Bảo vệ hiện trường trong vụ án hình sự

0
22

1. Khái niệm

Bảo vệ hiện trường là tiến hành các biện pháp bảo đảm sự nguyên vẹn của hiện trường, ngăn ngừa những tác động làm thay đổi tình trạng hiện trường nói chung và các dấu vết có ở hiện trường nói riêng cũng như phát hiện, ghi nhận những thông tin, thay đổi ở hiện trường có liên quan đến vụ việc đã xảy ra.

Những phản ánh vật chất của các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự để lại ở hiện trường luôn đứng trước khả năng bị các yếu tố khác nhau làm thay đổi. Vì vậy, việc bảo vệ hiện trường trong mọi trường hợp là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với công tác điều tra nói chung và khám nghiệm hiện trường nói riêng. Đó là việc làm có tính khẩn cấp nên cần được tiến hành ngay sau khi nhận được tin báo.

Điều 201 Bộ luật tố tụng hình sự không quy định về thành phần lực lượng bảo vệ hiện trường, thẩm quyền, nhiệm vụ của họ. Trong thực tế, lực lượng bảo vệ hiện trường rất đa dạng. Họ có thể là cán bộ công an cấp cơ sở; cán bộ bảo vệ các cơ quan, xí nghiệp, công, nông, lâm trường; thành viên các tổ an ninh nhân dân; các công dân tốt v.v.. Trong trường hợp cần thiết, có thể huy động lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ tham gia bảo vệ hiện trường. Thực tế cho thấy, rất nhiều trường hợp người đầu tiên phát hiện ra hiện trường là các công dân. Vì vậy, cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và những vấn đề khác có liên quan đến công tác bảo vệ hiện trường, để khi có sự việc xảy ra, họ có thể báo ngay cho cơ quan công an biết và tham giạ tích cực vào công tác bảo vệ hiện trường.

2. Những nguyên nhân làm thay đổi hiện trường

Các dấu vết, vật chứng của các vụ phạm tội hoặc vụ việc có tính hình sự là những dạng tồn tại cụ thể của vật chất. Qua thời gian nhất định, đặc điểm của chúng sẽ có những thay đổi ở mức độ khác nhau do sự vận động nội tại của chúng. Ngoài ra, hiện trường nói chung, dấu vết, vật chứng có ở hiện trường nói riêng còn có thể bị thay đổi bởi một số nguyên nhân khách quan và chủ quan khác.

  • Nguyên nhân chủ quan

Bằng những hành động cố ý hoặc vô ý của mình, con người có thể tác động lên dấu vết, vật chứng có ở hiện trường và làm cho nó bị thay đổi như do sự tò mò, thiếu hiểu biết của quần chúng; sự hốt hoảng, thiếu bình tĩnh của nạn nhân hoặc thân nhân của họ; việc áp dụng các biện pháp cấp cứu nạn nhân, cứu chữa tài sản; thủ phạm cố ý phá hủy hiện trường để đánh lạc hướng cơ quan điều tra v.v..

  • Nguyên nhân khách quan

+ Do súc vật, côn trùng: Sự đi lại, cắn phá, đục khoét… của các loại súc vật, côn trùng cũng có thể làm cho hiện trường bị xáo trộn. Đặc biệt, đối với loại hiện trường có người chết hoặc có nhiều dấu vết sinh vật thì sự tác động của chúng càng thể hiện rõ.

  • Do thiên nhiên: Các yếu tố như mưa, nắng, gió, bão, nhiệt độ và độ ẩm cao… tác động mạnh lên dấu vết, vật chứng làm cho chúng bị thay đổi hoặc phá hủy hoàn toàn. Đối với loại hiện trường ở ngoài trời, sự tác động của các yếu tố này càng lớn.

+ Do sự vận động nội tại bên trong các dấu vết: tác động của các quá trình lý học, hoá học, sinh học diễn ra trong chính nội tại của các dấu vết như oxy hóa, thối rữa, ăn mòn… cũng góp phần làm biến đổi các dấu vết, vật chứng trên hiện trường.

Muốn công tác bảo vệ hiện trường đạt hiệu quả cao thì vấn đề có ý nghĩa quan trọng là lực lượng bảo vệ hiện trường ngay sau khi đến hiện trường cần xác định một cách chính xác những yểu tố cụ thể nào có thể tác động lên hiện trường đó để lựa chọn và áp dụng các biện pháp, phương tiện bảo vệ dấu vết, vật chứng cho phù hợp.

3. Nhiệm vụ của công tác bảo vệ hiện trường

Mục đích cơ bản mà công tác bảo vệ hiện trường cần đạt được là giữ nguyên trạng dấu vết, vật chứng có ở hiện trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra nói chung và khám nghiệm hiện trường nói riêng. Để đạt được mục đích đó, lực lượng bảo vệ hiện trường phải thực hiện đúng, đầy đủ những nhiệm vụ cụ thể sau:

  • Cứu chữa người bị nạn, lấy sinh cung của họ.

Khi phát hiện người bị nạn ở hiện trường phải áp dụng các biện pháp cần thiết để cứu chữa họ, không phân biệt vị trí tố tụng của những người đó sau này là gì. Đối với những người bị thương tích nặng, sau khi sơ cứu, phải đưa họ đến cơ sở ỳ tế gần nhất để tiếp tục cứu chữa. Khi thấy có thể, phải tiến hành lấy sinh cung của những người này. Câu hỏi đặt ra cho họ phải ngắn gọn, nhằm làm rõ những nội dung cơ bản có liên quan tới vụ việc xảy ra,

  • Ngăn chặn những nguy hiểm, thiệt hại đang tiếp diễn, bảo vệ đồ vật quý và hạn chế các ảnh hưởng xấu có thể xảy ra.

Lực lượng bảo vệ hiện trường cần tích cực cùng các lực lượng khác (cảnh sát PCCC, quần chúng…) ngăn chặn và loại trừ những nguy hiểm đang đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của Nhà nước, tập thể, công dân; hạn chế tới mức thấp nhất những ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nơi xảy ra vụ việc đó.

  • Truy bắt kẻ phạm tội.

Việc thủ phạm sau khi gây án lẩn trốn sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý đối với vụ án đó. Vì vậy, khi có cơ sở để nhận định thủ phạm đang lẩn trốn trong phạm vi hiện trường hoặc các khu vực xung quanh, cần phải tổ chức lực lượng truy bắt chúng.

  • Xác định phạm vi hiện trường cần bảo vệ.

Phạm vi hiện trường cần bảo vệ là khoảng không gian đã diễn ra vụ phạm tội hoặc vụ việc mang tính hình sự và lưu giữ những dấu vết, vật chứng có liên quan đến vụ việc đã xảy ra. Phải xác định được chính xác phạm vi đó và kịp thời áp dụng các biện pháp phù hợp để bảo vệ dấu vết, vật chứng trên hiện trường. Trong trường hợp chưa xác định được chính xác được phạm vi của hiện trường, cần bảo vệ hiện trường trong phạm vi rộng. Thông thường, càng đi xa trung tâm hiện trường, thủ phạm càng ít chú ý tới việc xóa dấu vết. Sau khi xác định được phạm vi cần bảo vệ, phải áp dụng các biện pháp bảo vệ như bố trí người canh gác, chăng dây, cắm biển báo V.V..

  • Bảo vệ dấu vết, vật chứng.

Đối với các dấu vết, vật chứng để lại tên hiện trường, phải sử dụng các phương tiện phù hợp để bảo vệ như thau, chậu, mũ, nón, tấm nilon, phên, ván V.V.. Không được để vật che, chắn tiếp xúc trực tiếp với dấu vết. Lực lượng bảo vệ hiện trường không có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để phát hiện, thu lượm, bảo quản dấu vết, vật chứng. Vì vậy, chỉ trong trường hợp cần thiết mới được di chuyển dấu vết, vật chứng vào nơi an toàn. Trước khi di chuyển, phải đánh dấu vị trí, trạng thái của chúng trên hiện trường và chú ý không được làm chúng bị biến dạng, hư hỏng, xuất hiện thêm những dấu vết mới.

  • Ghi nhận những thay đổi ở hiện trường và tin tức, tài liệu có liên quan đến sự việc xảy ra.

Mọi thay đổi ở hiện trường, nội dung, mức độ, nguyên nhân, quá trình diễn biến của nó… đều phải được ghi nhận cụ thể. Ngoài ra, những tin tức, tài liệu có liên quan đến sự việc xảy ra, những tin tức tài liệu để xác định người làm chứng, đối tượng nghi vấn… cũng phải được ghi lại đầy đủ để cung cấp cho cơ quan điều tra khi họ đến khám nghiệm.

  • Báo cáo với lực lượng khám nghiệm khi họ đến hiện trường.

Khi lực lượng khám nghiệm đến hiện trường để làm nhiệm vụ, người phụ trách công tác bảo vệ hiện trường phải báo cáo với họ về những công việc đã làm, các biện pháp đã được áp dụng và các tin tức, tài liệu có liên quan đến vụ việc đó v.v.. Trong giai đoạn này, lực lượng bảo vệ hiện trường vẫn tiếp tục thực hiện những công việc đã trình bày ở phần trên. Ngoài ra, cần nắm vững các thành viên trong lực lượng khám nghiệm hiện trường để kịp thời ngăn chặn những người không có nhiệm vụ vào ttong khu vực hiện trường, áp dụng các biện pháp canh gác, bảo vệ, tạo điều kiện an toàn, thuận lợi cho lực lượng khám nghiệm hiện trường tiến hành công việc của mình trên hiện trường, nhất là khi khám nghiệm tử thi. Mọi yêu cầu của cơ quan điều tra liên quan đến công tác bảo vệ hiện trường phải được thực hiện đầy đủ. Việc bảo vệ hiện trường chỉ được chấm dứt khi có lệnh của lực lượng khám nghiệm bãi bỏ nó.

4. Những vấn đề cần chú ý khi bảo vệ hiện trường

Công tác bảo vệ hiện trường chỉ đạt được mục đích đề ra khi lực lượng bảo vệ hiện trường nắm vững và thực hiện đầy đủ một số vấn đề cần chú ý sau đây:

  • Phải kịp thời, linh hoạt và bao quát được phạm vi hiện trường;
  • Không cho những người không có trách nhiệm ra, vào hiện trường;
  • Không được mang bất cứ đồ vật nào ở hiện trường đi nơi khác hoặc ngược lại;
  • Không được tự ý đi lại và tùy tiện đụng chạm vào những đồ vật có ở hiện trường;
  • Không được hút thuốc ở hiện trường;
  • Không được tiết lộ tin tức, tài liệu về hiện trường;
  • Không được tự ý rời bỏ vị trí khi đang làm nhiệm vụ.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây