Phân tích nhiệm vụ của điều tra viên trong giai đoạn chuẩn bị trưng cầu giám định

0
21

Phân tích nhiệm vụ của điều tra viên trong giai đoạn chuẩn bị trưng cầu giám định

Trưng cầu giám định được thực hiện trong quá trình thu thập chứng cứ giải quyết vụ án hình sự, kết quả trưng cầu giám định có ý nghĩa quan trọng trong việc chứng minh tội phạm. Trong giai đoạn chuẩn bị trưng cầu giám định, điều tra viên cần thực hiện những công việc sau:

1 – Nghiên cứu, tổng hợp toàn bộ những nguồn tài liệu, thông tin có liên quan; trực tiếp xem xét, nghiên cứu tài liệu, vật chứng, dấu vết, mẫu vật đã thu được

Yêu cầu của việc nghiên cứu là:

  • Xác định những yêu cầu điều tra cần phải giải quyết bằng giám định.
  • Sơ bộ đánh giá về số lượng, chất lượng tài liệu, vật chứng, dấu vết thu thập được xem có đủ yếu tố giám định không và những thông tin có thể khai thác được; xem xét mức độ đầy đủ về số lượng, chất lượng đối với tài liệu mẫu, vật mẫu trong trường hợp cần giám định so sánh.
  • Xác định thông tin, tài liệu có liên quan cung cấp cho giám định viên.
  • Nghiên cứu những nội dung liên quan về thể loại trưng cầu giám định và xác định những yêu cầu giám định cần đặt ra.
  • Xác định những công việc phải làm thêm, như thu thập thêm vật chứng, dấu vết, mẫu vật… để khẩn trương thực hiện.

2 – Nêu yêu cầu giám định

Khi nêu yêu cầu giám định, phải dựa vào các căn cứ sau:

  • Những vấn đề cần làm rõ của yếu tố cấu thành tội phạm và các giả thuyết điều tra;
  • Khả năng của cơ quan điều tra trong việc đảm bảo cung cấp cho tổ chức giám định tư pháp những tài liệu, vật chứng, dấu vết có đủ yếu tố để giám định; mức độ đầy đủ của tài liệu mẫu, vật mẫu theo yêu cầu giám định so sánh; những điều kiện tối thiểu khác cần đảm bảo cho công tác giám định;
  • Điều kiện, khả năng thực tế của tổ chức giám định tư pháp và của người giám định (năng lực, trình độ, phương tiện…).

Yêu cầu giám định được đặt ra dưới dạng câu hỏi và cần tuân theo những quy tắc sau:

  • Câu hỏi đặt ra phải rõ ràng, cụ thể, dứt khoát, tránh dài dòng, thiếu chuẩn xác có thể gây nhầm lẫn.
  • Câu hỏi đặt ra phải thích đáng, phù hợp, không vượt quá giới hạn lĩnh vực chuyên môn giám định, nhung cần tận dụng những khả năng cao nhất của tồ chức giám định và người giám định.
  • Chỉ được đặt ra những câu hỏi về chuyên môn, không được yêu cầu tổ chức giám định và người giám định giải quyết các câu hỏi thuộc nhiệm vụ của điều tra viên.
  • Các câu hỏi phải được sắp xếp theo thứ tự hợp lý và có thể được tiếp tục bổ sung dựa trên những vấn đề mới do người giám định phát hiện trong quá trình giám định.
  • Khi đặt ra những câu hỏi về chuyên môn, cần tính đến thời gian, hiệu quả, chi phí… của quá trình giám định.

Xem thêm:  Đi thực tế xem xét, thẩm định tại cho thực nghiệm điều tra 

Xem thêm: Điều kiện chiến thuật của thực nghiệm điều tra 

3 – Lựa chọn, xác định người, tổ chức giám định tư pháp

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức giám định tư pháp mà lựa chọn, xác định tổ chức giám định tư pháp phù hợp. Bên cạnh đó, có thể lựa chọn, xác định tổ chức chuyên môn khác có đủ điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc thực hiện giám định. Trong trường hợp khả năng chuyên môn, điều kiện về trang thiết bị, phương tiện giám định của tổ chức giám định tư pháp, tổ chức chuyên môn, người giám định tư pháp trong nước không đáp ứng được yêu cầu giám định, thì cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng cấp trung ương của mình quyết định việc trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định nước ngoài. Việc trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định nước ngoài được thực hiện thông qua Bộ Tư pháp.

Việc lựa chọn người giám định tư pháp thường chỉ được đặt ra trong trường hợp cần trưng cầu đích danh giám định viên tư pháp hoặc trưng cầu người làm giám định tư pháp ở những ngành không có tổ chức giám định tư pháp. Khi lựa chọn người giám định tư pháp, cơ quan điều tra cần dựa vào những tiêu chuẩn mà pháp luật quy định về phẩm chất chính trị, trình độ nghiệp vụ chuyên môn và về thâm niên công tác nghiệp vụ chuyên môn của giám định viên tư pháp.

4 – Chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho giám định tư pháp

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan điều tra có trách nhiệm chuẩn bị một số điều kiện cần thiết cho việc giám định tư pháp. Thông thường, phải đảm bảo các điều kiện sau:

  • Quyết định trưng cầu giám định đúng thủ tục pháp lý.
  • Vật chứng, dấu vết, tài liệu, mẫu so sánh, mẫu chuẩn đảm bảo về số lượng, chất lượng theo yêu cầu giám định.
  • Tập hợp chính xác những thông tin cần thiết cho yêu cầu giám định.
  • Trong trường hợp cần thiết, chuẩn bị điều kiện để ngườị giám định nghiên cứu, thí nghiệm tại hiện trường hoặc những nơi khác ngoài trụ sở tổ chức giám định.
  • Dự trù kinh phí để giám định tư pháp và chi trả phụ cấp cho người giám định theo quy định của pháp luật.

Tổng hợp từ nguồn: Giáo trình Khoa học điều tra hình sự – Trường đại học Luật Hà Nội

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây