Khái niệm, mục đích và nguyên tắc của khám xét

0
28

Khám xét chính là sự tìm tòi, lục soát cưỡng chế của cơ quan điều tra trên những đối tượng do luật tố tụng hình sự quy định. Bài viết dưới đây sẽ phân tích cụ thể cho bạn đọc hiểu rõ về khái niệm, mục đích nguyên tắc của khám xét trong hoạt động điều tra hình sự.

Khám xét

1 – Khái niệm

Khám xét là biện pháp điều tra được tiến hành bằng cách tìm tòi, lục soát cưỡng chế người, chỗ ở, địa điểm, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm nhằm phát hiện, thu giữ công cụ, phương tiện phạm tội; đồ vật, tài sản do phạm tội mà có, đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án hoặc phát hiện xác chết hay người đang bị truy nã, người bị bắt cóc.

Để thực hiện hành vi phạm tội, thủ phạm thường phải sử dụng những công cụ, phương tiện phạm tội khác nhau. Bằng việc thực hiện hành vi phạm tội, thủ phạm có thể chiếm đoạt được một số đồ vật, tài sản nhất định. Sau khi phạm tội, thủ phạm thường dùng nhiều thủ đoạn để che giấu hành vi đó hoặc trốn tránh pháp luật. Địa điểm mà chúng sử dụng để che giấu tội phạm hoặc lẩn trốn rất đa dạng. Đó có thể là trong người, chỗ ở, nơi làm việc của chúng hoặc ở địa điểm khác. Những đồ vật, tài sản do phạm tội mà có, đồ vật, tài liệu khác hoặc công cụ, phương tiện phạm tội v.v. chính là những chứng cứ về hành vi phạm tội của bị can, đòi hỏi phải được phát hiện, thu thập kịp thời, phục vụ việc điều tra, xử lý vụ án. Để đạt được mục đích trến, cơ quan điều tra cần tiến hành biện pháp điều tra phù hợp – đó là khám xét.

Bản chất của khám xét chính là sự tìm tòi, lục soát cưỡng chế của cơ quan điều tra trên những đối tượng do luật tố tụng hình sự quy định (Điều 192 Bộ luật tố tụng hình sự). Những đối tượng đó có nghĩa vụ phải chấp hành các yêu cầu của lực lượng tiến hành khám xét và nếu có hành động cản trở hoặc chống lại thì sẽ phải chịu những hậu quả pháp lý nhất định.

Khái niệm, mục đích và nguyên tắc của khám xét

2 – Mục đích của khám xét

(i) Phát hiện, thu thập những tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa đối với công tác điều tra

Khi tiến hành khám xét ở những đối tượng khác nhau, cơ quan điều tra có thể phát hiện, thu thập được những tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa đối với công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự như vũ khí, công cụ, phương tiện phạm tội, những tài sản bị bọn tội phạm chiếm đoạt, những vật mang dấu vết tội phạm, những mẫu vật để nghiên cứu so sánh, những giấy tờ, tài liệu khác có liên quan đến vụ án. Những tài liệu, chứng cứ đó là cơ sở để cơ quan điều tra vạch kế hoạch, phương hướng, điều tra tiếp theo, tổ chửc các biện pháp điều tra phù hợp.

(ii) Phát hiện, thu giữ những đồ vật, tài sản phục vụ cho việc bồi thường thiệt hại hoặc những đồ vật, tài liệu thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành

Trong quá trình khám xét, cần chú ý phát hiện và thu giữ những vật là đối tượng của tội phạm hoặc những đồ vật, tài sản do mua bán, đổi chác những vật đó mà có, phục vụ cho việc thi hành án sau này. Ngoài ra, khi tiến hành khám xét, nếu phất hiện được những đồ vật thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành như tài liệu phản động, văn hóa phẩm đồi trụy, vũ khí quân dụng, chất nổ, chất cháy, chất phóng xạ… thì phải thu giữ và chuyển ngay cho cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Xem thêm: Lấy lời khai của người làm chứng

(iii) Phát hiện bọn tội phạm đang có lệnh truy nã, xác chết hoặc người bị bắt cóc

Trong một số trường hợp, khám xét được tiến hành tại chỗ ở, địa điểm, chỗ làm việc của đối tượng nhằm mục đích phát hiện người đang bị truy nã, tử thi hoặc các phần của nó hay những người bị bắt cóc đang bị giam giữ.

Khái niệm, mục đích và nguyên tắc của khám xét
Khám xét

3 – Nguyên tắc của khám xét

(i) Nghiêm chỉnh tuân theo pháp luật

Điều 20 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm”. Tiếp đó, Điều 21, 22 bản Hiến pháp này quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở”.

Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu người đó không đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

Thư tín, điện thoại, điện tín của công dân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc khám xét chỗ ở, việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện tín của công dân phải do người có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín là một trong những quyền cơ bản của công dân được pháp luật bảo hộ. Trong khi đó, đối tượng của hoạt động khám xét là người, chỗ ở, địa điểm, thư tín, điện tín. Do đó, khi tiến hành hoạt động này, cơ quan điều tra cần triệt để tuân theo pháp luật, không được xâm phạm các quyền cơ bản của công dân.

Để thực hiện tốt nguyên tắc trên, khi tiến hành khám xét, cơ quan điều tra cần chú ý:

– Chỉ được tiến hành khám xét khi có căn cứ theo quy định của pháp luật.

Căn cứ để tiến hành khám xét là những tài liệu, chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được thông qua các hoạt động điều ưa hoặc các biện pháp trinh sát. Các tài liệu này phải được kiểm tra, xác minh, đảm bảo đáng tin cậy. Qua những tài liệu đó, có đủ cơ sở để nhận định rằng ở những nơi định khám xét đang cất giấu các vật chứng, đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án hoặc ở đó có đối tượng đang bị truy nã lẩn trốn, xác chết hoặc các phần của nó, người bị bắt cóc.

– Phải tuân thủ những quy định của Luật tố tụng hình sự về thẩm quyền ra lệnh khám xét.

Thẩm quyền ra lệnh khám xét trong các trường hợp (bình thường và không thể trì hoãn) được quy định chặt chẽ và cụ thể trong Điều 193 Bộ luật tố tụng hình sự. Vì vậy, trong mọi trường hợp, việc khám xét chỉ được tiến hành khi có lệnh của những người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, “cớ thể tiến hành khám người mà không cần có lệnh trong trường hợp bắt người hoặc khi có căn cứ để khẳng định người có mặt tại nơi khám xét giấu trong người những đồ vật, tài liệu cần thu giữ” (khoản 3 Điều 194 Bộ luật tố tụng hình sự). Đó là những trường hợp ngoại lệ.

– Khi tiến hành khám xét phải tuân theo những quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục khám xét các đối tượng cụ thể được quy định tại các điều từ Điều 194 đến Điều 200 Bộ luật tố tụng hình sự.

– Trong quá trình khám xét, những người thi hành lệnh khám xét không được có những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của công dân.

Xem thêm: Phân tích khái niệm và phân loại thực nghiệm điều tra

Xem thêm:  Đi thực tế xem xét, thẩm định tại cho thực nghiệm điều tra 

(ii) Bảo đảm yêu cầu về nghiệp vụ

Hoạt động khám xét phải bảo đảm yêu cầu về nghiệp vụ là bí mật, bất ngờ. Đây là nhân tố cơ bản để hoạt động khám xét đạt được mục đích của mình. Khi yêu cầu này được thực hiện nghiêm chỉnh, thủ phạm sẽ không có điều kiện để che giấu, tiêu hủy chứng cứ hoặc chạy trốn. Để đạt được yêu cầu trên, cơ quan điều tra phải giữ bí mật chủ trương, kế hoạch khám xét, việc chuẩn bị, triển khai các lực lượng bao vây, giám sát và tạo được yếu tố bất ngờ khi xuất hiện ở nơi cần khám xét.

Ngoài ra, trong quá trình khám xét, cơ quan điều tra không được để lộ bí mật những phương tiện và biện pháp nghiệp vụ đã được áp dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trước mắt cũng như lâu dài.

Tổng hợp từ Giáo trình Khoa học điều tra hình sự – Đại học Luật Hà Nội

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây