Công chứng di chúc để lại tài sản là bất động sản ở đâu?

0
273

Trường hợp cá nhân có di chúc để lại tài sản là bất động sản có bắt buộc phải công chứng di chúc tại nơi có bất động sản không? Pháp luật quy định thế nào về công chứng di chúc để lại tài sản là bất động sản?

Vi phạm xuất bản
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật hành chính, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

– Tóm tắt câu hỏi về công chứng di chúc để lại bất động sản

Tôi có tài sản là 01 ngôi nhà với diện tích 200m2 trên địa bàn quận Hai Bà Trưng thành phố Hà Nội; 01 mảnh đất vườn 250m2 trên địa bản quận Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh. Tôi lập di chúc để lại tài sản cho 2 con của mình và được chia đều cho 2 con. Nếu tôi công chứng di chúc thì phải công chứng ở đâu? Pháp luật có quy định tôi phải công chứng tại Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh không?

– Luật sư tư vấn về công chứng di chúc để lại bất động sản

Một số vấn đề pháp lý liên quan

Công chứng là gì?

Khoản 1 Điều 2 Luật công chứng 2014 quy định Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Địa điểm công chứng

Địa điểm công chứng được quy định tại Điều 44 Luật Công chứng, theo đó, việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Tuy nhiên, việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Quy định về công chứng di chúc

Người có quyền yêu cầu

Người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.

Quy định trong một số trường hợp cụ thể

Trường hợp công chứng viên nghi ngờ người lập di chúc bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình hoặc có căn cứ cho rằng việc lập di chúc có dấu hiệu bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép thì công chứng viên đề nghị người lập di chúc làm rõ, trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng di chúc đó.

Trường hợp tính mạng người lập di chúc bị đe dọa thì người yêu cầu công chứng không phải xuất trình đầy đủ giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng nhưng phải ghi rõ trong văn bản công chứng.

Đối chiếu với tình huống của anh/chị

Nếu anh/chị công chứng di chúc để lại tài sản là bất động sản thì có thể công chứng tại bất kì tổ chức hành nghề công chứng nào có thẩm quyền công chứng.

Quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong Luật công chứng 2014

Theo quy định tại Điều 42 Luật công chứng 2014 về phạm vi công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản, “Công chứng viên của tổ chức hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.”

Theo đó, tổ chức hành nghề công chứng không được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản không thuộc phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở. Tuy nhiên, điều luật đã đặt ra trường hợp ngoại lệ đối với việc công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.

Kết luận

Tuy di chúc của anh/chị liên quan đến bất động sản là nhà ở và đất nhưng Điều 42 Luật Công chứng 2014 đã quy định ngoại lệ đối với việc công chứng di chúc. Theo đó, Tổ chức hành nghề công chứng được công chứng di chúc về bất động sản kể cả trong trường hợp bất động sản đó không nằm trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở.

Pháp luật cũng quy định trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng thì Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.. Điều 639 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Di chúc do công chứng viên lập tại chỗ ở đã nêu rõ:

Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng viên tới chỗ ở của mình để lập di chúc.

Thủ tục lập di chúc tại chỗ ở được tiến hành như thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng.

Như vậy, anh/chị hoàn toàn quyền yêu cầu công chứng di chúc tại bất kì tổ chức hành nghề công chứng nào có thẩm quyền hoặc có thể yêu cầu công chứng tại chỗ ở nếu có lí do chính đáng.

– Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây