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn.

Có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc.

Như vậy, chỉ có cá nhân được miễn, giảm tiền nộp phạt vi phạm hành chính, tổ chức không được miễn, giảm. Mức miễn, giảm tối đa bằng số tiền phạt còn lại trong quyết định xử phạt.

Thủ tục xin miễn, giảm tiền nộp phạt

Bước 1: Để được miễn, giảm tiền phạt, người vi phạm chuẩn bị hồ sơ đề nghị gồm:

Đơn đề nghị miễn, giảm tiền phạt, trong đó nêu rõ: Lý do đề nghị miễn, giảm tiền phạt; giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, thảm họa, tai nạn bất ngờ, dịch bệnh, chi phí chữa bệnh, bệnh hiểm nghèo và số tiền phạt đề nghị miễn, giảm (phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt).

Trường hợp thiệt hại về tài sản, chữa bệnh được cơ quan bảo hiểm bồi thường (nếu có) thì phải kèm theo bản sao có xác nhận công chứng về bồi thường thiệt hại, về thanh toán chi phí khám, chữa bệnh của cơ quan bảo hiểm (nếu có).

Xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc nơi làm việc. Trường hợp cá nhân bị bệnh hiểm nghèo thì phải có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh; chi phí khám, chữa bệnh có đầy đủ chứng từ.

Bước 2: Gửi hồ sơ tới người đã ra quyết định xử phạt.

Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được đơn, người đã quyết định xử phạt chuyển đơn kèm hồ sơ đến cấp trên trực tiếp.

Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn, cấp trên trực tiếp xem xét quyết định và thông báo cho người đã ra quyết định xử phạt. Người có đơn đề nghị miễn, giảm nếu từ chối việc miễn, giảm tiền phạt thì phải nêu rõ lý do.

Khi đó người vi phạm có thể chuyển hướng sang xin hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gửi cơ quan của người đã ra quyết định xử phạt.

Thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt không quá 03 tháng, kể từ ngày có quyết định (theo Điều 76 Luật này).

– Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây