Khái niệm và đặc điểm của quy phạm pháp luật hành chính

0
38

Khái niệm và đặc điểm của quy phạm pháp luật hành chính

Mỗi ngành luật có một loại quy phạm pháp luật khác nhau để phù hợp với đối tượng và phương pháp điều chỉnh của ngành luật đó. Trong quan hệ quản lý hành chính nhà nước cần đến quy phạm pháp luật để định ra các khuôn mẫu xử sự chung cho nhiều cá nhân và tổ chức ( đối tượng quản lý) trong những tình huống được dữ liệu trước và có thể lặp lại nhiều lần trong thực tiễn

Khái niệm của quy phạm pháp luật hành chính

Những quy phạm pháp luật được dùng để điều chỉnh các quan hệ quản lý hành chính nhà nước là các quy phạm pháp luật hành chính. Do đó, có thể hiểu: Quy phạm pháp luật hành chính là một dạng cụ thể của quy phạm pháp luật, được ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình quản lý hành chính theo phương pháp mệnh lệnh – đơn phương.

Là một dạng cụ thể của quy phạm pháp luật nên các quy phạm pháp luật hành chính có đầy đủ các đặc điểm chung của quy phạm pháp luật như: Là quy tắc xử sự chung thể hiện ý chí của nhà nước; được nhà nước bảo đảm thực hiện; là tiêu chuẩn để xác định giới hạn và đánh giá hành vi của con người về tính hợp pháp.

Xem thêm:  quan hệ pháp luật hành chính

Đặc điểm của quy phạm pháp luật hành chính

Quy phạm pháp luật hành chính có những đặc điểm sau đây:

[1] Các quy phạm pháp luật hành chính chủ yếu do các cơ quan hành chính nhà nước ban hành.

Ở nước ta, theo quy định của pháp luật hiện hành thì các cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền ban hành quy phạm pháp luật hành chính có thể là chủ thể lập pháp hoặc chủ thể quản lý hành chính nhà nước.

Việc ban hành pháp luật (hoạt động lập pháp) của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo cơ chế thảo luận tập thể, quyết định theo đa số tại các kỳ họp, phiên họp không đủ đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ quản lý hành chính nhà nước một cách năng động và kịp thời. Mặt khác, do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội không có chức năng quản lý hành chính nhà nước do đó khó có thể ban hành các quy phạm pháp luật hành chính một cách cụ thể và phù hợp với thực tiễn quản lý của từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Do đó, các quy phạm pháp luật hành chính chủ yếu do các cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành trên cơ sở cụ thể hoá, chi tiết hoá các quy định của hiến pháp, luật và pháp lệnh trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước.

Việc quy định thẩm quyền ban hành quy phạm pháp luật hành chính cho một số chủ thể quản lý hành chính nhà nước mà trước hết và chủ yếu là cơ quan hành chính nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước còn phù hợp với yêu cầu về tính chủ động, sáng tạo trong quản lý hành chính nhà nước.

[2] Các quy phạm pháp luật hành chính có số lượng lớn và có hiệu lực pháp lý khác nhau.

Do phạm vi điều chỉnh của các quy phạm pháp luật hành chính rất rộng và tính chất đa dạng về chủ thể ban hành nên các quy phạm pháp luật hành chính có số lượng lớn. Trong đó có những quy phạm có hiệu lực pháp lý trên phạm vi cả nước và chung cho các ngành, lĩnh vực quản lý nhưng cũng có những quy phạm chỉ có hiệu lực trong phạm vi một ngành, một lĩnh vực quản lý hay trong một địa phương nhất định.

[3] Các quy phạm pháp luật hành chính hợp thành một hệ thống trên cơ sở các nguyên tắc pháp lý nhất định.

Do yêu cầu điều chỉnh thống nhất pháp luật trong quản lí hành chính nhà nước, các quy phạm pháp luật tuy có số lượng lớn và có hiệu lực pháp lí khác nhau song chúng cần phải hợp thành một hệ thống.

Các chủ thể có thẩm quyền ban hành các quy phạm pháp luật hành chính có trách nhiệm tuân thủ các nguyên tắc pháp lí thống nhất sau đây:

[4] Các quy phạm pháp luật hành chính do cơ quan nhà nước cấp dưới ban hành phải phù hợp với nội dung và mục đích của quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước cấp trên ban hành.

Bộ máy nhà nước là một chính thể thống nhất. Do đó, đòi hỏi các cơ quan nhà nước cấp dưới phải phục tùng ý chí hay sự chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước cấp trên. Sự phục tùng đó trước hết là đối với các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước cấp trên ban hành.

[5] Các quy phạm pháp luật hành chính do cơ quan hành chính nhà nước, Chủ tịch nước, toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân ban hành phải phù hợp với nội dung và mục đích của quy phạm pháp luật do cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp ban hành.

Các cơ quan hành chính nhà nước với tư cách là các cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực nhà nước, khi ban hành các quy phạm pháp luật hành chính cần phải căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan quyền lực nhà nước cùng cấp. Mặt khác, các cơ quan quyền lực nhà nước có trách nhiệm và thẩm quyền trong việc giám sát, phát hiện và xử lý các văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước hay những cơ quan khác do mình quyết định thành lập và những người giữ những chức vụ do mình bầu. Ví dụ: Quốc hội có quyền “bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trái với hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội”.

Trong số các cơ quan có thẩm quyền chuyên môn, bộ, cơ quan ngang bộ là cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới dạng các quyết định, chỉ thị, thông tư.

Bộ, cơ quan ngang bộ khi ban hành các quy phạm pháp luật hành chính để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong ngành hay lĩnh vực mình phụ trách, phải căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành. Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm và thẩm quyền kiểm tra, phát hiện và xử lí các văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ. Ví dụ: Thủ tướng Chính phủ có quyền: “Đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ những quyết định, chỉ thị, thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trái với Hiến pháp, luật và các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên.”

[6] Các quy phạm pháp luật hành chính do người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước ban hành phải phù hợp với nội dung và mục đích của quy phạm pháp luật do tập thể cơ quan đó ban hành.

Phù hợp với nguyên tắc tập trung dân chủ, các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung đều được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách theo phương thức: Những công việc quan trọng thuộc thẩm quyền của cơ quan phải được các thành viên của cơ quan thảo luận tập thể và quyết định theo đa số; những công việc khác được phân cấp cho cá nhân người đứng đầu cơ quan (Thủ tướng Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân). Việc ban hành quy phạm pháp luật hành chính của người đứng đầu cơ quan phải phù hợp với nội dung, mục đích các văn bản quy phạm pháp luật do tập thể cơ quan ban hành.

[7] Bảo đảm tính thống nhất, phù hợp giữa các quy phạm pháp luật hành chính do các chủ thể có thẩm quyền ngang cấp, cùng địa vị pháp lí ban hành.

Việc tuân thủ nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm sự thực hiện ý chí nhà nước một cách nhất quán, đầy đủ và chặt chẽ trong công tác ban hành quy phạm pháp luật hành chính.

Ngoài những đặc điểm nêu trên, việc tìm hiểu về nội dung của quy phạm pháp luật hành chính là cần thiết để xây dựng, nhận biết và áp dụng quy phạm pháp luật hành chính. Nội dung cơ bản của các quy phạm pháp luật hành chính là:

  • Xác định thẩm quyền quản lý hành chính nhà nước.
  • Quy định các quyền và nghĩa vụ pháp lý hành chính của đối tượng quản lí hành chính nhà nước.
  • Quy định cơ cấu tổ chức, mối quan hệ công tác của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện quản lý hành chính nhà nước.
  • Quy định thủ tục hành chính.
  •  Quy định vi phạm hành chính.
  •  Quy định các biện pháp khen thưởng và cưỡng chế hành chính

Từ các nội dung nêu trên có thể nhận thấy, quy phạm pháp luật hành chính là phương tiện chủ yếu và là cơ sở của quản lý hành chính nhà nước. Thông qua việc ban hành các quy phạm pháp luật hành chính, nhà nước không chỉ tác động đến ý thức của đối tượng quản lý nhằm đạt được những xử sự cần thiết mà còn xác định phạm vi thẩm quyền, cách thức quản lý của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước và xác định các trật tự quản lý hành chính nhà nước. Như vậy, một mặt các chủ thể quản lý hành chính nhà nước ban hành các quy phạm pháp luật hành chính và sử dụng các quy phạm này với tư cách là phương tiện chủ yếu để tiến hành quản lý; mặt khác, các quy phạm pháp luật hành chính cũng là cơ sở và là những ràng buộc pháp lý đối với chính chủ thể quản lý hành chính nhà nước. Khi tiến hành các hoạt động quản lý, các chủ thể quản lý hành chính nhà nước phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật hành chính về phạm vi thẩm quyền và cách thức quản lý

Tổng hợp từ Giáo trình luật Hành chính – Đại học Luật Hà Nội

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây