Các hình thức thực hiện quy phạm pháp luật hành chính

0
48

Các hình thức thực hiện quy phạm pháp luật hành chính

  Thực hiện quy phạm pháp luật hành chính là việc các cơ quan , tổ chức , cá nhân xử sự phù hợp với các yêu cầu của quy phạm pháp luật hành chính khi tham gia vào quản lý hành chính nhà nước .

Sử dụng quy phạm pháp luật hành chính

  Sử dụng quy phạm pháp luật hành chính là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện những hành vi được pháp luật hành chính cho phép.

Ví dụ: Công dân thực hiện quyền khiếu nại đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính, thực hiện quyền tự do đi lại, cư trú…

Các chủ thể sử dụng quy phạm pháp luật hành chính tham gia vào quản lí hành chính nhà nước với tư cách là đối tượng quản lí nhằm mục đích trước hết và chủ yếu là đảm đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của chính họ.

Xem thêm:  quan hệ pháp luật hành chính

Tuân thủ quy phạm pháp luật hành chính

Tuân thủ quy phạm pháp luật hành chính là hình thức  trong đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân kiềm chế không thực hiện những hành vi mà pháp luật hành chính ngăn cấm. Ví dụ: Công dân không tẩy xóa, sửa chữa chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu; cán bộ, công chức, viên chức không thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư…

Các chủ thể tuân thủ quy phạm pháp luật hành chính tham gia vào quản lí hành chính nhà nước với tư cách là đối tượng quản lý, nhằm mục đích trước hết và chủ yếu là bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền hoặc lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Do có sự khác nhau về mục đích thực hiện pháp luật nên việc sử dụng quy phạm pháp luật hành chính phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các chủ thể thực hiện pháp luật và việc không sử dụng quy phạm pháp luật hành chính không phải là hành vi trái pháp luật. Ngược lại, việc tuân thủ quy phạm pháp luật hành chính là yêu cầu pháp lý khách quan đối với chủ thể thực hiện pháp luật và việc không tuân thủ quy phạm pháp luật hành chính được xác định là hành vi trái pháp luật.

Chấp hành quy phạm pháp luật hành chính 

Chấp hành quy phạm pháp luật hành chính là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện những hành vi mà pháp luật hành chính đòi hỏi họ phải thực hiện. Ví dụ: Thực hiện nghĩa vụ quân sự; thực hiện nghĩa vụ đăng ký tạm trú, tạm vắng theo quy định của pháp luật…

Chấp hành quy phạm pháp luật hành chính và tuân thủ quy phạm pháp luật hành chính có nhiều điểm tương đồng về chủ thể và mục đích thực hiện pháp luật. Tuy nhiên, điểm khác biệt căn bản giữa hai hình thức này là việc chấp hành quy phạm pháp luật hành chính là thực hiện những hành vi nhất định (xử sự tích cực) còn tuân thủ quy phạm pháp luật hành chính là kiềm chế không thực hiện những hành vi nhất định.

Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính 

Áp dụng quy phạm pháp luật hành chính là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền căn cứ vào quy phạm pháp luật hành chính hiện hành để giải quyết các công việc cụ thể phát sinh trong quá trình quản lý hành chính nhà nước.

Khi áp dụng quy phạm pháp luật hành chính các chủ thể quản lí hành chính nhà nước đơn phương ban hành các quyết định hành chính hay thực hiện các hành vi hành chính để tổ chức việc thực hiện pháp luật một cách trực tiếp đối với các đối tượng quản lý thuộc quyền. 

Việc áp dụng quy phạm pháp luật phải đáp ứng những yêu cầu pháp lý nhất định để bảo đảm hiệu lực quản lý của Nhà nước và các quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Những yêu cầu đó là:

+ thứ nhất phải đúng với nội dung, mục đích của quy phạm pháp luật được áp dụng.

+ Thứ hai phải được thực hiện bởi các chủ thể có thẩm quyền.Tùy thuộc vào quy định cụ thể của pháp luật, theo yêu cầu của việc phân cấp trong quản lý hành chính nhà nước, mỗi chủ thể quản lý hành chính nhà nước chỉ có thẩm quyền áp dụng một số quy phạm pháp luật hành chính, trong những trường hợp cụ thể và đối với những đối tượng nhất định. Ví dụ: Chánh thanh tra bộ có thẩm quyền áp dụng các quy phạm pháp luật hành chính để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng bộ trưởng lại không có thẩm quyền này.

+ Thứ ba  phải được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định. Các công việc cụ thể cần phải áp dụng quy phạm pháp luật hành chính đều phải, được thực hiện theo thủ tục hành chính. Tuỳ từng loại việc mà việc áp dụng các quy phạm pháp luật hành chính sẽ được thực hiện theo những thủ tục hành chính khác nhau, như: thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; thủ tục đăng ký kết hôn; thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo…

+ Thứ tư phải được thực hiện trong thời hạn, thời hiệu do pháp luật quy định.

Do các công việc cụ thể cần phải áp dụng quy phạm pháp luật hành chính có số lượng lớn, phát sinh thường xuyên ở những phạm vi và quy mô khác nhau nên pháp luật cần phải quy định cụ thể về thời hiệu, thời hạn giải quyết các công việc đó để bảo đảm các điều kiện cần thiết cho công tác áp dụng pháp luật (như thu thập thông tin, bố trí nhân sự giải quyết) và bảo đảm kịp thời lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.

+ Kết quả áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải được thông báo công khai, chính thức cho các đối tượng có liên quan và phải được thể hiện bằng văn bản (trừ trường hợp pháp luật quy định khác).

Kết quả của việc áp dụng quy phạm pháp luật hành chính không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, mà còn có giá trị làm căn cứ pháp lí cần thiết cho việc thực hiện quy phạm pháp luật hành chính trong các trường hợp khác. Vì vậy, kết quả áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải được thông báo công khai, chính thức cho các đối tượng có liên quan.

+ Quyết định áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải được các đối tượng có liên quan tôn trọng và được bảo đảm thực hiện trên thực tế. Tuỳ thuộc vào từng trường hợp mà các quyết định áp dụng quy phạm pháp luật hành chính phải được các đối tượng có liên quan tôn trọng, chấp hành hay cần được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Ví dụ: Nếu cá nhân vi phạm hành chính bị phạt tiền đã tự nguyện nộp phạt theo quy định của pháp luật thì Nhà nước chỉ có trách nhiệm thu và sử dụng khoản tiền phạt đó theo đúng quy định của pháp luật mà không phải tổ chức cưỡng chế nộp phạt.

Tổng hợp từ giáo trình Luật Hành chính – Đại học Luật Hà Nội

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây