Phương pháp điều tra hình sự

0
19
  1. Khái niệm

Phương pháp điều tra hình sự hay phương pháp điều tra riêng đối với từng loại tội phạm là hệ thống các quan điểm, hướng dẫn cách thức tồ chức và tiến hành điều tra đối với từng loại tội phạm cụ thể.

Kỹ thuật hình sự và chiến thuật hình sự chỉ có thể đi vào cuộc sống thông qua phương pháp điều tra từng loại tội phạm cụ thể. Nhưng không thể hiểu bộ phận này của khoa học điều tra hình sự là tập hợp đơn giản những phương tiện kỹ thuật hình sự, biện pháp chiến thuật hình sự đã được trình bày ở hai bộ phận trước đó. Bộ phận cấu thành quan trọng này của khoa học điều tra hình sự xác định và nghiên cứu cơ sở phương pháp luận có ý nghĩa chung đối với hoạt động điều tra tất cả các loại tội phạm và trên cơ sở đó giới thiệu phương pháp điều tra, phòng ngừa các loại tội phạm cụ thể nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Các loại tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự rất đa dạng và có những đặc điểm khác nhau ở cả bốn yếu tố cấu thành tội phạm của chúng. Thậm chí, mỗi trường hợp phạm tội cụ thể của một loại tội phạm cũng có những nội dung biểu hiện riêng biệt ở cả bốn yếu tố. Chính đặc tính riêng biệt của các loại tội phạm quy định tính riêng biệt của phương pháp điều tra đối với từng loại tội phạm đó. Vì vậy, không thể xây dựng một hệ thống phương pháp điều tra vạn năng có thể áp dụng cho công tác điều tra tất cả các loại tội phạm. Ngược lại, phương pháp điều tra riêng đối với từng loại tội phạm cần xuất phát từ đặc điểm riêng của các loại tội phạm và chủ thể đã thực hiện các hành vi này.

Mặc dù không thể xây dựng một phương pháp điều tra có thể áp dụng máy móc cho công tác điều tra tất cả các loại tội phạm nhưng điều đó không có nghĩa là không có những nguyên lý chung cho công tác điều tra các loại tội phạm cụ thể. Chính sự tồn tại của những nguyên lý chung đặc trưng cho công tác điều tra, phòng ngừa các loại tội phạm cụ thể, cũng như trong việc giải quyết các vấn đề mang tính phương pháp luận của hoạt động này cho phép xây dựng những phương pháp điều tra riêng tương ứng với từng loại tội phạm cụ thể. Chẳng hạn, trên cơ sở làm rõ những nguyên lý chung của công tác điều tra có thể xây dựng phương pháp điều tra đối với tất cả các vụ giết người nói chung hay phương pháp điều tra chỉ áp dụng đối với các vụ giết người được thực hiện trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân. Tất nhiên, phương pháp điều tra riêng xác định những vấn đề mang tính đặc trưng đối với công tác điều tra một loại tội phạm cụ thể không thể chứa đựng tất cả những chỉ dẫn cần thiết cho công tác điều tra mỗi trường hợp phạm tội của loại tội phạm này.

Như vậy, phương pháp điều tra hình sự (phương pháp điều tra riêng đối với từng loại tội phạm) bao gồm hai bộ phận: những luận điểm chung và phương pháp điều tra những tội phạm cụ thể. Những luận điểm khoa học chung là cơ sở lý luận của phương pháp điều tra nghiên cứu đối tượng, cơ sở, nhiệm vụ, nguyên tắc, mối liên hệ giữa phương pháp điều tra hình sự với các bộ phận khác của khoa học điều tra hình sự. Còn bộ phận thứ hai trình bày đặc điểm của phương pháp điều tra, phòng ngừa từng loại tội phạm cụ thể mang tính phổ biến và thực tiễn đấu tranh chống các loại tội phạm đó đòi hỏi phải có những chỉ dẫn khoa học nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này.

  1. Đối tượng của phương pháp điều tra hình sự

Đối tượng của phương pháp điều tra hình sự là những quy luật về tổ chức và tiến hành hoạt động điều tra, phòng ngừa tội phạm. Những quy luật này có thể chia thành ba nhóm sau đây:

  • Những quy luật chung về tổ chức và tiến hành hoạt động điều tra đối với tất cả các loại tội phạm;
  • Những quy luật về tổ chức và tiến hành hoạt động điều tra, phòng ngừa đối vởi những loại tội phạm cùng nhóm;
  • Những quy luật về tổ chức và tiến hành hoạt động điều tra, phòng ngừa từng loại tội phạm cụ thể.
  1. Cơ sở của phương pháp điều tra hình sự

Phương pháp điều tra hình sự (phương pháp điều tra riêng đối với từng loại tội phạm) được xây dựng trên những cơ sở lý luận và thực tiễn nhất định. Cụ thể, bộ phận này của khoa học điều tra hình sự được xây dựng dựa trên những cơ sở sau:

  • Trước hết, cơ sở có ý nghĩa quan trọng cho việc xây dựng phương pháp điều tra hình sự chính là những quy định của pháp luật mà chủ yếu là luật hình sự và luật tố tụng hình sự.

Tuân thủ triệt để những quy định của pháp luật trong công tác điều tra hình sự được hiểu là việc tổ chức và tiến hành tất cả các hoạt động tố tụng cũng như các biện pháp nghiệp vụ khác trong khuôn khổ của pháp luật và nhằm đạt những mục đích mà pháp luật quy định. Công tác điều tra hình sự cần phải đảm bảo nguyên tắc khách quan, toàn diện, đầy đủ và trước hết phải chú trọng bảo đảm quyền bào chữa của bị can, nghiên cứu một cách thận trọng tất cả các tình tiết buộc tội cũng như gỡ tội hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can. Để đạt được mục đích đó, những chỉ dẫn của phương pháp điều tra riêng đối với từng loại tội phạm phải bảo đảm cho công tác điều tra được tiến hành một cách nhanh chóng, chính xác; xác định được tất cả những tình tiết của vụ phạm tội, làm rõ tất cả các đối tượng có liên quan đến vụ án, thu thập đầy đủ những tài liệu cần thiết phục vụ cho việc bồi thường thiệt hại cũng như làm rõ những nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tội phạm để đề xuất các biện pháp phòng ngừa có hiệu quả. Khi những chỉ dẫn của phương pháp điều tra hình sự không dựa trên cơ sở của pháp luật hiện hành nó sẽ mất đi tính hợp pháp và dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

  • Cơ sở thứ hai của việc xây dựng phương pháp điều tra hình sự là thực tiễn điều tra và phòng ngừa tội phạm.

Nghiên cứu, tổng kết thực tiễn của hoạt động này là cơ sở quan trọng để khoa học điều tra hình sự xây dựng những chỉ dẫn sát với thực tiễn và có hiệu quả trong công tác điều tra từng loại tội phạm cụ thể. Thực tế cho thấy, thủ đoạn thực hiện và che giấu tội phạm của bọn tội phạm luôn thay đổi. Sự thiếu hiểu biết, thông tin về vấn đề này sẽ làm giảm hiệu quả của công tác điều tra. Những chỉ dẫn về phương pháp điều tra các vụ án cụ thể phụ thuộc nhiều vào thông tin về thủ đoạn mà bị can đã sử dụng khi thực hiện và che giấu hành vi phạm tội đó. Ngoài ra, những thông tin về nhân thân người phạm tội cũng có ý nghĩa không nhỏ đối với việc xây dựng phương pháp điều tra và phòng ngừa tội phạm. Những thông tin về chủ thể của tội phạm cho phép xác định một cách đúng đắn chiến thuật tiến hành các biện pháp điều tra nhất là khi hỏi cung bị can, khám xét v.v..

Phân tích thực tiễn điều tra cũng như mối quan hệ giữa cơ quan điều tra và các lực lượng nghiệp vụ khác là cơ sở để làm rõ các biện pháp điều tra và nghiệp vụ cần tiến hành cũng như trình tự và chiến thuật tiến hành các biện pháp đó trong quá trình điều tra, làm rõ các loại tội phạm cụ thể. Mặt khác, thực tiễn điều tra và phòng ngừa tội phạm là tiêu chuẩn chân lý của phương pháp điều tra, đánh giá mức độ hiệu quả của những chỉ dẫn mà khoa học điều tra hình sự nói chung và phương pháp điều tra hình sự nói riêng giới thiệu với thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Cuối cùng, cơ sở của phương pháp điều tra là những tri thức khoa học.

Cụ thể, đó là những luận điểm lý luận chung của khoa học điều tra hình sự, kỹ thuật hình sự, chiến thuật hình sự cũng như những tri thức của những lĩnh vực khoa học khác được ứng dụng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Những chỉ dẫn về phương pháp điều tra các tội phạm cụ thể là sự cụ thể hoá những tri thức của bộ phận lý luận chung của khoa học điều tra hình sự, kỹ thuật hình sự, chiến thuật hình sự vào thực tiễn điều tra các vụ án đó phù hợp với những đặc điểm riêng của từng vụ án. Bên cạnh đó, những thành tựu của khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn là cơ sở quan trọng để xây dựng những phương tiện, biện pháp, phương pháp điều tra khoa học, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác điều tra, phòng ngừa tội phạm nói chung, tiến hành các hoạt động điều tra trong những tình huống cụ thể nói riêng. Chính điều đó đòi hỏi khoa học điều tra hình sự phải kịp thời tổng kết các thành tựu của các ngành khoa học khác nhau để kịp thời giới thiệu, ứng dụng vào thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Phương pháp điều tra, phòng ngừa tội phạm được xây dựng trên những cơ sở nêu trên là những kinh nghiệm khoa học và thực tiễn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Những chỉ dẫn đó trang bị cho thực tiễn điều tra những phương pháp hoạt động khoa học, giúp điều tra viên tránh được những sai lầm và chi phí không cần thiết trong quá trình điều tra, phòng ngừa tội phạm.

Thủ tục tạm ngừng kinh doanh - Chủ doanh nghiệp cần nắm rõ
Thủ tục tạm ngừng kinh doanh – Chủ doanh nghiệp cần nắm rõ
  1. Nguyên tắc xây dựng phương pháp điều tra hình sự

Những chỉ dẫn của phương pháp điều tra hình sự chỉ có ý nghĩa thực tiễn đối với công tác điều tra, phòng ngừa tội phạm khi nó được xây dựng theo những nguyên tắc khoa học nhất định. Cụ thể, việc xây dựng phương pháp điều tra hình sự phải quán triệt một số luận điểm có tính nguyên tắc sau:

(i) Phương pháp điều tra hình sự phải được xây dựng trên những cơ sở lý luận khoa học

Những chỉ dẫn của phương pháp điều tra hình sự giới thiệu cho cho thực tiễn điều tra và phòng ngừa tội phạm phải phù hợp với những luận điểm khoa học đã được nghiên cứu trong bộ phận lý luận chung, kỹ thuật bình sự, chiến thuật hình sự của khoa học điều tra hình sự cũng như những tri thức thuộc các lĩnh vực khoá học khác được ứng dụng vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Đồng thời, những chỉ dẫn đó phải phù hợp với thực tiễn, được thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm thừa nhận.

(ii) Những chỉ dẫn của phương pháp điều tra hình sự phải đảm bảo đặc tính chung và đặc tính cụ thể

Những loại tội phạm cùng nhóm thường có những đặc điểm chung như phạm vi và giới hạn những vấn đề cần phải chứng minh, những đặc điểm chung của giai đoạn chuẩn bị và tiến hành các biện pháp điều tra… Bên cạnh đó, đặc điểm trong việc tổ chức hoạt động điều tra, phòng ngừa từng loại tội phạm tội phạm cụ thể còn bị chi phối bởi đặc điểm riêng biệt của các loại tội phạm này, những tình huống cụ thể xảy ra trong quá trình điều tra các vụ án đó.v.v. Vì vậy, những chỉ dẫn của phương pháp điều tra hình sự cần phải có không chỉ những đặc tính chung mà cả những đặc tính cụ thể để phù hợp với thực tiễn phức tạp của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

(iii) Phương pháp điều tra hình sự phải bảo đảm tính giai đoạn

Trên phương diện tổ chức, quá trình điều tra các vụ án hình sự có thể chia làm ba giai đoạn sau:

  • Giai đoạn điều tra ban đầu;
  • Giai đoạn điều tra tiếp theo;
  • Giai đoạn kết thúc điều tra; 

Nhiệm vụ đặt ra cho từng giai đoạn, những phương tiện, biện pháp cần áp dụng cũng như những vấn đề cần chú ý khi áp dụng các biện pháp đó để giải quyết các nhiệm vụ đặt ra là những nội dung cần được phản ánh cụ thể trong phương pháp điều tra hình sự nhằm bảo đảm cho từng giai đoạn cũng như toàn bộ quá trình điều tra đạt hiệu quả cao nhất.

(iv) Phương pháp điều tra hình sự phải bảo đảm tính tình huống và tính phương án

Tình huống điều tra là tình trạng của hoạt động điều tra hình thành ở một thời điểm bất kỳ được xác định bởi những thông tin thu thập được về vụ phạm tội và những điều kiện mà trong đó hoạt động điều tra được tiến hành và việc đánh giá tình trạng đó sẽ tạo điều kiện cho điều tra viên đưa ra những quyết định chiến thuật đúng đắn. Thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đòi hỏi phương pháp điều tra hình sự phải giới thiệu những chỉ dẫn phù hợp với các tình huống điều tra nảy sinh trong thực tiễn để giúp điều tra viên lựa chọn được các phương án tối ưu trong hoạt động của mình.

(v) Phương pháp điều tra hình sự phải bảo đảm tính thống nhất về cấu trúc

Tính tình huống và phương án không thể loại trừ tính thống nhất về cấu trúc của phương pháp điều tra. Phương pháp điều tra đối với các loại tội phạm cụ thể phải thống nhất về cấu trúc. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho điều tra viên xác định phương pháp điều tra và sử dụng những chỉ dẫn của nó vào thực tiễn hoạt động đấu tranh chống tội phạm một cách thuận lợi và có hiệu quả.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây