Mở trường mầm non tư thục, những điều cần lưu ý

0
381

Trẻ em luôn là đối tượng được Nhà nước quan tâm đặc biệt và tạo mọi điều kiện để phát triển. Hiện nay, Luật Giáo dục năm 2005, Sửa đổi bổ sung 2009 của nước ta có quy định hệ thống giáo dục quốc dân của nước ta xuất phát từ cấp giáo dục mầm non nhằm tạo môi trường tốt nhất để trẻ em phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ, thẩm mỹ từ đó tạo nền tảng hình thành nhân cách cho trẻ. Chính vì tầm quan trọng này, việc lựa chọn trường cho trẻ được các bậc cha mẹ đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc các trường mầm non công lập đang quá tải, nhiều trẻ em trong độ tuổi mầm non không có trường để theo học. Do đó, để giải quyết tình trạng này, nhà nước cho phép các tổ chức, cá nhân được thành lập các trường mầm non tư thục nếu đủ điều kiện.

Vậy, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về điều kiện, hồ sơ và trình tự thủ tục thành lập trường mầm non tư thục như thế nào?

Vi phạm hợp đồng
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật nêu trên, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Điều kiện để trường mầm non tư thục được thành lập và đi vào hoạt động

Để được thành lập và cho phép đi vào hoạt động, trường mầm non tư thục phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 3, 5 Nghị định 46/2017/NĐ-CP (Sửa đổi bổ sung tại Nghị định 135/2018/NĐ-CP).

Để thành lập trường mầm non tư thục, cần được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về đề án thành lập trường. Đề án xin phê duyệt phải đảm bảo các yếu tố sau: 

Phù hợp với quy hoạch của địa phương về kinh tế – xã hội và hệ thống cơ sở giáo dục;

Nội dung đề án cần phải rõ ràng, cụ thể về những vấn đề liên quan đến chương trình giáo dục (mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung,..), điều kiện về xây dựng (địa điểm, cơ sở vật chất, đất đai), tổ chức, nguồn lực, phương hướng phát triển;

Sau khi được cho phép thành lập, trường mầm non tư thục chỉ được đi vào hoạt động trên cơ sở cơ quan có thẩm quyền xem xét về các điều kiện sau: 

Đã được cấp quyết định cho phép mở trường mầm non tư thục;

Phải đảm bảo các điều kiện về an toàn, vệ sinh môi trường, diện tích khuôn viên trường (diện tích xây dựng, sân chơi, đường đi,…), cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục;

Có đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đạt tiêu chuẩn về số lượng và trình độ, chương trình giáo dục theo quy định;

Đảm bảo về tài chính để có thể phát triển và duy trì hoạt động của trường;

Cần có quy chế rõ ràng về tổ chức, hoạt động của trường mầm non tư thục;

Trường mầm non tư thục thành lập phải đảm báo có từ 3 đến 20 nhóm trẻ hoặc lớp mẫu giáo  với số lượng từ 50 trẻ em trở lên.

Hồ sơ, trình tự thủ tục để thành lập và đưa trường mầm non tư thục vào hoạt động

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 4 Nghị định 46/2017/NĐ-CP (Được Sửa đổi bổ sung tại Nghị định 135/2018/NĐ-CP), quyết định cho phép thành lập trường mầm non tư thục chỉ có thời hạn 2 năm kể từ ngày được cấp và sẽ bị thu hồi nếu hết thời hạn này mà trường mầm non vẫn không đủ điều kiện để được phép hoạt động. Như vậy, để trường mầm non tư thục chính thức được mở, tổ chức cá nhân cần thực hiện 2 thủ tục sau đây:

Thứ nhất, thực hiện thủ tục để thành lập trường mầm non tư thục

Bước 1: Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ tại Ủy ban Nhân dân cấp huyện gồm các giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 46/2017/NĐ-CP (Sửa đổi Nghị định 135/2018/NĐ-CP) như sau:

Tờ trình đề nghị thành lập của tổ chức, cá nhân trong đó thể hiện rõ về sự cần thiết phải thành lập, tên, địa điểm trụ sở thành lập trường;

Đề án thành lập trường mầm non tư thục;

Đối với địa điểm xây dựng trường mầm non tư thục, tổ chức cá nhân phải có văn bản về giao đất, thuê đất, thuê nhà có thời hạn ít nhất là 5 năm;

Bản thiết kế, dự thảo quy hoạch về trường mầm non được thành lập.

Bước 2: Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp huyện thực hiện các công việc sau:

UBND cấp huyện giao cho Phòng Giáo dục và đào tạo tiến hành thẩm định về điều kiện để trường mầm non tư thục được thành lập trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của tổ chức và cá nhân.

Theo chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Giáo dục phải cùng với các phòng chuyên môn thực hiện thẩm định và đưa ra ý kiến trình Chủ tịch UBND trong thời hạn 15 ngày làm việc.

Trên cơ sở ý kiến thẩm định của Phòng Giáo dục và đạo tạo, Chủ tịch UBND phải ra quyết định cho phép thành lập đối với trường mầm non tư thục trong thời hạn 05 ngày làm việc, nếu xét thấy đủ điều kiện. Trường hợp không đủ điều kiện, cần phải trả lời bằng văn bản đối với cá nhân, tổ chức yêu cầu trong đó có nêu rõ lý do.

Thứ hai, thực hiện thủ tục để được cấp phép hoạt động cho trường mầm non tư thục

Sau khi được Ủy ban Nhân dân cấp huyện cấp quyết định cho phép thành lập trường mầm non tư thục, tổ chức, cá nhân phải tiếp tục thực hiện các thủ tục để xin cấp phép hoạt động theo quy định tại Điều 10 Nghị định 46/2017/NĐ-CP (Sửa đổi tại Nghị định 135/2018/NĐ-CP) như sau:

Bước 1: Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đến Phòng Giáo dục và đào tạo với các giấy tờ sau:

Tờ trình đề nghị cho phép hoạt động đối với trường mầm non tư thục;

Quyết định cho phép thành lập trường mầm non tư thục (Bản sao cấp từ sổ gốc hoặc bản sao chứng thực). Trường hợp bản sao chưa chứng thực thì phải kèm theo bản gốc để đối chiếu;

Danh sách cán bộ, nhân viên, giáo viên của trường gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên (phải ghi rõ trình độ chuyên môn được đào tạo) và hợp đồng làm việc;

Chương trình giáo dục và tài liệu phục vụ giảng dạy tại trường;

Danh mục số lượng phòng học, phòng làm việc, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng các điều kiện theo quy định;

Quy chế của trường mầm non tư thục;

Ngoài các loại giấy tờ cơ bản trên, tổ chức, cá nhân cần nộp các văn bản pháp lý liên quan đến vị trí xây dựng trường (quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê ít nhất 5 năm), vốn của trường mầm non tư thục có thể sử dụng sau khi được cho phép hoạt động; phương án để huy động và cân đối vốn để đảm bảo trường mầm non tư thục có thể ổn định hoạt động trong 5 năm kể từ khi tuyển sinh.  

Bước 2: Phòng giáo dục và đào tạo tiếp nhận hồ sơ và ra quyết định cho phép hoạt động theo trình tự sau:

Kiểm tra tính hợp lệ của các giấy tờ trong hồ sơ và ra thông báo về việc thẩm định tại trường mầm non tư thục sẽ hoạt động;

Phối hợp với phòng ban liên quan để tiến hành thẩm định thực tế trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày thông báo;

Sau khi có kết quả việc thẩm định, nếu xét thấy đủ điều kiện Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo ra Quyết định cho phép hoạt động. 

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây