Nguyên tắc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật

0
706

Nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là những tư tưởng chỉ đạo phản ánh khái quát những sự việc khách quan liên quan tới quá trình xây dựng pháp luật. Bài viết phân tích và làm sáng tỏ một số nguyên tắc xây dựng văn bản pháp luật căn bản:

Luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 19006198

Nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là gì ?

Nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là những tư tưởng chỉ đạo phản ánh khái quát những sự việc khách quan liên quan tới quá trình “nâng” ý chí nhà nước lên thành pháp luật. Đây là những cơ sở quan trọng của toàn bộ quá trình xây dựng pháp luật, đòi hỏi tất cả các chủ thể tham gia vào quá trình ban hành, sửa đổi hay bãi bỏ các qui phạm pháp luật phải nghiêm chỉnh tuân theo. Theo Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam năm 2008 thì nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ gồm có:
“1. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật.

2. Tuân thủ thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

3. Bảo đảm tính công khai trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có nội dung thuộc bí mật nhà nước; bảo đảm tính minh bạch trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật.

4. Bảo đảm tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật.

5. Không làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, các nguyên tắc xây dựng pháp luật không chỉ có như Luật đã quy định mà để hoạt động xây dựng pháp luật bảo đảm được thể chế hóa đúng chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu hợp pháp, hợp với thực tiễn… thì hoạt động xây dựng pháp luật phải tuân theo các nguyên tắc sau:

Nguyên tắc tuân theo hiến pháp và pháp luật trong xây dựng pháp luật (nguyên tắc pháp chế):

Nguyên tắc tuân theo hiến pháp và pháp luật trong xây dựng pháp luật được thể hiện ở:

Một là, sự tuân thủ đầy đủ của các tổ chức, cá nhân về thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục trong .xây dựng pháp luật. Để bảo đảm cho các quy định pháp luật được xây dựng có giá trị pháp lí, thì chúng phải được xây dựng đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục về nội dung cũng như hình thức. Điều này có nghĩa là các chủ thể chỉ được tạo lập các nguồn pháp luật phù hợp với thẩm quyền của mình, theo các trình tự, thủ tục luật định, với những hình thức được quy định trong hiến pháp và luật.

Hai là, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các quy phạm pháp luật trong hệ thống quy phạm pháp luật, đặc biệt là phải tôn trọng tính tối cao của hiến pháp và luật. Điều này đòi hỏi các quy định pháp luật của cơ quan cấp dưới ban hành không được trái với quy định pháp luật do cơ quan cấp trên ban hành, các quy định dưới luật không được trái với các quy định luật và tất cả mọi quy định pháp luật không được trái với hiến pháp.

Đảm bảo nguyên tắc xây dựng pháp luật phải tuân theo hiến pháp và pháp luật (nguyên tắc pháp chế) trong xây dựng pháp luật sẽ tránh được tình trạng ban hành nguồn pháp luật vượt quá thẩm quyền, tránh được tình trạng “pháp luật từng địa phương”, “pháp luật riêng của từng vùng, ngành” tránh được sự chồng chéo, sai phạm ở nội dung và hình thức các loại nguồn pháp luật.

Nguyên tắc tôn trọng quy luật khách quan trong xây dựng pháp luật

Pháp luật là hiện tượng có tính khách quan, pháp luật sinh ra do nhu cầu đòi hỏi của xã hội, phải phản ánh đứng nhu cầu khách quan của xã hội, xuất phát từ thực tế cuộc sống, phù hợp với thực tế cuộc sống. c. Mác cho rằng, “… Nhà làm luật phải tự coi mình như một nhà sinh vật học. Họ không làm ra luật, không sáng tạo ra luật mà chỉ thể thức hoả luật. Chúng ta sẽ phải chê trách nhà làm luật về sự tuỳ tiện nếu như ông ta thay thế bản chất của sự việc bằng nhiều điểm bịa đặt”} Như vậy, nhà làm luật không phát minh ra luật, mà chỉ ghi nhận những quy luật phát triển của xã hội bằng quy phạm pháp luật. Bất luận trong khía cạnh nào, pháp luật cũng là sự nhận thức chủ quan của con người đối với thế giới khách quan, con người nhận thức tồn tại xã hội rồi đưa ra các quy tắc cho hành vi con người. Do vậy, quá trình xây dựng pháp luật phải phản ảnh được những yêu cầu khách quan về sự cần thiết phải điều chỉnh bằng pháp luật đối với các quan hệ xã hội nhất định. Nội dung của các quy định pháp luật phải phù hợp với các quy luật khách quan, bảo đảm phát huy vai trò tích cực của pháp luật đối với đời sống xã hội.

Để đảm bảo nguyên tắc tôn trọng quy luật khách quan trong xây dựng pháp luật thì trước khi bắt tay vào xây dựng pháp luật cần nghiên cứu sâu sắc thực tiễn xã hội, các điêu kiện kinh tế, chính trị, tư tưởng, tâm lí xã hội; đặc điểm dân cư, nhu cầu của các tầng lớp, các nhóm nghề nghiệp; vấn đề dân tộc và sắc tộc; khả năng thực hiện các quy định pháp luật trên thực tế… thông tin từ việc nghiên cứu này sẽ là cơ sở tốt để xây dựng các quy định pháp luật phù họp. Ngoài ra còn phải nghiên cứu thực tiễn pháp lí trước đó như thực tiễn quản lí, thực tiễn xét xử, hoạt động của các tổ chức và cá nhân trong xã hội… Tránh hiện tượng: “pháp luật trên trời, cuộc đời dưới đất”.

Xem thêm: Cải cách thủ tục hành chính và những vấn đề cần lưu tâm

Các dự án luật phải được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, đặc biệt là cần có nhiều phương án để cho các cơ quan có thẩm quyền lựa chọn. Sau khi đã có phương án điều chỉnh cần phải có sự thẩm định, đánh giá về các mặt kinh tế, xã hội, khoa học… để pháp luật sẽ mang lại hiệu quả cao.

Nguyên tắc khoa học, kịp thời

Nguyên tắc này không chỉ đòi hỏi đối với nội dung của các quy định pháp luật mà còn đòi hỏi đối với cả hình thức thể hiện của chúng, về nội dung các quy định pháp luật phải được xây dựng trên cơ sở những thành tựu khoa học mới nhất, về hình thức bố cục, cấu trúc, cách thức trình bày các quy phạm pháp luật, văn bản pháp luật… phải mang tính khoa học. Xây dựng pháp luật trên cơ sở khoa học chính là điều kiện để đảm bảo hiệu lực và hiệu quả thực tế của các quy phạm pháp luật.

Nguyên tắc khoa học là yêu cầu chung đối với hoạt động xây dựng pháp luật, nó cho phép loại trừ những mâu thuẫn của pháp luật, bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định pháp luật. Tính khoa học trong hoạt động xây dựng pháp luật đòi hỏi phải nhận thức quy luật khách quan của xã hội, biết sử dụng những thành tựu của các ngành khoa học, đặc biệt là khoa học pháp lí, biết phân tích dự đoán đúng đắn các số liệu về kinh tế, kĩ thuật… phục vụ công tác xây dựng pháp luật. Mỗi quy phạm pháp luật cần được sắp xếp lôgíc, hợp lí trong hệ thống quy phạm pháp luật. Nội dung các quy định pháp luật phải chính xác, biểu đạt rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện. Tính khoa học còn được biểu hiện ở kế hoạch xây dựng pháp luật chặt chẽ và có tính khả thi, các hình thức thu thập, xử lí thông tin, tiếp thu ý kiến góp ý trong quá trình xây dựng pháp luật bảo đảm tính khách quan, khoa học… Việc ban hành pháp luật phải kịp thời, đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống. Trong dự án luật phải xoá bỏ được những chỗ trống của hệ thống pháp luật thực định, đồng thời hủy bỏ hay thay đổi kịp thời những quy định pháp luật không còn phù hợp hoặc những quy định trái với hiến pháp và các luật.

Nguyên tắc dân chủ, công khai trong xây dựng pháp luật

Nguyên tắc này đòi hỏi hiến pháp, luật phải được ban hành bằng con đường trưng cầu ý dân hoặc bởi cơ quan đại diện do nhân dân bầu ra. Các dự án luật, các đạo luật đã được ban hành cần phải được thông tin đầy đủ, rộng rãi đến nhân dân, nhất là đối với các đối tượng áp dụng của luật.

Việc xây dựng pháp luật có sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, nhằm làm cho pháp luật thể hiện được ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Nguyên tắc này cho phép phát huy được trí tuệ của đông đảo các tàng lớp nhân dân trong xã hội vào hoạt động xây dựng pháp luật, đồng thời cũng góp phần nâng cao hơn ý thức pháp luật của nhân dân. Sự tham gia của nhân dân vào quá trình xây dựng pháp luật sẽ là điều kiện để đảm bảo sự tự giác thực hiện pháp luật nghiêm minh và có hiệu quả sau này. Không chỉ bảo đảm sự công khai còn phải bảo đảm sự minh bạch trong quá trình xây dựng pháp luật. Tất cả các công đoạn, quy trình của quá trình xây dựng pháp luật, các nguyên tắc xây dựng pháp luật đều cần phải được quy định rõ ràng, rành mạch.

Để bảo đảm nguyên tắc này thì nhà nước phải không ngừng mở rộng dân chủ, các cơ quan nhà nước, những chủ thể có thẩm quyền xây dựng pháp luật phải thực sự lắng nghe ý kiến của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia đông đảo và phải coi đó là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

Nguyên tắc chuyên nghiệp trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Nguyên tắc chuyên nghiệp trong xây dựng pháp luật đòi hỏi quá trình chuẩn bị dự thảo các dự án luật phải có sự tham gia của các luật gia, các nhà kinh tế, các nhà xã hội, các chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Những chuyên gia nói trên phải là những người có sự hiểu biết sâu sắc nhất về các khía cạnh chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội… liên quan đến nội dung dự án luật và có khả năng biểu đạt chúng bằng những kĩ thuật pháp lí tiên tiến nhất. Trong quá trình soạn thảo dự án luật cần có sự tham vấn ý kiến nhân dân và các chuyên gia trong và ngoài nước…

Xem thêm:    Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật cần lưu ý gì?

Nguyên tắc bảo đảm tỉnh hệ thống, tính khả thỉ của các quy định pháp luật được xây dựng

Các quy định pháp luật hay nguồn pháp luật được xây dựng cần phải thật chặt chẽ, hoàn chỉnh, song đồng thời phải phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, nghĩa là, cùng với các quy định, các nguồn pháp luật khác chúng phải luôn tạo thành hệ thống, không mâu thuẫn, không trái nhau và không để lại những chỗ trống trong hệ thống pháp luật của đất nước.

Khi xây dựng pháp luật luôn phải chú ý để làm sao các quy định pháp luật phải có khả năng thực hiện được trên thực tế. Sự phù hợp với các điều kiện thực tế (về vật chất, kĩ thuật, tổ chức, văn hoá…) bảo đảm cho quy định pháp luật có thể thi hành được trên thực tế. Nếu quy định pháp luật không phù hợp với thực tế thì nó sẽ khó được thi hành trong thực tế hoặc được thi hành nhưng hiệu quả sẽ không cao.

Nguyên tắc hài hoà hoá pháp luật trong xây dựng pháp luật

Toàn cầu hoá là xu thế khách quan, tất yếu trong sự phát triển hiện nay, nó lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia, nó làm cho các quốc gia có sự liên kết chặt chẽ và tuỳ thuộc vào nhau nhiều hơn. Sự phân công và hợp tác kinh tế trên phạm vi toàn cầu đã dẫn đến tình trạng hội nhập và thay đổi của các lĩnh vực đời sống xã hội khác nhau, trong đó có sự hội nhập và thay đổi của pháp luật mỗi nước. Do vậy, đòi hỏi các quy định pháp luật được xây dựng phải phù hợp với các điều ước quốc tế mà quốc gia đã kí kết hoặc tham gia, với pháp luật của các quốc gia có quan hệ họp tác và làm ăn với quốc gia mình. Các quy định pháp luật quốc gia ban hành không được làm cản trở việc thực hiện điều ước quốc tế mà quốc gia là thành viên.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực hình sự (nêu trên) được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây