Khái niệm, đặc điểm của quan hệ pháp luật Hành chính

0
42

Khái niệm, đặc điểm của quan hệ pháp luật hành chính

Quan hệ pháp luật hành chính là quan hệ quản lý hành chính Nhà nước được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật hành chính. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho các bạn đọc những kiến thức về khái niệm, đặc điểm của quan hệ pháp luật hành chính.

Khái niệm quan hệ pháp luật hành chính

Trong khoa học pháp lý, quan hệ pháp luật hành chính được xác định là một dạng cụ thể của quan hệ pháp luật, là kết quả tác động của quy phạm pháp luật hành chính theo phương pháp mệnh lệnh – đơn phương tới các quan hệ quản lí hành chính nhà nước.

Đặc điểm của quan hệ pháp luật hành chính

[1] Quan hệ pháp luật hành chính có thể phát sinh theo yêu cầu hợp pháp của chủ thể quản lý hay đối tượng quản lý hành chính nhà nước.

Sở dĩ các quan hệ pháp luật hành chính có đặc điểm này là vì việc điều chỉnh pháp lý đối với các quan hệ quản lý hành Chính nhà nước không chỉ nhằm mục đích bảo đảm lợi ích của Nhà nước mà còn ảnh hưởng tới quyền lập nhiều mặt của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội. Thẩm quyền quản lý hành chính của Nhà nước chỉ có thể được thực hiện nếu có sự tham gia tích cực từ phía các đối tượng quản lý. Mặt khác, nhiều quyền lợi của đối tượng quản lý hành chính nhà nước chỉ có thể được bảo đảm nếu có sự hỗ trợ tích cực của các chủ thể quản lý bằng những hành vi pháp lý cụ thể.

[2] Nội dung của quan hệ pháp luật hành chính là các quyền và nghĩa vụ pháp lý hành chính của các bên tham gia quan hệ đó.

Các bên tham gia quan hệ pháp luật hành chính có thể là cơ quan nhà nước, tổ chức hay cá nhân; có thể nhân danh nhà nước, vì lợi ích của Nhà nước hoặc nhân danh chính mình nhưng họ đều thực hiện các quyền và nghĩa vụ do quy phạm pháp luật hành chính quy định. Việc quy định và thực hiện các quyền và nghĩa vụ này là cần thiết đối với việc xác lập và duy trì trật tự quản lý hành chính nhà nước

[3] Một bên tham gia quan hệ pháp luật hành chính phải được sử dụng quyền lực nhà nước.

Như đã nêu, quan hệ pháp luật hành chính là quan hệ quản lý hành chính nhà nước được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật hành chính. Vì vậy, về tư cách và cơ cấu chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính phải phù hợp với tư cách và cơ cấu chủ thể của quan hệ quản lý hành chính nhà nước tương ứng. Nếu một bên tham gia quan hệ quản lý hành chính nhà nước được sử dụng quyền lực nhà nước (chủ thể quản lý hành chính nhà nước) thì chủ thể đó trong quan hệ pháp luật hành chính tương ứng sẽ được xác định là chủ thể đặc biệt. Mặt khác, trong quan hệ quản lý hành chính nhà nước, đối tượng quản lý là bên chủ thể không được sử dụng quyền lực nhà nước và có nghĩa vụ phục tùng việc sử dụng quyền lực nhà nước của chủ thể quản lý thì trong quan hệ pháp luật hành chính tương ứng, các đối tượng này được xác định là chủ thể thường.

Như vậy, các chủ thể của quan hệ pháp luật hành chính được phân chia thành chủ thể đặc biệt và chủ thể thường. Trong đó, chủ thể đặc biệt là các cơ quan, tổ chức, cá nhân được nhân danh và sử dụng quyền lực nhà nước trong quan hệ ấy. Từ đó có thể nhận định quan hệ pháp luật hành chính không thể phát sinh và tồn tại nếu thiếu chủ thể đặc biệt.

Xem thêm: Ngành luật hành chính

[4] Trong một quan hệ pháp luật hành chính thì quyền của bên này ứng với nghĩa vụ của bên kia và ngược lại.

Quan hệ pháp luật hành chính là quan hệ “quyền lực – phục tùng”, quan hệ bất bình đẳng về ý chí giữa các bên tham gia. Chủ thể đặc biệt tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính trên cơ sở quyền lực nhà nước và chủ thể thường có nghĩa vụ chấp hành việc sử dụng quyền lực nhà nước của chủ thể đặc biệt. Tuy nhiên, không có nghĩa là trong quan hệ pháp luật hành chính, chủ thể đặc biệt chỉ có quyền và chủ thể thường chỉ có nghĩa vụ.

Việc thực hiện thẩm quyền của chủ thể đặc biệt vừa là quyền vừa là trách nhiệm của chủ thể này. Bên cạnh đó, chủ thể thường tuy có nghĩa vụ chấp hành các mệnh lệnh của chủ thể đặc biệt song cũng có những quyền nhất định xuất phát từ yêu cầu bảo đảm tính khách quan, đúng pháp luật của các hành vi quản lí hành chính nhà nước hoặc đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của họ như: quyền yêu cầu, đề nghị, khiếu nại, tố cáo…

Việc thực hiện thẩm quyền của chủ thể đặc biệt chỉ có hiệu lực khi nó làm phát sinh nghĩa vụ chấp hành của chủ thể thường. Mặt khác, việc thực hiện quyền của chủ thể thường trong quan hệ pháp luật hành chính chỉ có ý nghĩa thực sự nếu nó làm phát sinh trách nhiệm tiếp nhận, xem xét giải quyết của chủ thể đặc biệt. Ví dụ: Công dân có quyền khiếu nại nhưng nếu việc thực hiện quyền khiếu nại đó của công dân không làm phát sinh trách nhiệm tiếp nhận, xem xét, giải quyết của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thì việc khiếu nại đó của công dân chỉ mang tính hình thức, không có giá trị pháp lí.

[5] Phần lớn các tranh chấp phát sinh trong quan hệ pháp luật hành chính được giải quyết theo thủ tục hành chính.

Cũng như các công việc khác trong lĩnh vực quản lí hành chính nhà nước, các tranh chấp phát sinh trong quan hệ pháp luật hành chính cần phải được giải quyết theo thủ tục hành chính. Tuy nhiên, do tính chất và yêu cầu giải quyết một số tranh chấp phát sinh trong quan hệ pháp luật hành chính mà việc giải quyết chúng còn có thể được thực hiện theo thủ tục tố tụng. Ví dụ:Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính tranh chấp về danh sách cử tri; tranh chấp về quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ từ tổng cục trưởng và tương đương trở xuống; tranh chấp về quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; tranh chấp về quyết định hành chính, hành vi hành chính (trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo quy định của pháp luật; quyết định, hành vi của tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức).

[6] Bên tham gia quan hệ pháp luật hành chính vi phạm yêu cầu của pháp luật hành chính phải chịu trách nhiệm pháp lý trước Nhà nước.

Sở dĩ các quan hệ pháp luật hành chính có đặc điểm này là vì những lí do sau đây:

+ Chủ thể đặc biệt tham gia vào quan hệ pháp luật hành chính trên cơ sở quyền lực nhà nước nên phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước khi sử dụng quyền lực ấy.

+ Chủ thể thường thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trước bên đại diện cho Nhà nước, do đó phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về tính hợp pháp của hành vi do mình thực hiện trong quan hệ pháp luật hành chính;

+ Những vi phạm trên đều xâm hại đến trật tự quản lý hành chính nhà nước. Do đó, bên vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lý trước Nhà nước về hành vi vi phạm của mình.

Tóm lại, quan hệ pháp luật hành chính là quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước, được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật hành chính giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân mang quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật hành chính.

Tổng hợp từ Giáo trình Luật Hành chính – Đại học Luật Hà Nội

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây