Những tình huống cơ bản dẫn đến điều tra vụ án hình sự

0
20

Những tình huống cơ bản dẫn đến điều tra vụ án hình sự

Bối cảnh được tạo nên bởi các yếu tố khách quan mà trong đó một cuộc điều tra hay một giai đoạn điều ưa hoặc một hoạt động điều tra diễn ra vào một thời điểm nhất định gọi là tình huống điều tra. Tình huống điều tra rất đa dạng, phong phú và hết sức phức tạp trên nhiều phương diện khác nhau. Dưới đây là một số tình huống cơ bản dẫn đến điều tra vụ án hình sự. Những tình huống này không chỉ có ý nghĩa điều chỉnh công tác điều tra trong giai đoạn đầu mà suốt cả toàn bộ quá trình điều tra vụ án.

1 – Tổ chức điều tra vụ án mà trước đó có tiến hành các hoạt động nghiệp vụ

Hoạt động nghiệp vụ ở đây được hiểu theo nghĩa rộng là hoạt động của cơ quan công an, của Viện Kiểm sát, của thanh tra Nhà nước và của các cơ quan, đơn vị khác có khả năng phát hiện, thu thập tài liệu về vụ án đã xảy ra.

Với tình huống điều tra này thường có những khó khăn và thuận lợi đối với việc điều tra toàn bộ vụ án như:

Bước vào cuộc điều tra, cơ quan điều tra đã có một số lượng tài liệu trinh sát nhất định làm cơ sở cho việc điều tra vụ án. số lượng tài liệu, chứng cứ ít hay nhiều tuỳ thuộc vào hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên ít nhất đã có đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố một hoặc một số bị can trong vụ án, áp dụng một số biện pháp ngăn chặn, xây dựng kế hoạch và nêu giả thuyết điều tra.

Vì đã có các hoạt động nghiệp vụ trước và tài liệu, chứng cứ do các hoạt động này thu được nên phải tính đến trong quá trình điều tra việc củng cố, hợp pháp hoá các tài liệu đó, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để phối hợp chặt chẽ với những cơ quan đơn vị đã tiến hành các hoạt động nghiệp vụ trước đó. Nhờ các hoạt động nghiệp vụ đã được tiến hành trước cho nên có thể thu hẹp các giả thuyết điều tra, chủ yếu là các giả thuyết điều tra cơ bản. Do vậy, giảm bớt được số lượng các hoạt động điều tra và các hoạt động bổ trợ. Mặt khác chủ động thực hiện có kế hoạch mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng và các biện pháp trong quá trình điều tra.

Xem thêm: Kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự

Xem thêm: Khái niệm và trình tự tổ chức điều tra vụ án hình sự 

2 – Tổ chức điều tra vụ án đột xuất xảy ra

Trong thực tiễn, cơ quan điều tra thường tiến hành điều tra những vụ án mà trước đó chưa có hoạt động nghiệp vụ của các cơ quan chức năng. Điều tra những vụ án như thế được gọi là điều tra các vụ án xảy ra đột xuất. Điều tra các vụ án xảy ra đột xuất trong thực tiễn chiếm một tỷ lệ khá lớn. Những vụ án này thường rơi vào trường hợp phạm tội quả tang hay trường hợp tội phạm đã xảy ra, sau đó quần chúng phát hiện và báo cho cơ quan điều tra biết… Những vụ án loại này thường xảy ra hai khả năng:

  • Có sự kiện phạm tội xảy ra song chưa phát hiện được ai là kẻ gây án;

–  Có sự kiện phạm tội xảy ra, đã phát hiện ra kẻ gây án.

Do có tình huống đột xuất nên tổ chức điều tra những vụ án loại này thường có những đặc điểm sau:

Số lượng tài liệu ban đầu làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch điều tra, đặt giả thuyết điều tra và tiến hành các hoạt động điều tra rất ít ỏi, đặc biệt là những tài liệu về nhân thân kẻ có hành vi phạm tội.

Ngay từ đầu đã phải áp dụng hàng loạt các hoạt động cấp bách để thu thập tài liệu, xử lý tình huống cụ thể. Do số lượng các giả thuyết nhiều nên số lượng các hoạt động điều tra và các hoạt động khác rất lớn. Trong trường hợp bắt giữ được đối tượng gây án thì hỏi người bị bắt là công việc cấp bách và rất quan trọng.

Mức độ chủ động trong công tác điều tra bị hạn chế, nhất là tổ chức mối quan hệ phối hợp trong quá trình điều tra.

Thường có điều tra tại hiện trường và khám nghiệm hiện trường trong giai đoạn đầu tổ chức điều tra vụ án. Trong một số trường hợp có thể phải tổ chức truy tìm thủ phạm gây án, lục soát hàng loạt địa điểm, tìm kiếm tử thi.

Nguồn: Giáo trình khoa học điều tra hình sự – Đại học Luật Hà Nội.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây