Bầu cử, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức tổng thể những quy định pháp luật về trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm, tuyển dụng, sử dụng và quản lí đội ngũ cán bộ, công chức; nghĩa vụ và quyền của cán bộ, công chức… Bài viết này sẽ phân tích rõ các quy định về bầu cử, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức.
Contents
1 – Bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ trong cơ quan nhà nước
Bầu cử thường được áp dụng trong trường hợp cần trao cho công dân đảm nhiệm một chức vụ, chức danh nhất định trong một thời gian nhất định (theo nhiệm kì). Chức vụ, chức danh cán bộ làm việc trong cơ quan nhà nước được xác định theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức toà án nhân dân, Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân, Luật tổ chức hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân, Luật kiểm toán nhà nước và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ theo nhiệm kì trong cơ quan nhà nước được thực hiện theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân, Luật tổ chức toà án nhân dân, Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân, Luật kiểm toán nhà nước, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân. Những người do bầu cử để đảm nhiệm chức vụ, chức danh theo nhiệm kì trong các cơ quan nhà nước khi thôi giữ chức vụ được bố trí công tác phù hợp với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của họ và được đảm bảo các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức.
2 – Tuyển dụng, bổ nhiệm công chức
Việc tuyển dụng công chức do cơ quan có thẩm quyền tiến hành căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Người đăng kí dự tuyển công chức phải đáp ứng các điều kiện: có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; đủ 18 tuổi trở lên; có đơn dự tuyển; có lí lịch rõ ràng; có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu dự tuyển (các điều kiên của vị trí việc làm cụ thể).
Xem thêm: Ngành Luật Hành chính trong pháp luật Việt Nam
Những người không cư trú tại Việt Nam; mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của toà án mà chưa được xoá án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lí hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục thì không được đăng kí dự tuyển công chức.
Việc tuyển dụng công chức được thực hiên chủ yếu thông qua thi tuyển. Riêng những trường hợp đáp ứng các điều kiện trên đây và cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn thì được tuyển dụng thông qua xét tuyển.
Việc tuyển dụng công chức được tiến hành trên cơ sở các nguyên tắc sau:
- Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật;
- Bảo đảm tính cạnh tranh;
- Tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm;
- Ưu tiên tuyển chọn người có tài năng, người có công với nước, người dân tộc thiểu số.
Người được tuyển dụng phải thực hiện chế độ tập sự để làm quen vói môi trường công tác, tập làm những công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng. Thời gian tập sự được quy định từ 6 đến 12 tháng tùy theo loại công chức. Hết thời gian tập sự, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng công chức đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức và kết quả công việc của người đó; nếu đạt yêu cầu của ngạch công chức đang tập sự thì đề nghị cơ quan có thẩm quyền quản lí công chức quyết định bổ nhiệm và xếp lương cho công chức được tuyển dụng. Trường hợp người tập sự không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị xử lí kỉ luật trong thời gian tập sự thì quyết định tuyển dụng bị hủy bỏ.
3 – Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức
Cơ quan có thẩm quyền quản lí cán bộ, công chức có trách nhiệm xây dựng quy hoạch, kế hoạch và tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn và nâng cao trình độ, năng lực của cán bộ, công chức.
Đào tạo được hiểu là quá trình truyền thụ, tiếp nhận có hệ thống những tri thức, kĩ năng theo quy định của từng cấp học, bậc học. Bồi dưỡng là hoạt động trang bị, cập nhật, nâng cao kiến thức, kĩ năng làm việc. Như vậy, đào tạo là công việc đòi hỏi nhiều thời gian hơn và là nền tảng để tiến hành bồi dưỡng.
Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tiêu chuẩn đối với từng chức vụ, chức danh; tiêu chuẩn ngạch công chức và yêu cầu nhiệm vụ. Kinh phí dành cho hoạt động này được lấy từ nguồn do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật. Nôi dung, chương trình, hình thức, thời gian đào tạo, bồi dưỡng do cơ quan có thẩm quyền quy định.
Riêng đối với công chức, Chính phủ đã có những quy định tương đối cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng. Mục tiêu của hoạt động này là trang bị kiến thức, kĩ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhằm xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp có đủ năng lực xây dựng nền hành chính tiên tiến, hiện đại. Trách nhiệm của cơ quan quản lí và cơ quan, đơn vị sử dụng công chức được phân định rõ ràng, theo đó cơ quan quản lí công chức có trách nhiệm xây dựng và công khai quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn và nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của công chức; cơ quan, đơn vị sử dụng công chức có trách nhiệm tạo điều kiện để công chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Xem thêm: Địa vị pháp lý hành chính của Chính phủ
Việc đào tạo, bồi dưỡng công chức được tiến hành theo những nguyên tắc sau đây:
– Đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào vị trí việc làm, tiêu chuẩn của ngạch công chức, tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lí và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị;
- Bảo đảm tính tự chủ của cơ quan quản lí, đơn vị sử dụng công chức trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng;
- Kết hợp cơ chế phân cấp và cơ chế cạnh tranh trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng;
- Đề cao vai trò tự học và quyền của công chức trong việc lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo vị trí việc làm;
- Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.
Công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước được cơ quan quản lí, sử dụng bố trí thời gian và kinh phí theo quy định; được tính thời gian đào tạo, bồi dưỡng vào thời gian công tác liên tục; được hưởng nguyên lương và phụ cấp trong thời gian đào tạo, bồi dưỡng; được biểu dương, khen thưởng về kết quả xuất sắc trong thời gian đào tạo, bồi dưỡng. Bên cạnh đó, họ có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh quy chế đào tạo, bồi dưỡng và chịu sự quản lí của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong thời gian tham gia khoá học. Trường hợp đang tham gia khoá học mà tự ý bỏ học, thôi việc hoặc đã học xong nhưng chưa phục vụ đủ thòi gian theo cam kết mà tự ý bỏ việc thì phải đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng.
4 – Sử dụng cán bộ, công chức
Sau khi được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm chức vụ, chức danh trong cơ quan nhà nước, cán bộ có thể được cơ quan có thẩm quyền quyết định điều động, luân chuyển hoặc miễn nhiêm căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ và quy hoạch cán bộ trên cơ sở những điều kiện do pháp luật quy định. Sau khi được tuyển dụng, công chức được sử dụng dưới các hình thức: điều động, bổ nhiệm chức vụ (lãnh đạo, quản lí), luân chuyển, biệt phái và miễn nhiệm.
Điều động là việc chuyển cán bộ, công chức thuộc biên chế cơ quan, đơn vị này đến làm việc tại cơ quan, đơn vị khác. Việc điều động cán bộ, công chức do cơ quan có thẩm quyền quản lí cán bộ, công chức thực hiện căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ; phẩm chất chính trị, đạo đức; trình độ, năng lực của cán bộ, công chức; quy hoạch cán bộ và quy hoạch, kế hoạch sử dụng công chức.
Luân chuyển là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lí được cử hoặc bổ nhiệm giữ một chức danh lãnh đạo, quản lí khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ. Có thể coi đây là một hình thức đào tạo, bồi dưỡng đặc biệt đối với cán bộ, công chức – đào tạo, bồi dưỡng thông qua hoạt động thực tế.
Việc luân chuyển cán bộ và công chức lãnh đạo, quản lí không chỉ giới hạn ở các ngành, các cấp, các lĩnh vực trong bộ máy nhà nước. Cán bộ và công chức lãnh đạo, quản lí được luân chuyển trong hệ thống các cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội căn cứ vào quy hoạch cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lí.
Miễn nhiệm là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kì hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm. Cán bộ, công chức được miễn nhiệm trong trường hợp không đủ sức khỏe; không đủ năng lực, uy tín; theo yêu cầu nhiêm vụ và vì lí do khác. Họ cũng có thể xin thôi làm nhiệm vụ hoặc từ chức trong những trường hợp nêu trên. Tuy nhiên, họ vãn phải tiếp tục thực hiên nhiệm vụ, chức trách được giao cho đến khi cấp có thẩm quyền quyết định cho từ chức hoặc miễn nhiệm.
Riêng đối với công chức, pháp luật quy định những trường hợp được miễn nhiệm cụ thể hơn, đó là: được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển, bố trí, phân công công tác khác mà không được kiêm nhiệm chức vụ cũ; không đủ sức khỏe để tiếp tục lãnh đạo, quản lí; không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm kỉ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước nhưng chưa đến mức bị kỉ luật bằng hình thức cách chức; không đủ năng lực, uy tín để làm việc; vi phạm quy định của cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ chính trị nội bộ.
Ngoài những hình thức sử dụng đã nêu trên, công chức còn được sử dụng thông qua 2 hình thức khác là bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lí và biệt phái.
Công chức có thể được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lí trong thời hạn 5 năm căn cứ vào nhu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ lãnh đạo, quản lí. Những tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lí là: đạt tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ, chức danh được bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; có đầy đủ hồ sơ cá nhân được cơ quan có thẩm quyền xác minh rõ ràng, có bản kê khai tài sản; trong độ tuổi bổ nhiệm; có đủ sức khỏe; không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.
Khi hết thời hạn bổ nhiệm, công chức lãnh đạo, quản lí được xem xét bổ nhiệm lại. Để được bổ nhiệm lại, công chức phải hoàn thành nhiêm vụ trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lí; đạt tiêu chuẩn của chức vụ công chức lãnh đạo, quản lí đang đảm nhiệm tại thời điểm xem xét bổ nhiệm lại; có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.
Những trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm lại thì được cơ quan có thẩm quyền bố trí, phân công công tác khác.
Biệt phái là việc cử công chức của cơ quan, đơn vị này đến làm việc có thời hạn ở cơ quan, đơn vị khác theo yêu cẫu nhiệm vụ. Công chức được biệt phái chịu sự phân công công tác của cơ quan, đơn vị nơi được cử đến. Cơ quan, đơn vị biệt phái công chức có trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi khác của công chức được biệt phái.
Trong thời gian công tác biệt phái, công chức vẫn được coi là thuộc biên chế của cơ quan, đơn vị nơi người đó làm việc trước khi được cử đi công tác biệt phái. Cơ quan, đơn vị quản lí công chức biệt phái có trách nhiệm bố trí công việc phù hợp cho công chức khi hết thời hạn biệt phái. Thời gian công tác biệt phái được tính là thời gian công tác liên tục. Thời hạn biệt phái không quá 3 năm, trừ một số ngành, lĩnh vực do Chính phủ quy định.
Tổng hợp từ “Giáo trình luật hành chính Việt Nam” – Trường Đại học Luật Hà Nội – Chủ biên: TS. Trần Minh Hương