Mục đích của thực nghiệm điều tra

0
38

Mục đích của thực nghiệm điều tra

       Thực nghiệm điều tra có một số đặc điểm dễ làm cho nó bị nhầm lẫn với những biện pháp điều tra khác được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự như nhận dạng, giám định… Vì vậy, trong thực tế áp dụng, cần phân biệt rõ ranh giới giữa các biện pháp điều tra đó để tránh trường hợp thay thế một biện pháp điều tra này bằng một biện pháp điều tra khác khi giải quyết một vấn đề nhất định đặt ra trong công tác điều tra. 

1 – Khái niệm thực nghiệm điều tra

       Thực nghiệm điều tra là biện pháp điều tra được tiến hành thông qua các hoạt động thí nghiệm, thực nghiệm đặc biệt trong điều kiện tương tự như điều kiện mà hành vi, sự việc, hiện tượng cần kiểm tra, xác minh đã diễn ra trước đây để có cơ sở khách quan kết luận về hành vi, sự việc, hiện tượng đó phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự.

        Đối với những tài liệu, tình tiết đã thu thập được trong giai đoạn điều tra nhưng chưa xác định được tính khách quan và mức độ tin cậy của chúng, cơ quan điều tra có thể tổ chức thực nghiệm điều tra để kiểm tra, xác minh những tài liệu, tình tiết đó.

       Bản chất của thực nghiệm điều tra là tiến hành các hoạt động thí nghiệm, thực nghiệm đặc biệt. Cơ sở để tổ chức các hoạt động đó là lời khai của những người tham gia tố tụng như bị can, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng hay giả thuyết điều tra của điều tra viên về hành vi, sự việc, hiện tượng cần kiểm ưa, xác minh. Căn cứ vào lời khai của họ và các tài liệu đã thu thập được, cơ quan điều tra có thể xác định được loại thực nghiệm điều tra cần tổ chức, mục đích cụ thể cần đạt được cũng như các điều kiện cụ thể cần tái tạo để tiến hành, hoạt động này.

Quản lý nhà nước về đối ngoại

Xem thêm:  Đi thực tế xem xét thẩm định tại chỗ, thực nghiệm điều tra 

Xem thêm: Phân tích khái niệm và phân loại thực nghiệm điều tra

2 – Mục đích của thực nghiệm điều tra

[1] Kiểm tra những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được về vụ án

         Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, có thể áp dụng nhiều phương pháp để kiểm tra chứng cứ như: So sánh chúng với nhau, thu thập chứng cứ mới, nghiên cứu nhân thân của bị can, người làm chứng v.v.. Chứng cứ cũng có thể kiểm tra bằng con đường thử nghiệm – một hình thức “thử thách” để xác định giá trị thực của chúng. Trong thực tế điều tra, thực nghiệm điều tra được sử dụng rộng rãi như là một phương tiện hữu hiệu để kiểm tra chứng cứ. Qua thực nghiệm điều tra, điều tra viên có thể xác định được mức độ tin cậy và giá trị xác thực của những tình tiết được phản ánh trong lời khai của những người tham gia tố tụng như bị can, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng hoặc của những vật chứng khác nhau đã thu thập được trong quá trình điều tta vụ án.

[2] Kiểm tra và đánh giá các giả thuyết điều tra

       Khi tiến hành thực nghiệm điều tra để kiểm tra các giả thuyết điều tra, điều tra viên không nhằm mục đích kiểm tra chứng cứ riêng lẻ nào đó hoặc tổng hợp các chứng cứ đã thu thập được mà kiểm tra những nhận định, phán đoán hoặc những giải thích của mình được xây dựng dựa trên những chứng cứ đó hoặc những tài liệu trinh sát đã thu thập được.

[3] Thu thập những tài liệu, chứng cứ mới

       Thực nghiệm điều tra là một biện pháp điều tra trong tố tụng hình sự. Vì vậy, cũng như các biện pháp điều tra khác được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự, nó cũng được sử dụng như là một phương tiện để thu thập chứng cứ.(1)

        Kết quả của thực nghiệm điều tra khẳng định hoặc phủ định sự tồn tại của một tình tiết nào đó trong vụ án hình sự, khẳng định hoặc phủ định những nhận định, phán đoán (giả thuyết) của điều tra viên về vụ án nói chung và về các tình tiết cụ thể của nó. Những tình tiết đã được kiểm tra, những đồ vật, tài liệu được phát hiện có thể trở thành chứng cứ trong vụ án đó. Kết quả thực nghiệm điều tra thường không tạo ra chứng cứ mới mà chỉ phát hiện ra và xác lập chúng.

[4] Phát hiện những nguyên nhân và điều kiện phạm tội, đề xuất các biện pháp phòng ngừa

       Kết quả thực nghiệm điều tra giúp cơ quan điều tta phát hiện được những nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện hành vi phạm tội. Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra sẽ yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp về tổ chức hoặc kỹ thuật để khắc phục và ngăn ngừa, không cho những vụ án tương tự xảy ra.

Tổng hợp từ nguồn: Giáo trình Khoa học điều tra hình sự – Đại học Luật Hà Nội

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây