Chiến thuật khám xét người

0
25

Khám xét người là việc tiến hành tìm tòi, lục soát trong người, quần áo đang mặc và các đồ vật đem theo, kể cả phương tiện đi lại của họ nhằm phát hiện và thu giữ công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án. Sau đây chúng ta sẽ phân tích các chiến thuật khám xét người trong hoạt động khoa học điều tra hình sự.

Chiến thuật khám xét người

1 – Căn cứ khám xét người 

Theo khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về căn cứ để thực hiện việc khám xét người được quy định như sau:

“1. Việc khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, dữ liệu điện tử, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.

Việc khám xét chỗ ở, nơi làm việc, địa điểm, phương tiện cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã, truy tìm và giải cứu nạn nhân.”

2 – Thẩm quyền khám xét người

Người có thẩm quyền ra lệnh khám xét người theo căn cứ theo khoản 1, khoản 2 Điều 193 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền ra lệnh khám xét cụ thể như sau:

“1. Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Lệnh khám xét của những người được quy định tại khoản 2 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành.

2. Trong trường hợp khẩn cấp, những người có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 110 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khám xét xong, người ra lệnh khám xét phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ việc, vụ án.”

Do đó, theo quy định, những người sau đây là người có thẩm quyền ra lệnh khám xét người: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử; Người được quy định tại khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Lưu ý: lệnh khám xét của những người này và người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 phải được Viện kiểm sát có thẩm quyền phê chuẩn trước khi thi hành.

Chiến thuật khám xét người

Xem thêm: Khái niệm, mục đích và nguyên tắc của khám xét

Xem thêm: Quy trình chuẩn bị khám xét 

3 – Trình tự thủ tục khám người

Khám xét người thường được tiến hành theo hai bước: khám xét sơ bộ và khám xét chi tiết.

(i) Khám xét sơ bộ

Khám xét sơ bộ được tiến hành ngay sau khi bắt đối tượng nhằm mục đích tước vũ khí, chất độc và thu giữ vật chứng dễ tìm. Khi khám xét đối tượng bị bắt, cần kiểm tra ở khu vực xung quanh, đề phòng trường hợp đối tượng tẩu tán vũ khí, đồ vật, tài liệu liên quan đến vụ án ra những noi đó. Chỉ khi nào có căn cứ để khẳng định chắc chắn người bị bắt đã bị tước hết vũ khí, chất độc mới giải về nơi giam giữ.

(ii) Khám xét chi tiết

Khám xét chi tiết phải được tiến hành ở nơi kín đáo như trụ sở cơ quan điều tra, một căn phòng, ngôi nhà nào đó và không để những người không có trách nhiệm có mặt tại nơi này nhằm bảo đảm an toàn cho cuộc khám xét, danh dự, nhân phẩm của người bị khám xét.

“Khi bắt đầu khám người, phải đọc lệnh khám và đưa cho đương sự đọc lệnh khám đó, giải thích cho đương sự và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ.

Người tiến hành khám phải yêu cầu đương sự đưa ra những đồ vật có liên quan đến vụ án, nếu đương sự từ chối thì tiến hành khám.

Việc khám xét người phải do người cùng giới thực hiện và có người khác cùng giới chứng kiến” (Điều 194 Bộ luật tố tụng hình sự).

Xem thêm: Phân tích khái niệm và phân loại thực nghiệm điều tra

Xem thêm:  Đi thực tế xem xét, thẩm định tại cho thực nghiệm điều tra 

Chiến thuật khám xét người

Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà bố trí số lượng cán bộ khám xét cho phù hợp. Thông thường, khi khám xét một đối tượng thì một người trực tiếp khám xét và một người bảo vệ. Khi cần khám xét nhiều đối tượng thì số lượng cán bộ trực tiếp khám xét và bảo vệ cuộc khám xét cần ở mức độ đủ để hoạt động khám xét được tiến hành an toàn, nhanh chóng và hiệu quả. Khi khám xét đối tượng nguy hiểm cần có những biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, đề phòng đối tượng chạy trốn, hành hung, tấn cổng lại cán bộ khám xét.

Khám người được tiến hành theo trình tự từ trên xuống dưới, từ trước ra sau. Khi khám xét phải yêu cầu đối tượng đứng im, không được động đậy, không được bỏ tay vào túi quần, để mọi đồ vật, tài liệu có ở trong người lên mặt bàn.

Có thể yêu cầu đối tượng cởi hết quần, áo đang mặc, giày, dép đang đi để đưa cho cán bộ khám xét. Trong trường hợp này, cần đưa cho họ một bộ quần áo khác hoặc một mảnh vải để che người, cần khám kỹ ở những nơi có hai lần vải hoặc dưới đế giày, dép, đề phòng trường hợp đối tượng sử dụng những nơi đó làm nơi cất giấu những đồ vật, tài liệu có kích thước nhỏ như tiền, vàng, chất độc, giấy tờ, tài liệu v.v..

Khi đối tượng đã cởi hết quần áo thì bắt đầu khám thân thể của họ. Cần khám kỹ ở những nơi kín đáo trên cơ thể, trong các lỗ tự nhiên.

Đối với những đồ vật mang theo người như va ly, ví, cặp, hòm… và những phương tiện đi lại cũng cần được xem xét tỉ mỉ. Chú ý khám cả trong và ngoài, đề phòng trường hợp đối tượng sử dụng va ly, hòm hai đáy; cặp, túi hai thành…

Khi khám xét người phải tôn trọng và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tài sản của người bị khám. Không được có hành vi trái pháp luật, trái đạo đức khi khám xét.

Tổng hợp từ Giáo trình Khoa học điều tra hình sự – Đại học Luật Hà Nội

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây