Quy định pháp luật về cấm đốt vàng mã

0
752

Pháp luật hiện hành quy định đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại lễ hội, di tích lịch sử văn hóa bị phạt đến 500.000 đồng. 

Bài viết được thực hiện bởi: Luật gia Huỳnh Thu Hương – Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn (24/7): 1900 6198

Quy định pháp luật về cấm đốt vàng mã

Việc đốt tiền vàng mã không chỉ là hành vi gây lãng phí, gây ô nhiễm môi trường mà còn có thể gây hỏa hoạn. Pháp luật hiện hành không quy định về việc cấm đốt tiền vàng mã tại nơi ở riêng, tuy nhiên lại có quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi đốt tiền vàng mã không đúng nơi quy định.

Cụ thể, khoản 1 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 19 Điều 2 Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 – 500.000 đồng đối với hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng nơi quy định của ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích; ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ; nói tục, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm; xả rác bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường trong khu vực lễ hội, di tích”. Như vậy, hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định của ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích sẽ bị xử phạt lên đến 500.000 đồng.

Trường hợp đốt vàng mã gây hậu quả nghiêm trọng như cháy nhà, cháy rừng hay tài sản khác có thể bị xử lý hình sự về tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản với mức phạt tù lên đến 2 năm và phải bồi thường đối với những thiệt hại do hành vi đó gây ra. Điều 180 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định: “Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 2 – 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm”.

Khi đi lễ, cúng bái, có nhiều người không chỉ đốt tiền vàng mã mà còn dùng tiền Việt Nam (đồng tiền đang được dùng để lưu thông trong quan hệ mua bán hàng hóa) mệnh giá nhỏ để rải. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm. Khoản 2 Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định hành vi hủy hoại đồng tiền trái pháp luật là hành vi bị cấm đối với đồng tiền Việt Nam. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 3 Quyết định 130/2003/QĐ-TTg về việc bảo vệ tiền Việt Nam có quy định: “Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào” là hành vi bị nghiêm cấm. Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào cũng là trái pháp luật, và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Nghị định 96/2014/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng; ngoài ra có thể bị xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ tang vật, phương tiện thực hiện hành vi vi phạm.

Những bất cập trong quy định pháp luật về cấm đốt vàng mã

Pháp luật hiện nay chỉ xử lý hành chính đối với hành vi đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích, không có quy định về cấm đốt vàng mã tại các nơi thờ tự nói chung, tại nhà riêng của cá nhân. Theo suy luận của các nhà làm luật, việc cấm đốt vàng mã phải bắt đầu từ việc cấm sản xuất, kinh doanh vàng mã. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, sản xuất, kinh doanh vàng mã không thuộc diện ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Pháp luật hiện hành vẫn công nhận vàng mã là một mặt hàng được phép kinh doanh và vẫn nằm trong Danh mục đóng thuế. Cụ thể, theo điểm k, khoản 1 Điều 2 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, vàng mã, hàng mã là mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này được ấn định với mức rất cao: 70%.

Tác hại của việc đốt vàng mã vừa lãng phí tiền vừa ô nhiễm môi trường, vì vậy, nhà nước có thể phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vận động các tăng ni, Phật tử hạn chế việc đốt vàng mã ở nơi thờ tự và ở gia đình mình; vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước không đốt vàng mã khi thờ cúng… Bên cạnh đó, cần có giải pháp quản lý chặt các hoạt động kinh doanh, mua bán vàng mã như: nghiêm cấm việc sản xuất, buôn các loại vàng mã có kích thước lớn, phản cảm; vận động người dân thực hiện việc đốt vàng mã một cách kín đáo, không phô trương, bảo đảm môi trường; đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống cháy nổ có thể xảy ra. Mặt khác, nhà nước cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng mã theo hướng thắt chặt các điều kiện kinh doanh; đánh thuế các mặt hàng, phụ gia dùng để sản xuất vàng mã; kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính nếu xảy ra vi phạm…

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây