Phân tích các đặc trưng của khoa học luật hành chính

0
31

Phân tích các đặc trưng của khoa học luật hành chính

Khoa học luật hành chính là một khoa học pháp lí chuyên ngành với sự phát triển liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và phát triển của bộ máy nhà nước cùng sự hình thành và phát triển của hệ thống văn bản pháp luật. 

Định nghĩa khoa học luật hành chính

Khoa học luật hành chính là một khoa học pháp lý chuyên ngành. Sự phát triển của khoa học luật hành chính liên quan chặt chẽ với quá trình hình thành và phát triển của bộ máy nhà nước cùng sự hình thành và phát triển của hệ thống văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

Là một khoa học pháp lý chuyên ngành riêng biệt, đặc trưng hhoa học luật Hành chính thể hiện qua đối tượng nghiên cứu, nhiệm vụ và cơ sở lý luận.

Đối tượng nghiên cứu của khoa học luật hành chính

Đối tượng nghiên cứu của khoa học luật hành chính là hoạt động quản lí hành chính nhà nước; những quan hệ hình thành trong quá trình quản lí hành chính nhà nước và việc điều chỉnh những quan hệ mấy; hệ thống quy phạm pháp luật hành chính và hiệu suất của sự tác động của chúng đối với hoạt động quản lí hành chính nhà nước.

Hệ thống quy phạm Luật hành chính: đặc trưng nội dung, phân loại; vấn đề hoàn thiện các chế định, hệ thống hóa và pháp điển hóa Luật hành chính; cơ chế điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ hành chính, vấn đề hiệu quả của quy phạm Luật hành chính;

Về quan hệ pháp luật hành chính: nội dung pháp lý, cơ cấu, tương quan giữa các yếu tố nội tại của các quan hệ đó, quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể và cơ chế bảo đảm thực hiện chúng…

Quy chế pháp lý của các chủ thể luật hành chính, cũng chính là các chủ thể và đối tượng quản lý nhà nước, những bảo đảm pháp lý hành chính của các quyền chủ thể;

Các hình thức và phương pháp hoạt động hành chính như: quyết định hành chính, cưỡng chế hành chính, trách nhiệm hành chính, thủ tục hành chính,…

Các phương thức bảo đảm pháp chế và kỷ luật trong hoạt động hành chính;

Các vấn đề mang tính tổ chức – pháp lý của hoạt động hành chính trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội và hành chính – chính trị.

Xem thêm:ngành luật hành chính 

Nhiệm vụ của khoa học luật hành chính

Nhiệm vụ của khoa học luật hành chính là làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về quản lý nhà nước; nghiên cứu, tổng kết thực tiễn tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, thực tiễn xây dựng và thực hiện pháp luật trong quản lý hành chính nhà nước; rút ra những kết luận khoa học về lí luận cũng như thực tiễn và đề xuất những ý kiến nhằm hoàn thiện các chế định pháp luật hành chính.

Cơ sở lý luận của khoa học luật hành chính

Cơ sở lý luận của khoa học luật hành chính là chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là triết học Mác-Lênin. Chính vì vậy, phương pháp luận của khoa học luật hành chính là duy vật biện chứng.

Lênin – lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản, là người đã nêu ra những luận điểm cơ bản về tổ chức và quản lí nhà nước xã hội chủ nghĩa. Những tác phẩm tiêu biểu về vấn đề này là: “Những nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xô Viết”; “Chúng ta phải tổ chức lại bộ kiểm tra công nông như thế nào”, “Thà ít mà tốt”, “Sáng kiến vĩ đại”, “Về kế hoạch kinh tế thống nhất”…

Nguồn tư liệu quan trọng của khoa học luật hành chính là đường lối, chủ trương của Đảng cộng sản Việt Nam. Các văn kiện của Đảng, các tác phẩm, bài phát biểu của các lãnh tụ của Đảng và Nhà nước là sự vận dụng sáng tạo lí luận Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào những điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam nên chúng có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển của khoa học luật hành chính.

Khoa học luật hành chính coi trọng việc tham khảo những tác phẩm nghiên cứu lí luận về luật hành chính và khoa học luật hành chính của các nước trên thế giới trên cơ sở nắm vững thực tiễn Việt Nam, phát huy tính độc lập tự chủ để có thể tiếp thu lí luận và kinh nghiệm một cách đúng đắn, có phê phán.

Khoa học luật hành chính sử dụng những phương pháp nghiên cứu chủ yếu như phương pháp duy vật biện chứng, phương pháp so sánh, phương pháp lịch sử, phương pháp phân tích và tổng hợp…

Khoa học luật hành chính có mối quan hệ mật thiết với các khoa học xã hội cơ bản như triết học, kinh tế – chính trị học Mác-Lênin… Triết học Mác-Lênin là cơ sở nhận thức luận và phương pháp luận của khoa học luật hành chính.

Khoa học luật hành chính cũng có mối quan hệ mật thiết với lý luận về nhà nước và pháp luật, với khoa học luật hiến pháp. Những khái niệm cơ bản của khoa học luật hành chính được xây dựng trên cơ sở những khái niệm tương ứng của lí luận về nhà nước và pháp luật và của khoa học luật hiến pháp.

Khoa học luật hành chính cũng có liên hệ mật thiết với nhiều môn khoa học nghiên cứu về hoạt động quản lý, đặc biệt là với khoa học quản lý. Khoa học quản lý nghiên cứu về quản lý trên mọi lĩnh vực mà trọng tâm là quản lí xã hội, quản lý nhà nước. Khoa học luật hành chính nghiên cứu những vấn đề có liên hệ mật thiết với đối tượng nghiên cứu của khoa học quản lý. Sự phát triển của cả hai ngành khoa học này là một trong những yếu tố quan trọng góp phần hoàn thiện bộ máy và tăng cường hiệu lực của Nhà nước.

Trên đây là một số đặc trưng của khoa học luật Hành chính!

Tổng hợp từ Giáo trình luật Hành chính – Đại học Luật Hà Nội

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây