Nguồn của Luật Hành chính

0
34

Nguồn của Luật Hành chính

Nguồn của luật hành chính là những văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục và dưới những hình thức nhất định, có nội dung là các quy phạm pháp luật hành chính

nguồn của luật hành chính

Văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan quyền lực nhà nước

[1] Luật

Luật là hình thức cao nhất của việc thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ vì hiệu lực pháp lý của nó mà còn vì sự ủy quyền pháp lí – luật do chính những đại biểu dân cử làm ra.

Căn cứ vào nội dung, tính chất và ý nghĩa của những điều quy định trong luật, có thể phân biệt hiến pháp và luật.

  Hiến pháp (gồm hiến pháp và các luật bổ sung hay sửa đổi hiến pháp) là luật cơ bàn của Nhà nước, quy định chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, chính sách đối ngoại, an ninh, quốc phòng, địa vị pháp lí của công dân, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước… Như vậy, hiến pháp quy định những điều cơ bản có tính nguyên tắc, làm cơ sở cho toàn bộ hệ thống pháp luật, trong đó có luật hành chính. Hiến pháp là nguồn quan trọng nhất của luật hành chính.

Trong các luật do Quốc hội ban hành, những luật có chứa đựng quy phạm pháp luật hành chính là nguồn quan trọng của luật hành chính (như Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân…).

[2] Nghị quyết của Quốc hội:

Nghị quyết của Quốc hội được ban hành được quyết định nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội; dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương; điều chỉnh ngân sách nhà nước; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; quy định chế độ làm việc của Quốc hội, ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; phê chuẩn điều ước quốc tế và quyết định các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Những nghị quyết hoặc phần của nghị quyết có chứa đựng các quy phạm pháp luật hành chính được coi là nguồn của luật hành chính.

 [3] Pháp lệnh của ủy ban thường vụ Quốc hội:

Pháp lệnh do ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành để quy định về các vấn đề được Quốc hội giao, sau một thời gian thực hiện trình Quốc hội xem xét, quyết định ban hành luật. Pháp lệnh có hiệu lực pháp lí thấp hơn luật.

Có nhiều pháp lệnh có chứa đựng các quy phạm pháp luật hành chính và được coi là nguồn của luật hành chính như Pháp lệnh cán bộ, công chức, Pháp lệnh xử lí vi phạm hành chính…

[4] Nghị quyết của ủy ban thường vụ Quốc hội:

Nghị quyết của ủy ban thường vụ Quốc hội được ban hành để giải thích hiến pháp, luật, pháp lệnh; hướng dẫn hoạt động của hội đồng nhân dân; quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh, tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố tình trạng khấn cấp trong cả nước hoặc từng địa phương và quyết định những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của ủy ban thường vụ Quốc hội.

Nghị quyết hoặc phần của nghị quyết có chứa đựng quy phạm pháp luật hành chính được coi là nguồn của luật hành chính.

[5] Nghị quyết của hội đồng nhân dân:

Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân năm 2004 thì nghị quyết là hình thức văn bản quy phạm pháp luật duy nhất mà hội đồng nhân dân các cấp ban hành và được ban hành trong các trường hợp sau đây:

– Quyết định những chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên;

– Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương; Quyết định biện pháp ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, hoàn thành mọi nhiệm vụ cấp trên giao cho:

– Quyết định trong phạm vi thẩm quyền được giao những chủ trương, biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nhằm phát huy tiềm năng của địa phương nhưng không được trái với các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên; Văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên giao cho hội đồng nhân dân quy định một vấn đề cụ thể.

– Khi trong nghị quyết có các quy phạm pháp luật hành chính thì nghị quyết (hoặc một phần của nghị quyết) được coi là nguồn của luật hành chính.

Văn bản quy phạm pháp luật của Chủ tịch nước

Chủ tịch nước có quyền ban hành lệnh và quyết định để thực hiện những nhiệm vụ của Chủ tịch nước do hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định. Phần lớn các văn bản do Chủ tịch nước ban hành là văn bản áp dụng pháp luật. Những văn bản (hoặc phần văn bản) có chứa đựng quy phạm pháp luật hành chính được coi là nguồn của luật hành chính. 

3 – Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước

[1] Nghị định của Chính phủ:

Nghị định của Chính phủ được ban hành để quy định các vấn đề sau đây:

  – Quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;

– Quy định các biện pháp cụ thể để thực hiện chính sách kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, tài chính, tiền tệ, ngân sách, thuế, dân tộc, tôn giáo, văn hoá, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, đối ngoại, chế độ công vụ, cán bộ, công chức, quyền, nghĩa vụ của công dân và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền quản lí, điều hành của Chính phủ;

– Quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác thuộc thẩm quyền của Chính phủ;

– Quy định những vấn đề cần thiết nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật hoặc pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lí kinh tế, quản lý xã hội. Việc ban hành nghị định này phải được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

[2] Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được ban hành để quy định các vấn đề sau đây:

– Biện pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến cơ sở; chế độ làm việc với các thành viên Chính phủ, chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

– Biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các thành viên Chính phủ; kiểm tra hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, uỷ ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

[3] Thông tư của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ được ban hành để quy định các vấn đề sau đây:

Quy định về quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật của ngành, lĩnh vực do mình phụ trách;

– Quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

– Quy định biện pháp đổ thực hiện chức năng quản lý ngành, lĩnh vực do mình phụ trách và những vấn đề khác do Chính phủ giao.

[4] Quyết định của ủy ban nhân dân:

Quyết định của ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ban hành để thực hiện chủ trương, biện pháp, chính sách trong các lĩnh vực quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh; quyết định của ủy ban nhân dân cấp huyện được ban hành để thực hiện chủ trương, biện pháp trong các lĩnh vực quản lý nhà nước trên địa bàn huyện; quyết định của ủy ban nhân dân cấp xã được ban hành để thực hiện chủ trương, biện pháp trong các lĩnh vực quản lý nhà nước trên địa bàn xã phù hợp với các quy định của Luật tổ chức hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan của cơ quan nhà nước cấp trên.

Những quyết định, trong đó quy định các biện pháp cụ thể bảo đảm việc thi hành các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của hội đồng nhân dân cùng cấp; quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc và các biện pháp về quản lí nhà nước trong phạm vi địa phương được coi là nguồn của luật hành chính.

[5] -Chỉ thị của ủy ban nhân dân:

Chỉ thị của ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện được ban hành để quy định các biện pháp chỉ đạo, phối hợp hoạt động, đôn đốc và kiểm tra hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc và của hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân cấp dưới trong việc thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của hội đồng nhân dân cùng cấp và quyết định của mình. Chỉ thị của uỷ ban nhân dân cấp xã được ban hành để quy định các biện pháp để chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lí trong việc thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, của hội đồng nhân dân cùng cấp và quyết định của mình.Nếu trong chỉ thị có chứa đựng quy phạm pháp luật hành chính thì được coi là nguồn của luật hành chính.

xem thêm: luật hành chính là gì

Xem thêm: Các nguyên tắc cơ bản của quản lý hành chính Nhà nước

Văn bản quy phạm pháp Luật của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao

[1] Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao:

Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được ban hành để hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật.Những nghị quyết có chứa đựng quy phạm pháp luật hành chính được coi là nguồn của luật hành chính.

[2] Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao:

Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao được ban hành để thực hiện việc quản lí các tòa án nhân dân địa phương và toà án quân sự về tổ chức; quy định những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.

  Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được ban hành để quy định các biện pháp bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân địa phương, Viện kiểm sát quân sự; quy định những vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

 Văn bản quy phạm pháp luật của Tổng kiểm toán nhà nước

Tổng kiểm toán nhà nước ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức quyết định. Quyết định của Tổng kiểm toán nhà nước được ban hành để quy định, hướng dẫn các chuẩn mực kiểm toán nhà nước; quy định cụ thể quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán.

Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch

[1] Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ được ban hành dưới hình thức thông tư liên tịch.Thông tư liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ được ban hành để hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của ủy ban thường vụ Quốc hội; lệnh.

– Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

[2] Văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội:

Văn bản quy phạm pháp luật giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội được ban hành dưới hình thức nghị quyết liên tịch.

 Nghị quyết liên tịch được ban hành để hướng dẫn thi hành những quy định của pháp luật về việc tổ chức chính trị – xã hội để tham gia quản lý nhà nước khi được pháp luật quy định quyền tham gia quản lí nhà nước. Những nghị quyết này là nguồn của luật hành chính.

 Tổng hợp từ Giáo trình luật Hành chính – Đại học Luật Hà Nội

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây