Các biện pháp tư pháp đối với người phạm tội theo Luật Hình sự
Các biện pháp tư pháp là các biện pháp hình sự được áp dụng đối với người phạm tội. Thể hiện chính sách hình sự của Nhà nước, mang tính chất hỗ trợ hoặc thay thế cho hình phạt. Các biện pháp tư pháp được áp dụng với những người có hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, tập thể, lợi ích chính đáng của công dân trong xã hội không nằm ngoài mục đích giáo dục, cải tạo họ và ngăn ngừa khả năng gây thiệt hại đến các lợi ích trên trong tương lai.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 biện pháp tư pháp đối với người phạm tội bao gồm: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc xin lỗi công khai; bắt buộc chữa bệnh.
1 – Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm.
Căn cứ Điều 47 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
“Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là thu vật, tiền để sung vào ngân sách nhà nước hoặc để tiêu hủy.”
Đối tượng bị thu gồm: công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật, tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác các thứ này mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, lưu hành như các chất ma tuý, hàng giả, văn hoá phẩm đồi trụy…
Vật, tiền bị chiếm đoạt hoặc bị sử dụng trái phép không bị tịch thu mà được trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lí hợp pháp.
Vật, tiền là tài sản của người khác chỉ có thể bị tịch thu nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc phạm tội. Thông thường trong thực tiễn, lỗi của họ xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm trong quản lí, trông coi, sử dụng và bảo vệ tài sản.
Tịch thu vật, tiền bạc trực tiếp liên quan đến tội phạm không những loại bỏ điều kiện vật chất của tội phạm mà còn góp phần cải tạo, giáo dục người phạm tội, ngăn ngừa tội phạm, ôn định và đảm bảo trật tự xã hội.
2 – Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại.
Căn cứ Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
“Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại là biện pháp tư pháp buộc người phạm tội phải trả lại tài sản hoặc tiến hành hoạt động khắc phục những thiệt hại vật chất gây ra cho người bị hại.”
Xem thêm: Buôn lậu thuốc lá xử lý như thế nào?
Xem thêm: Ngành luật hình sự.
Nhằm khôi phục lại tình trạng sở hữu như trước khi tội phạm xảy ra, BLHS quy định người phạm tội phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lí hợp pháp. Trong trường hợp người phạm tội đã làm cho tài sản này bị hư hỏng thì phải sửa chữa. Nếu tài sản không hoàn trả lại được vì những lí do nhất định như đã mất, thất lạc hay không còn nữa thì người phạm tội phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu hoặc người quản lí hợp pháp.
3 – Buộc công khai xin lỗi.
Căn cứ Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
“Buộc công khai xin lỗi là biện pháp tự pháp buộc người phạm tội chính thức, công khai nhận lỗi của mình về hành vi phạm tội và xin lỗi người bị hại.”
Trong trường hợp gây thiệt hại về tinh thần như gây thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm… Toà án buộc người phạm tội phải công khai xin lỗi người bị hại và phải bồi thường về vật chất những thiệt hại về tinh thần đã gây ra cho họ.
4 – Bắt buộc chữa bệnh.
Căn cứ Điều 49 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
“Bắt buộc chữa bệnh là biện pháp tư pháp, buộc người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội phải chữa bệnh tâm thần hoặc bệnh khác tại cơ sở điểu trị chuyên khoa”
Bắt buộc chữa bệnh có mục đích phòng ngừa người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác gây rối loạn hoạt động tâm thần có hành vi gây thiệt hại cho xã hội. Đồng thời, biện pháp này cũng là biểu hiện cụ thể của sự nhân đạo.
Bắt buộc chữa bệnh được áp dụng đối với:
– Người có hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
– Người phạm tội trong khi có năng lực TNHS nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
– Người đang chấp hành hình phạt tù đã mắc bệnh làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.
Trên đây là quy định pháp luật hình sự liên quan đến các biện pháp tư pháp đối với người phạm tội.
Nguồn: Giáo trình Luật Hình sự ( phần chung) Đại học Luật Hà Nội.