Phân tích khái niệm và phân loại thực nghiệm điều tra

0
43

Phân tích khái niệm và phân loại thực nghiệm điều tra

Thực nghiệm điều tra có một số đặc điểm dễ làm cho nó bị nhầm lẫn với những biện pháp điều tra khác được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự như nhận dạng, giám định… Vì vậy, trong thực tế áp dụng, cần phân biệt rõ ranh giới giữa các biện pháp điều tra đó để tránh trường hợp thay thế một biện pháp điều tra này bằng một biện pháp điều tra khác khi giải quyết một vấn đề nhất định đặt ra trong công tác điều tra. 

1 – Khái niệm thực nghiệm điều tra

Thực nghiệm điều tra là biện pháp điều tra được tiến hành thông qua các hoạt động thí nghiệm, thực nghiệm đặc biệt trong điều kiện tương tự như điều kiện mà hành vi, sự việc, hiện tượng cần kiểm tra, xác minh đã diễn ra trước đây để có cơ sở khách quan kết luận về hành vi, sự việc, hiện tượng đó phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự.

Đối với những tài liệu, tình tiết đã thu thập được trong giai đoạn điều tra nhưng chưa xác định được tính khách quan và mức độ tin cậy của chúng, cơ quan điều tra có thể tổ chức thực nghiệm điều tra để kiểm tra, xác minh những tài liệu, tình tiết đó. 

Bản chất của thực nghiệm điều tra là tiến hành các hoạt động thí nghiệm, thực nghiệm đặc biệt. Cơ sở để tổ chức các hoạt động đó là lời khai của những người tham gia tố tụng như bị can, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng hay giả thuyết điều tra của điều tra viên về hành vi, sự việc, hiện tượng cần kiểm ưa, xác minh. Căn cứ vào lời khai của họ và các tài liệu đã thu thập được, cơ quan điều tra có thể xác định được loại thực nghiệm điều tra cần tổ chức, mục đích cụ thể cần đạt được cũng như các điều kiện cụ thể cần tái tạo để tiến hành, hoạt động này.

2 – Phân loại thực nghiệm điều tra

Trong thực tế, cơ quan điều tra có thể tổ chức các loại thực nghiệm điều tra sau:

[1] Thực nghiệm điều tra nhằm xác định khả năng tri giác một sự việc, hiện tượng nhất định

Đây là loại thực nghiệm điều tra được tiến hành nhằm kiểm tra khả năng nghe, nhìn của một người tham gia tố tụng cụ thể (thường là người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng) đối với một tình tiết, hiện tượng nào đó của vụ án trong điều kiện, hoàn cảnh tương tự như lời khai của họ để có cơ sở khách quan kết luận về lời khai đó.

Khả năng quan sát, thụ cảm của một người luôn chịu sự tác động, ảnh hưởng của các yếu tố khách quan như khoảng cách, điều kiện ánh sáng, thời tiết… và các yếu tố chủ quan như sức khỏe, trạng thái tâm lý của họ khí tri giác sự việc, hiện tượng nhất định v.v.. Vì vậy, khi tổ chức loại thực nghiệm điều tra này cần chú ý bảo đảm điều kiện, hoàn cảnh tiến hành thực nghiệm giọng ở mức tối đa với điều kiện, hoàn cảnh khi sự việc, hiện tượng xảy ra trong thực tế trước đây; làm rõ sự thay đổi khả năng nghe, nhìn của những người đưa ra thực nghiệm từ thời điểm xảy ra sự việc, hiện tượng đến thời điểm tiến hành thực nghiệm điều tra. Trong trường hợp khi có những yếu tố không thể tái tạo lại được hoàn toàn thì vẫn có thể tiến hành loại thực nghiệm điều tra này nhưng phải hết sức khách quan khi đánh giá kết quả của nó.

[2] Thực nghiệm điều tra nhằm xác định khả năng thực hiện một hành vi, một công việc nhất định

Đây là loại thực nghiệm điều tra được tiến hành nhằm làm rõ một người nào đó có khả năng thực hiện được một hành vi cụ thể nào đó nói chung hay trong những điều kiện cụ thể hoặc trong một khoảng thời gian đã xác định hay không.

Cơ sở để tổ chức và tiến hành loại thực nghiệm điều tra này là nội dung lời khai của người tham gia tố tụng (thường là của người bị tạm giữ, bị can) về hành vi, sự việc mà họ khai là đã làm và những điều kiện chủ quan, khách quan khi họ thực hiện hành vi, sự việc đó. Kết quả của thực nghiệm điều tra sẽ là cơ sở khách quan để cơ quan điều tra đánh giá và kết luận về tính khách quan và mức độ tin cậy của lời khai của những người đó.

Trong thực tế điều tra, loại thực nghiệm điều tra này cũng thường được sử dụng để kiểm tra kỹ năng nghề nghiệp và những kỹ năng khác của một người nào đó như kỹ năng viết, vẽ, khắc dấu, kỹ năng tự tạo ra các loại vũ khí khác nhau v.v..

Khi tiến hành loại thực nghiệm điều tra này, điều tra viên cần chú ý đến sự thay đổi có thể có của những người đưa ra thực nghiệm từ thời điểm thực hiện hành vi, công việc đến thời điểm tiến hành thực nghiệm điều tra như thay đổi về sức khỏe, tâm lý, khả năng chuyên môn… Đồng thời, cần chú ý bảo đảm sự giống nhau ở mức tối đa giữa điều kiện, hoàn cảnh tiến hành thực nghiệm điều tra và điều kiện, hoàn cảnh thực hiện hành vi, công việc trước đó.

xem thêm:  Đi thực tế xem xét thẩm định tại chỗ, thực nghiệm điều tra 

Xem thêm: Thẩm định viên

[3] Thực nghiệm điều tra nhằm xác định khả năng diễn ra của một sự việc, hiện tượng

Đây là loại thực nghiệm điều tra mà trong đó cơ quan điều tra tổ chức thí nghiệm một sự việc, hiện tượng nào đó đã xảy ra chưa rõ nguyên nhân theo các giả thuyết điều tra đã đặt ra nhằm xác định nguyên nhân và diễn biến của sự việc, hiện tượng ấy.

Loại thực nghiệm điều tra này thường được tiến hành để kiểm tra các giả thuyết điều tra đã được đặt ra nhằm giải thích: Trong điều kiện, hoàn cảnh nhất định thì một sự việc, hiện tượng nào đó, theo tài liệu, chứng cứ đã thu thập được có thể xảy ra hay không, xảy ra như thế nào. Ví dụ: Xác định khả năng tự bắt cháy, nổ của một vật nào đó; hiện tượng hao hụt nhiên liệu trong những điều kiện cụ thể…

Cơ sở để áp dụng loại thực nghiệm điều tra này là toàn bộ nội dung tình hình, tài liệu đã có cùng với những hiểu biết của cơ quan điều tra về sự việc, hiện tượng đó.

Khi tổ chức và tiến hành loại thực nghiệm điều tra nhằm xác định khả năng diễn ra của một sự việc, hiện tượng cần có sự tính toán chính xác, khoa học, bố trí điều kiện tương tự như lúc xảy ra sự việc, hiện tượng đó. Khi các thí nghiệm có liên quan tới các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật khác nhau cần bố trí các chuyên gia, cán bộ chuyên môn theo những lĩnh vực khoa học, kỹ thuật tương ứng tham gia. Ngoài ra, cần có phương án đề phòng và khắc phục những thiệt hại về người hoặc tài sản do thực nghiệm có thể gây ra.

[4] Thực nghiệm điều tra nhằm xác định diễn biến của những tình tiết cụ thể của sự việc xảy ra

Đây là loại thực nghiệm điều tra được tiến hành khi cần kiểm tra lời khai của bị can, người làm chứng, người bị hại… về quá trình diễn biến của sự việc xảy ra nói chung hoặc của những tình tiết cụ thể của nó.

Khi tiến hành loại thực nghiệm điều tra này, cơ quan điều tra có thể làm rõ diễn biến của sự việc xảy ra và xác định sự việc đó có thể diễn ra đúng như mô tả của bị can, người làm chứng… hay không. Để đạt được mục đích trên, khi áp dụng loại thực nghiệm điều tra này, cơ quan điều tra cần tái tạo lại đầy đủ các điều kiện, hoàn cảnh tương tự như khi sự việc, hiện tượng cần kiểm tra đã diễn ra trước đây trong hiện thực.

[5] Thực nghiệm điều tra nhằm xác định quá trình hình thành dấu vết của sự việc xảy ra

Đây là loại thực nghiệm điều tra ít được sử dụng trong thực tế và chỉ được tiến hành khi cần kiểm tra hoặc xác định: Bằng cách nào, các dấu vết của sự việc xảy ra đã xuất hiện trên các vật mang vết; đối tượng cụ thể nào đó có thể để lại loại dấu vết này hay không. Sau khi tiến hành thực nghiệm điều tra và thu được dấu vết thực nghiệm, điều tra viên không tiến hành truy nguyên đối tượng đã để lại dấu vết đó mà chỉ xác định: Đối tượng trên có cần gửi đi giám định hay không hoặc dùng kết quả của thực nghiệm điều tra để xây dựng các giả thuyết của mình.

Tổng hợp từ nguồn: Giáo trình Khoa học điều tra hình sự – Đại học Luật Hà Nội

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây