Phân biệt quản lý nhà nước và Quản lý hành chính nhà nước

0
51

Phân biệt quản lý nhà nước và Quản lý hành chính nhà nước

Quản lý nhà nước và quản lý hành chính về hà nước luôn là hai khái niệm bị nhiều người nhầm lẫn với nhau. Có nhiều người cho rằng hai khái niệm trên là một. Bài viết sau sẽ giúp bạn đọc phân biệt rõ hai khái niệm quản lý nhà nước với Quản lý hành chính nhà nước.

Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định xử phạt hành chính

Tổng quan về Quản lý

Quản lý là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, trong đó có cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Mỗi ngành khoa học nghiên cứu về quản lý từ góc độ riêng của mình và đưa ra định nghĩa riêng về quản lý. Định nghĩa chung nhất về quản lý là định nghĩa của điều khiển học. Theo điều khiển học thì quản lý là điều khiển, chỉ đạo một hệ thống hay một quá trình, căn cứ vào những quy luật, định luật hay nguyên tắc tương ứng để cho hệ thống hay quá trình lấy vận động theo ý muốn của người quản lý nhằm đạt được những mục đích đã định trước.

   Quản lý là sự tác động có mục đích của các chủ thể quản lý đối với các đối tượng quản lý.

    Quản lý xuất hiện ở bất kỳ nơi nào, lúc nào nếu ở nơi đó và lúc đó có hoạt động chung của con người.

    Mục đích và nhiệm vụ của quản lý là điều khiển, chỉ đạo hoạt động chung của con người, phối hợp các hoạt động riêng lẻ của từng cá nhân tạo thành một hoạt động chung thống nhất của cả tập thể và hướng hoạt động chung đó theo những phương hướng thống nhất nhằm đạt được mục tiêu đã định trước.

    Quản lý được thực hiện bằng tổ chức và quyền uy.

Có tổ chức thì mới phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ của những người tham gia hoạt động chung. Có quyền uy thì mới bảo đảm sự phục tùng của cá nhân đối với tổ chức. Quyền uy là phương tiện quan trọng để chủ thể quản lý điều khiển, chỉ đạo cũng như bắt buộc các đối tượng quản lý thực hiện các yêu cầu, mệnh lệnh của mình

Thế nào là quản lý nhà nước
 

Xem thêm: Ngành Luật Hành chính

Xem thêm: Các nguyên tắc cơ bản của quản lý hành chính Nhà nước

Quản lý nhà nước và quản lý hành chính nhà nước

 Quản lý nhà nước

Quản lý nhà nước là hoạt động của nhà nước trên các lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm thực hiện các chức năng đối nội và đối ngoại của nhà nước.

Nói cách khác, quản lý nhà nước là sự tác động của các chủ thể mang quyền lực nhà nước, chủ yếu bằng pháp luật, tới các đối tượng quản lý nhằm thực hiện các chức năng đối nội và đối ngoại của nhà nước.

Chủ thể của quản lý nhà nước là các tổ chức hay cá nhân mang quyền lực nhà nước trong quá trình tác động tới đối tượng quản lý. Chủ thể quản lý nhà nước bao gồm: Nhà nước, cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân được nhà nước trao quyền thực hiện hoạt động quản lý nhà nước.

Khách thể của quản lý nhà nước là trật tự quản lý nhà nước. Trật tự quản lý nhà nước do pháp luật quy định.

Quản lý hành chính nhà nước

Đây là một hình thức hoạt động của Nhà nước được thực hiện trước hết và chủ yếu bởi các cơ quan hành chính nhà nước, có nội dung là bảo đảm sự chấp hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của các cơ quan quyền lực nhà nước, nhằm tổ chức và chỉ đạo một cách trực tiếp và thường xuyên công cuộc xây dựng kinh tế, văn hoá- xã hội và hành chính-chính trị.Nói cách khác, đây là hoạt động chấp hành – điều hành của nhà nước.

Tính chất chấp hành thể hiện ở mục đích đảm bảo thực hiện trên thực tế các văn bản pháp luật của các cơ quan quyền lực nhà nước. Mọi hoạt động quản lý đều được tiến hành trên cơ sở pháp luật và để thực hiện pháp luật.

Tính chất điều hành thể hiện ở chỗ để đảm bảo cho các văn bản pháp luật của các cơ quan quyền lực nhà nước được thực hiện trên thực tế, các chủ thể này phải tiến hành hoạt động tổ chức và chỉ đạo trực tiếp đối với các đối tượng quản lý thuộc quyền.

Trong quá trình điều hành, cơ quan hành chính nhà nước có quyền nhân danh nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để đặt ra các quy phạm pháp luật hay những mệnh lệnh cụ thể bắt buộc các đối tượng quản lý có liên quan phải thực hiện

Hoạt động điều hành là một nội dung cơ bản của hoạt động chấp hành quyền lực nhà nước, nó gắn với hoạt động chấp hành và cùng với hoạt động chấp hành tạo thành hai mặt thống nhất của quản lý hành chính nhà nước.

Hoạt động quản lý hành chính nhà nước được đặt dưới sự giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước nhưng vẫn mang tính chủ động, sáng tạo. Tính chủ động, sáng tạo của hoạt động thể hiện rõ nét trong quá trình các chủ thể này đề ra chủ trương, biện pháp quản lý thích hợp đối với các đối tượng khác nhau, tạo điều kiện cho họ lựa chọn cách thức tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ trên cơ sở nghiên cứu, xem xét tình hình cụ thể.

Tất cả các cơ quan nhà nước đều tiến hành hoạt động quản lý hành chính nhà nước những hoạt động này chủ yếu do các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện. Hoạt động này phản ánh chức năng cơ bản của các cơ quan hành chính nhà nước. Mặt khác, không nên tuyệt đối hóa sự phân loại các hình thức hoạt động của các cơ quan nhà nước và không nên cho rằng mỗi loại cơ quan nhà nước chỉ có thể thực hiện một loại hành vi nhất định, tương ứng với hình thức hoạt động và chức năng cơ bản của nó. 

Chủ thể là các cơ quan nhà nước (chủ yếu là các cơ quan hành chính nhà nước), các cán bộ nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức và cá nhân được nhà nước trao quyền quản lý hành chính trong một số trường hợp cụ thể.

Những chủ thể kể trên khi tham gia vào các quan hệ quản lý hành chính có quyền sử dụng quyền lực nhà nước để chỉ đạo các đối tượng quản lý thuộc quyền nhằm thực hiện nhiệm vụ quản lý đồng thời bảo đảm thực hiện các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ quản lý hành chính nhà nước.

Khách thể của quản lý hành chính nhà nước là trật tự quản lý hành chính tức là trật tự quản lý trong lĩnh vực chấp hành – điều hành. Trật tự quản lý hành chính do các quy phạm pháp luật hành chính quy định.

Tổng hợp từ Giáo trình Luật Hành chính – Đại học Luật Hà Nội

 

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây