Những yếu tố ảnh hưởng đến sự hiểu biết của người làm chứng và quá trình lấy lời khai của họ

0
30

Quá trình nhận thức của người làm chứng trải qua 2 giai đoạn: giai đoạn tri giác (hiểu biết về sự việc phạm tội xảy ra) và giai đoạn khai báo trước cơ quan điều tra. Mức độ chính xác, đầy đủ, cụ thể của mỗi giai đoạn nhận thức đều chịu sự tác động, ảnh hưởng của các yếu tố chủ quan và khách quan khác nhau.

1 – Khái niệm người làm chứng

Người làm chứng là người biết được những tình tiết của vụ án đang điều tra, được cơ quan có thấm quyền tiến hành lấy lời khai về những hiểu biết đó của họ theo đúng trình tự, thủ tục mà luật tổ tụng hình sự quy định.

Yếu tố ảnh hưởng đến sự hiểu biết của người làm chứng

2 – Những yếu tố ảnh hưởng đến sự hiểu biết của người làm chứng và quá trình lấy lời khai của họ

(i) Những yếu tố ảnh hưởng đến sự hiểu biết của người làm chứng

– Những yếu tố chủ quan:

+ Mức độ nhạy cảm của các giác quan của người làm chứng khi tri giác sự việc phạm tội.

+ Tình trạng sức khoẻ của người làm chứng khi tri giác sự việc phạm tội.

+ Trạng thái tâm lý của người làm chứng khi tri giác sự kiện (tri giác trong trạng thái tâm lý bình tĩnh hay hoảng sợ, tức giận; tri giác có chủ định hay không chủ định; có tập trung chú ý khi tri giác hay không…)

+ Khả năng nhận thức, trình độ hiểu biết của người làm chứng về đối tượng tri giác.

– Những yếu tố khách quan:

+ Độ dài thời gian người làm chứng tri giác sự việc phạm tội xảy ra (tri giác được trong bao lâu).

+ Độ dài khoảng cách giữa người làm chứng với đối tượng cần tri giác trong quá trình họ tri giác sự việc phạm tội.

+ Điều kiện thời tiết thuận lợi hay không thuận lợi cho việc tri giác của người làm chứng đối với sự việc phạm tội xảy ra (như: đủ hay thiếu ánh sáng; trời quang đãng hay sương mù, mưa, gió, bão; môi trường âm thanh…).

+ Tính chất, đặc điểm của sự kiện mà người làm chứng đã tri giác: Đơn giản hay phức tạp; phạm vi rộng hay hẹp; số lượng các tình tiết; mức độ nguỵ trang của người phạm tội… (Chẳng hạn sự kiện một người cầm dao hành hung một người khác sẽ đơn giản hơn sự kiện một vụ gây rối hoặc khủng bố do nhiều người tham gia và diễn ra trong một phạm vi rộng; các đối tượng thực hiện tội phạm với phương thức, thủ đoạn tinh vi…).

Những yếu tố chủ quan và khách quan nêu trên mới chỉ ảnh hưởng đến sự hiểu biết của người làm chứng về sự việc phạm tội xảy ra. Còn sự hình thành lời khai, thiện chí tham gia vào quá trình điều tra, khả năng khai báo sự thật của người làm chứng lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác của quá trình lấy lời khai người làm chứng.

(ii) Những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình lấy lời khai người làm chứng

Sau khi tri giác sự việc phạm tội xảy ra, người làm chứng trải qua giai đoạn nhớ lại và khai báo với cơ quan điều tra. Kết quả nhớ lại và khai báo thành lời (cung cấp các thông tin) của người làm chứng phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố sau đây:

– Những yếu tố chủ quan:

+ Năng lực trí nhớ của người làm chứng.

Xem thêm: Phân tích khái niệm và phân loại thực nghiệm điều tra

Xem thêm:  Đi thực tế xem xét, thẩm định tại cho thực nghiệm điều tra 

Ảnh minh họa

Năng lực trí nhớ của người làm chứng có quan hệ chặt chẽ với kết quả khai báo của người làm chứng. Nếu người làm chứng có năng lực trí nhớ tốt, nhớ đầy đủ, chính xác, lâu bền các thông tin đã thu nhận được về vụ án thì chắc chắn lời khai của người làm chứng (những thông tin mà họ cung cấp) sẽ có giá trị tin cậy.

+ Sự tham gia của nhân tố tư duy trong quá trình khai báo của người làm chứng.

Tư duy tham gia phân tích, tổng hợp các thông tin thu nhận được, so sánh, đối chiếu với những thông tin khác, với những kinh nghiệm đã có của bản thân, đi đến những phán đoán, suy lý và đưa ra những kết luận nào đó về các tình tiết của sự việc phạm tội đã xảy ra.

Như vậy, tư duy vừa tham gia tạo dựng tính logic của lời khai, trên cơ sở những tư liệu đã lưu giữ được trong trí nhớ của người làm chứng về vụ án, vừa tham gia vào nội dung lời khai của người làm chứng ở một mức độ nhất định. Đặc biệt là khi người làm chứng đưa ra những phán đoán, suy lý nào đó về vụ án xảy ra.

+ Trạng thái tâm lý của người làm chứng khi khai báo với cơ quan điều tra.

Người làm chứng khai báo với cơ quan điều tra thường trong 2 loại trạng thái tâm lý nổi bật sau đây:

  • Trạng thái tâm lý bình tĩnh, thoải mái, sẵn sàng làm chứng.

Với trạng thái tâm lý này, người làm chứng có điều kiện tự giác huy động mọi khả năng của trí nhớ để nhở lại sự việc phạm tội đã xảy ra, khai báo đầy đủ, cụ thể, chi tiết, logic, ít bị quên.

  • Trạng thái tâm lý hồi hộp, lo lắng, hoặc khó chịu, không hài lòng, không yên tâm khai báo.

Trạng thái tâm lý này ảnh hưởng không tốt đến quá trình giao tiếp và khai báo của người làm chứng với cơ quan điều tra. Không khí giao tiếp sẽ không tự nhiên, dễ tẻ nhạt hoặc có khi căng thẳng. Người làm chứng dễ bị lúng túng, khai báo hay bị quên, thiếu logic hoặc chần chừ, do dự… hạn chế kết quả khai báo.

+ Động cơ khai báo của người làm chứng về sự việc phạm tội đã xảy ra.

+ Khả năng trình bày hiểu biết của người làm chứng về vụ án.

+ Thái độ, quan điểm của người làm chứng về vụ án và kẻ phạm tội (đồng tình, bàng quan hay phản đối).

– Những yếu tố khách quan:

+ Khoảng thời gian từ khi người làm chứng tri giác sự việc phạm tội đến khi họ trình bày với cơ quan điều tra.

+ Tác động của điều tra viên trong quá trình lấy lời khai người làm chứng.

+ Tính chất và mức độ liên quan của người làm chứng đối với vụ án (với tội phạm đã xảy ra, với bị can, với người bị hại). Mức độ liên quan này sẽ chi phối trực tiếp các động cơ thúc đẩy hoặc kìm hãm người làm chứng khai báo.

+ Đặc điểm nhân thân của người làm chứng trong mối liên hệ với việc làm chứng của họ (quốc tịch, dân tộc, tuổi, trình độ, nghề nghiệp…).

+ Hoàn cảnh, điều kiện sống, làm việc, học tập của người làm chứng trong quá trình lấy lời khai.

Tổng hợp từ Giáo trình Khoa học điều tra hình sự – Đại học Luật Hà Nội

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây