Quy định chung về bồi thường thiệt hại khi gây ô nhiễm môi trường

0
82

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gây ô nhiễm môi trường được đặt ra khi có hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường làm cho môi trường bị ô nhiễm dẫn đến những thiệt hại thực tế. Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về vấn đề này?

bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật hành chính, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là gì?

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm người gây thiệt hại bù đắp thiệt hại về vật chất thực tế, được tính thành tiền do việc vi phạm nghĩa vụ của mình gây ra, bao gồm thiệt hại về tài sản, chỉ phí để ngăn chặn thiệt hại, hạn chế thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

Người nào gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do hành vi xâm hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, thì ngoài việc người này phải chấm dứt hành vi vi phạm của mình và xin lỗi cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền hợp lý cho người bị thiệt hại và người nhà của họ.

Pháp luật dân sự quy định có hai loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại là: trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: có thiệt hại thực tế xảy ra, có hành vi trái pháp luật và có mối liên hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại đã xảy ra, người gây ra thiệt hại phải có lỗi.

Ô nhiễm môi trường là gì?

Ô nhiễm môi trường là một thuật ngữ khoa học được nhiều nhà nghiên cứu định nghĩa. Dưới góc độ sinh học, ô nhiễm môi trường chỉ tình trạng của môi trường mà trong đó những chỉ số hoá học, lí học của môi trường bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Dưới góc độ kinh tế học, ô nhiễm môi trường là sự thay đổi không có lợi cho môi trường sống khi xét đến các tính chất vật lí, hoá học cũng như yếu tố sinh học mà qua đó có thể gây tác hại ngay tức khắc hoặc ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ của con người, các loài động thực vật cũng như các điều kiện sống khác. Dưới góc độ pháp lí, ô nhiễm môi trường được định nghĩa tại khoản 8 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 như sau:

“Ô nhiễm môi trường là sự biến đối của các thành phần môi trường không phù hợp với quy chuẩn kĩ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng xấu đến con người và sinh vật” 

Có thể thấy các định nghĩa nêu trên dù từ góc độ nào thì vẫn có điểm chung nhất định về ô nhiễm môi trường đó là chúng đều đề cập sự biến đổi của các thành phần môi trường theo chiều hướng tiêu cực và gây ra những bất lợi cho con người và sinh vật.

Sự biển đổi theo chiều hướng xấu đi của các thành phần môi trường có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân trong đó nguyên nhân chủ yếu là do các chất gây ô nhiễm ngày càng xuất hiện nhiều hơn từ hoạt động sinh hoạt và sản xuất của con người cũng như những thiên tai của tự nhiên Nhưng ảnh hưởng nhiều nhất vẫn là đến từ con người. Chất gây ô nhiễm môi trường đã được các nhà môi trường học định nghĩa là vật chất hoặc yếu tố vật lí khi xuất hiện trong môi trường thì làm cho môi trường bị ô nhiễm.

Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gây ô nhiễm môi trường

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gây ô nhiễm môi trường được xem là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, chủ thể (tổ chức, cá nhân hoặc chủ thể khác) thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật môi trường làm suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường dẫn đến những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức và các chủ thể khác thì phải thực hiện biện pháp khắc phục ô nhiễm, phục hồi hiện trạng môi trường theo hướng tốt nhất và bồi thường thiệt hại khi gây ô nhiễm môi trường do hành vi vi phạm pháp luật gây ra.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, căn cứ tính chất thiệt hại xảy ra, ô nhiễm môi trường gây ra hai loại thiệt hại: (1) Thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích do làm ô nhiễm môi trường (bao gồm những thiệt hại về môi trường đất, nước, hệ sinh thái, động, thực vật và thường được gọi là thiệt hại trực tiếp hay gọi là thiệt hại nguyên phát) và (2) Thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản của con người và các lợi ích hợp pháp khác (thường được gọi là tổn thất gián tiếp hay thiệt hại thứ phát). Trong mối quan hệ giữa hai loại thiệt hại này thì loại thiệt hại (1) sẽ xảy ra trước. Còn thiệt hại (2) chỉ phát sinh sau khi có hậu quả là sựu suy giảm chức năng cũng như các tính hữu ích của môi trường. Do vậy, nếu muốn xác định được có hay không có thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản và các lợi ích hợp pháp do ô nhiễm môi trường thì cần phải tiến hành xác định được có thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường ở tại khu vực đó.

Trong phạm vi trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung, người nào gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Người gây thiệt hại chỉ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu như thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. 

Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gây ô nhiễm môi trường, chủ thể nào thực hiện hành vi làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại không được dùng lý do mình không có lỗi để chối trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gây ô nhiễm môi trường. Trường hợp chủ thể làm ô nhiễm môi trường phải chứng minh được lỗi gây ra thiệt hại là hoàn toàn thuộc về một bên thứ ba nào đó, về nguyên tắc bên thứ ba sẽ không được bồi thường thiệt hại (khoản 4 Điều 585 BLDS 2015), nhưng chủ thể làm ô nhiễm môi trường vẫn phải bồi thường thiệt hại cho chủ thể khác bị thiệt hại vì môi trường bị ô nhiễm.

Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gây ô nhiễm môi trường

Khi muốn xác định có phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay không thì cần xem xét những điều kiện để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cụ thể có 4 điều kiện để làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

  • Có thiệt hại thực tế xảy ra;
  • Hành vi gây thiệt hại trái với pháp luật bảo vệ môi trường;
  • Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật môi trường và thiệt hại thực tế đã xảy ra;
  • Người gây thiệt hại có lỗi.

Luật Hành Chính đã tổng hợp những thông tin về bồi thường thiệt hại khi gây ô nhiễm môi trường. Bạn có thể xem thêm nhiều bài viết khác về các lĩnh vực pháp luật của chúng tôi.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.

2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.

3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây