Chế định tiền lương đối với người lao động theo Bộ luật lao động năm 2019

0
20

Chế định tiền lương đối với người lao động theo Bộ luật lao động năm 2019.

Theo quy định của PLLĐ, NSDLĐ trả tiền lương theo sự thỏa thuận của các bên cho người lao đọng để thực hiện công việc. Tiền lương thông thường sẽ bao gồm 03 khoản chính riêng biệt, bao gồm: (i) mức lương theo công việc hoặc chức danh; (ii) phụ cấp lương; và (iii) các khoản bổ sung khác được ghi trong HĐLĐ.

1 – Khái quát về tiền lương.

Về mặt nguyên tắc, NSDLĐ trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc và NSDLĐ phải bảo bảo trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động  làm công việc có giá trị như nhau.

Tiền lương thông thường sẽ bao gồm 03 khoản chính riêng biệt, bao gồm: (i) mức lương theo công việc hoặc chức danh; (ii) phụ cấp lương; và (iii) các khoản bổ sung khác được ghi trong hợp đồng lao động.

Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trừ trường hợp trả lương, phụ cấp lương cho người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Ngoại lệ trên không phải là nội dung mới vì quy định này đã được ghi nhận tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ và đã được luật hóa tại Bộ luật lao động.

Để cho minh bạch về tính toán tiền lương, NSDLĐ phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động mỗi lần trả lương, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).

2 – Mức lương

Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương mà NSDLĐ đã xây dựng. Riêng đối với người lao động nhỏ hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương là mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán. Khi xây dựng mức lương trong thang lương, bảng lương để áp dụng cho DN, DN cần lưu ý đến mức lương tối thiểu Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.

xem thêm: Bồi thường thiệt hại thương mại

Xem thêm: Tiêu chuẩn tiếp viên hàng không bamboo

[a] Mức lương tối thiểu

Chính phủ quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Hội đồng tiền lương quốc gia là cơ quan do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập với chức năng tư vấn cho Chính phủ về mức lương tối thiểu và chính sách tiền lương đối với người lao động. Thành phần cơ cấu tổ chức của Hội đồng tiền lương quốc gia bao gồm 17 thành viên. Trong đó có 05 thành viên đại diện của Bộ LĐTBXH, 05 thành viên đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 05 thành viên đại diện của một số tổ chức đại diện NSDLĐ ở trung ương và 02 thành viên là chuyên gia độc lập. Tổ chức đại diện NSDLĐ ở trung ương có thể là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Với thành phần như được đề cập ở trên, hằng năm, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ tổ chức thương lượng để khuyến nghị với Chính phủ phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu xác lập theo vùng. Hội đồng tiền lương quốc gia xây dựng báo cáo về mức lương tối thiểu của NLĐ được cân nhắc theo mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình NLĐ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; mối quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của DN. Đó sẽ là cơ sở để Chính phủ quyết định và công bố mức lương tối thiểu.

Hiện nay, có 04 vùng riêng biệt được áp dụng với mức lương tối thiểu vùng khác nhau. Tùy thuộc vào nơi DN hoạt động thuộc địa bàn vùng nào thì mức lương tối thiểu vùng sẽ được áp dụng tương ứng. DN cần rà soát các nguyên tắc áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn theo quy định của pháp luật để áp dụng cho DN mình, cụ thể là:

– DN hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó;

– DN có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó;

– DN hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất; DN hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới; và

– DN hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất. Nếu DN hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc Vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại Vùng III.

Cần lưu ý rằng, mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để NSDLĐ và NLĐ thỏa thuận và trả lương. Trong đó mức lương trả cho NLĐ làm việc trong điều kiện lao động bình thường, đảm bảo đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm: (i) không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm công việc giản đơn nhất; (ii) nếu NSDLĐ tuyển NLĐ vào làm các công việc đòi hỏi NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định của pháp luật) thì mức lương thấp nhất phải trả cho NLĐ đó cũng phải cao hơn 07% mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đó.

DN không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của Bộ luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, thưởng do DN quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong Hợp đồng lao động, TƯLĐTT hoặc trong quy chế của DN.

Một vấn đề thực tế thường xảy ra đó là, NSDLĐ thường ghi nhận nhiều địa điểm làm việc cho NLĐ trong HĐLĐ nhằm đảm bảo khả năng đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng lao động của NSDLĐ tại từng thời điểm. Như vậy, trong trường hợp đó, NSDLĐ sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng ở nơi nào để xác định mức lương của NLĐ? Theo Điều 3.3 (b) Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH, nếu NLĐ được yêu cầu làm việc thường xuyên ở nhiều địa điểm khác nhau thì trong HĐLĐ phải ghi rõ đầy đủ các địa điểm làm việc của NLĐ. Theo quy định này, NSDLĐ có nghĩa vụ phải xác định các địa điểm làm việc chính của NLĐ bên cạnh các địa điểm làm việc khác theo sự phân công của NSDLĐ tại từng thời điểm. Tuy nhiên, không có quy định nào giải thích một cách rõ ràng và cụ thể về việc NSDLĐ sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng ở địa bàn nào trong trường hợp nêu trên.

Mặc dù vậy, trên cơ sở thận trọng cùng với nguyên tắc ưu tiên đảm bảo quyền lợi của NLĐ như là bên yếu thế trong mối quan hệ lao động theo tinh thần của BLLĐ, NSDLĐ có thể phải áp dụng mức lương tối thiểu vùng của địa bàn nơi làm việc chính của NLĐ, nơi mà có mức lương tối thiểu vùng cao nhất để bảo đảm cho NLĐ có được phúc lợi lao động tốt nhất.

[b] Xây dựng thang lương, bảng lương

DN phải xây dựng thang lương, bảng lương làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho NLĐ.

Khi xây dựng thang lương, bảng lương, NSDLĐ phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở. Sau khi ban hành thang lương, bảng lương, NSDLĐ cần công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.

3 –  Định mức lao động

Định mức lao động là lượng lao động hao phí được quy định để hoàn thành từng bước công việc, từng công đoạn và toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở tổ chức lao động khoa học, tổ chức sản xuất hợp lý”. Đây là một trong các cơ sở để NSDLĐ xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản lý lao động, tính toán mức lương phù hợp khi giao kết hợp đồng lao động và trả lương cho NLÐ.

Theo quy định của pháp luật lao động, mức lao động phải là mức trung bình đảm bảo số đông NLĐ thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.

Khi xây dựng định mức lao động, NSDLĐ phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với những nơi đã có tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở và công bố công khai tại nơi làm việc cho NLĐ biết trước khi thực hiện.

4 –  Phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác

Ngoài mức lương, NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận về việc trả thêm phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác trong hợp đồng lao động mà chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh.

[a]  Phụ cấp lương

Quy định của Bộ luật lao động phân chia phụ cấp lương ra làm 02 loại như sau:

  • Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của NLĐ; và
  • Các khoản phụ cấp lương để bù đắp cho các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ:

Bù đắp yếu tố điều kiện lao động: công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

Bù đắp yếu tố tính chất phức tạp công việc: công việc đòi hỏi thời gian đào tạo, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm cao, có ảnh hưởng đến các công việc khác, yêu cầu về thâm niên và kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, giao tiếp, sự phối hợp trong quá trình làm việc của NLĐ;

Bù đắp các yếu tố điều kiện sinh hoạt: công việc thực hiện ở vùng xa xôi, hẻo lánh, có nhiều khó khăn và khí hậu khắc nghiệt, vùng có giá cả sinh hoạt đắt đỏ, khó khăn về nhà ở, công việc NLĐ phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc, nơi ở và các yếu tố khác làm cho điều kiện sinh hoạt của NLĐ không thuận lợi khi thực hiện công việc; và

Bù đắp các yếu tố để thu hút lao động: khuyến khích NLĐ đến làm việc ở các vùng kinh tế mới, thị trường mới mở; nghề, công việc kém hấp dẫn, cung ứng của thị trường lao động còn hạn chế; khuyến khích NLĐ làm việc có năng suất lao động, chất lượng công việc cao hơn hoặc đáp ứng tiến độ công việc được giao.

[b] Các khoản bổ sung khác

Các khoản bổ sung khác cũng được phân ra thành 02 loại như (i) Các khoản mà có thể xác định được bằng mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương; và (ii) Các khoản không thể xác định được bằng mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực trong hợp đồng lao động và được trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình thực hiện công việc của NLĐ.

5 –  Các chế độ và phúc lợi khác

Các chế độ và phúc lợi sau đây nếu có thỏa thuận của các bên thì sẽ được ghi thành một mục riêng trong HĐLĐ, mà không được đưa vào mức lương, phụ cấp lương hay là các khoản bổ sung khác trong HĐLĐ: thưởng, tiền thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ, hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân bị chết, NLĐ có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ, trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác.

Trên đây là quy định của Bộ luật lao động 2019 về chế định tiền lương đối với người lao động. 

Nguồn: Sổ tay pháp luật lao động (LS. Nguyễn Hữu Phước) 

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây