Quyết định hình phạt theo Luật Hình sự.

0
20

Quyết định hình phạt theo Luật Hình sự.

Quyết định hình phạt là khái niệm có thể được nghiên cứu từ hai góc độ khác nhau là: luật Hình sự và luật Tố tụng hình sự. Trong luật Hình sự Việt Nam, khái niệm quyết định hình phạt được coi là khái niệm cơ bản và quan trọng sau các khái niệm tội phạm và hình phạt vì đây là những khái niệm thể hiện tập trung nhất chính sách hình sự của Nhà nước.

1 – Khái niệm quyết định hình phạt.

Từ góc độ luật hình sự có thể định nghĩa quyết định hình phạt như sau:

Quyết định hình phạt là sự lựa chọn loại hình phạt và xác định mức hình phạt (đối với loại hình phạt có các mức khác nhau) trong phạm vi luật định đế áp dụng đổi với chủ thể chịu TNHS.

Quyết định hình phạt chỉ đặt ra đối với các trường hợp chủ thể chịu TNHS không được miễn TNHS hoặc hình phạt, tức là đối với các trường hợp cần thiết phải áp dụng hình phạt nhằm trừng trị và giáo dục chủ thể chịu TNHS.

2- Phân loại quyết định hình phạt.

Căn cứ vào tính chất của hình phạt, có thể phân loại quyết định hình phạt  gồm quyết định hình phạt chính và quyết định hình phạt bổ sung.

–  Quyết định hình phạt chính: Đa số các điều luật về tội phạm cụ thể quy định chế tài gồm nhiều loại hình phạt chính khác nhau. Quyết định hình phạt đối với chủ thể chịu TNHS là sự lựa chọn một trong số các hình phạt chính và xác định mức hình phạt đối với loại hình phạt có các mức khác nhau trong khung hình phạt được quy định. Nếu chế tài được quy định chỉ có một loại hình phạt chính và có các mức khác nhau thì quyết định hình phạt trong trường hợp này là xác định mức hình phạt trong phạm vi khung hình phạt được quy định.

–  Quyết định hình phạt bổ sung có nội dung tương tự như quyết định hình phạt chính. Đó là việc lựa chọn loại hình phạt bổ sung, có thể là một hoặc nhiều loại nếu luật quy định cỏ thể áp dụng nhiều loại hình phạt bổ sung và xác định mức hình phạt trong khung quy định để áp dụng kèm theo hình phạt chính.

Quyết định hình phạt còn có thể bao gồm thêm quyết định biện pháp tư pháp với mục đích thay thế hoặc hỗ trợ cho hình phạt (như quyết định trả lại tài sản, buộc công khai xin lỗi hoặc bắt buộc chữa bệnh…). Quyết định hình phạt cũng có thể được hiểu là quyết định biện pháp xử lí đối với chủ thể chịu TNHS.   

3 – Ý nghĩa của quyết định hình phạt.

Quyết định hình phạt có ý nghĩa hai mặt. Một mặt, cùng với định tội, quyết định hình phạt là sự thể hiện cao nhất, tập trung nhất việc áp dụng pháp luật hình sự vào đấu tranh chống tội phạm. Mặt khác, quyết định hình phạt tạo cơ sở quan trọng để đạt được mục đích của hình phạt.

Xem thêm: Buôn lậu thuốc lá bị xử lý như thế nào?

Xem thêm:  Ngành luật hình sự

4 – Chủ thể bị áp dụng quyết định hình phạt.

Quyết định hình phạt chỉ đặt ra đối với các trường hợp chủ thể chịu TNHS không được miễn TNHS hoặc hình phạt, tức là đối với các trường hợp cần thiết phải áp dụng hình phạt nhằm trừng trị và giáo dục chủ thể chịu TNHS. Theo đó, chủ thể bị áp dụng quyết định hình phạt bao gồm: người phạm tội và pháp nhân phạm tội.

[1] Quyết định hình phạt đối với người phạm tội.

Căn cứ Điều 50 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

” Khi quyết định hình phạt, Toà án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiếm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS.”

Theo quy định này, các căn cứ quyết định hình phạt bao gồm:

  • Các quy định của BLHS;
  • Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội;
  • Nhân thân người phạm tội;
  • Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS.

[2] Quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Căn cứ Điều 83 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

“Khi quyết định hình phạt, Toà án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại và các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS áp dụng đổi với pháp nhân thương mại.”

Theo quy định này, các căn cứ quyết định hình phạt đối với pháp nhân thương mại bao gồm:

  • Các quy định của BLHS;
  • Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội;
  • Việc chấp hành pháp luật của pháp nhân thương mại;
  • Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS áp dụng đối với pháp nhân thương mại.

Trên đây là các quy định về quyết định hình phạt. 

Nguồn: Giáo trình Luật Hình sự (phần chung)  Đại học Luật Hà Nội.  

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây