Trang chủ Kiến thức hành chính Xử phạt nghiêm với hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu...

Xử phạt nghiêm với hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng!

0
157
Đánh giá post

Kinh tế phát triển, kéo theo đó là sự xuất hiện của ngày càng nhiều các hoạt động kinh doanh, làm ăn bất hợp pháp, xâm phạm trực tiếp đến lợi ích, quyền của người tiêu dùng. Vậy pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thế nào? 

Bài viết được thực hiện bởi: Chuyên viên Trần Thu Hoài – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Quyền lợi của người tiêu dùng là gì? Vì sao phải bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Quyền lợi người tiêu dùng

Người tiêu dùng theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật bảo về quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức.

Theo đó, để có được dịch vụ, hàng hóa phục vụ cho nhu cầu của mình, người tiêu dùng thường phải bỏ ra một giá trị nào đó, thường là giá trị vật chất như tiền, vàng,… để đổi lại sự thỏa mãn phần nào đó nhu cầu của mình. Vì vậy, khi đã trao đi giá trị, người tiêu dùng cũng cần có sự đảm bảo nhất định cho lợi ích mình sẽ nhận lại – quyền lợi người tiêu dùng

Có thể hiểu, quyền lợi người tiêu dùng là quyền của người tiêu dùng được phép hưởng, được pháp luật đảm bảo nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho nhu cầu của mình.

Sự cần thiết phải bảo vệ người tiêu dùng

Hiện nay, nền kinh tế thị trường đang ngày càng phát triển, kéo theo đó là ngày càng nhiều hành vi trái pháp luật nhằm thu lợi bất chính. Trong đó, các hành vi vi phạm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng cũng ngày càng gia tăng và trở nên phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực.

Người tiêu dùng chính là chủ thể đóng vai trò cực kì quan trọng trong sự phát triển của nền sản xuất hàng hóa. Với tư cách là người sử dụng trực tiếp các sản phẩm, dịch vụ người tiêu dùng quan tâm tới các đặc trưng của sản phẩm và cách sử dụng hàng hóa tối ưu, từ đó mang lại những trải nghiệm thực tế cho các sản phẩm mà hoạt động sản xuất tạo ra, trên cơ sở đó giúp việc sản xuất có thể thay đổi, cải tiến để phù hợp hơn với thị hiếu, từ đó thúc đẩy sự phát triển sản xuất. Với tầm quan trọng như vậy trong nền sản xuất, quyền lợi của người tiêu dùng cần thiết phải đảm bảo.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ là hành động thiết thực để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ trên, từ đó thúc đẩy sản xuất nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung phát triển, đồng thời mang lại uy tín, lòng tin của người tiêu dùng với doanh nghiệp, tạo bệ phóng cho doanh nghiệp phát triển.

Bảo vệ người tiêu dùng trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế ngày nay không chỉ là vấn đề của cá nhân hay doanh nghiệp nào, nó trở thành trách nhiệm của toàn xã hội. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ mang lại lợi ích chính đáng cho người tiêu dùng mà còn tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân, là động lực quan trọng cho sự phát triển ổn định của nền kinh tế.

Có thể bạn quan tâm: Buôn bán hàng giả

Các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng là gì?

Theo quy định tại Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, người tiêu dùng có các quyền sau:

Thứ nhất, được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác khi tham gia vào các giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Thứ hai, được cung cấp các thông tin đầy đủ, chính xác về:

(i) Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;

(ii) Nội dung giao dịch sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ;

(iii) Nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa;

Thứ ba, được quyền yêu cầu cung cấp hóa đơn, chứng từ,… thông tin liên quan đến giao dịch, hàng hóa, dịch vụ mà mình đã mua, sử dụng.

Thứ tư, được quyền lựa chọn loại hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình;

Thứ năm, tự mình quyết định về việc tham gia hoặc không tham gia giao dịch;

Thứ sáu, được quyền đóng góp ý kiến với cá nhân, tổ chức kinh doanh về một số vấn đề liên quan đến hàng hóa, dịch vụ như: giá cả, chất lượng, phương thức giao dịch,…

Thứ bảy, tham gia vào việc xây dựng và thực thi các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ tám, yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng chất lượng, số lượng, công dụng, tính năng, giá cả,… mà cá nhân, tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết hoặc cam kết.

Cuối cùng, có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Có thể bạn quan tâm thêm về xử lý hành chính vi phạm về khuyến mãi? Hãy đọc ngay bài viết sau để rõ thêm về  khuyến mãi

Các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng

Các hành vi sản xuất, kinh doanh sau đây bị coi là xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng và bị pháp luật nghiêm cấm hiện nay bao gồm:

Thứ nhất, không đăng ký, công bố về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, dịch vụ với các trường hợp phải đăng ký theo quy định pháp luật;

Thứ hai, không thực hiện đúng cam kết về chất lượng, giá cả,… với người tiêu dùng;

Thứ ba, không thường xuyên kiểm tra về sự an toàn, chất lượng các hàng hóa, dịch vụ; thực hiện việc cân, đo, đong, đếm không chính xác;

Thứ tư, đưa thông tin, quảng cáo không chính xác, trung thực về hàng hóa, dịch vụ;

Thứ năm, không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ;

Thứ sáu, không công bố nội dung về các điều kiện, địa điểm, thời hạn bảo hành và hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng;

Thứ bảy, không giải quyết kịp thời các khiếu nại của người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ của mình; không bồi hoàn, bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng theo quy định pháp luật.

 

     Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật hành chính, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng

Việc xử phạt hành chính với các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định Nghị định số 98/2020/NĐ-CP. Theo quy định tại Điều 61 Nghị định trên, hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng sẽ bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt sau:

Thứ nhất, nếu hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị dưới 5 triệu đồng, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5 trăm nghìn đồng đến 1 triệu đồng với hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 1 Điều 61 Nghị định trên như: không đền bù, đổi trả cho khách hàng, người tiêu dùng do nhầm lẫn hoặc bị đánh tráo, gian lận, lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng,…

Thứ hai, nếu hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 5 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng với hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 61 Nghị định trên.

Thứ ba, nếu hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 20 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng với hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 3 Điều 61 Nghị định trên.

Thứ tư, nếu hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng với hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 4 Điều 61 Nghị định trên.

Thứ năm, nếu hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng với hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 5 Điều 61 Nghị định trên.

Thứ sáu, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng với hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp  quy định tại Khoản 6 Điều 61 của nghị định trên, bao gồm:

(i) Không cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng hoặc không giải trình, giải trình không đúng thời hạn theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

b) Từ chối tiếp nhận yêu cầu của người tiêu dùng về việc tiến hành thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng khi quá thời hạn quy định là 7 ngày làm việc tính từ ngày nhận được yêu cầu của người tiêu dùng theo quy định.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại Khoản 7 Điều 61 Nghị định trên. Đó là:

(i) Tước Giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh từ 01 tháng đến 03 tháng

(ii) Trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm, chủ thể vi phạm thuộc các trường hợp quy định tại các Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 Điều này sẽ bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.

Bên cạnh đó, các chủ thể vi phạm có thể phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Khoản 8 Điều 61 Nghị định trên như: buộc thu hồi hàng hóa không bảo đảm chất lượng hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Có thể bạn quan tâm về xử lý vi phạm trong lĩnh vực  thương mại điện tử

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

Không bình luận