Phân loại người làm chứng trong tố tụng hình sự

0
32

Phân loại người làm chứng nhằm xác định những người nào có thể lấy lời khai của họ với tư cách người làm chứng; cũng như định hướng việc lựa chọn phương pháp, chiến thuật lấy lời khai thích hợp, đạt hiệu quả cao.

1 – Khái niệm người làm chứng

Người làm chứng là người biết được những tình tiết của vụ án đang điều tra, được cơ quan có thấm quyền tiến hành lấy lời khai về những hiểu biết đó của họ theo đúng trình tự, thủ tục mà luật tổ tụng hình sự quy định.

Phân loại người làm chứng

2 – Phân loại người làm chứng

Phân loại người làm chứng phải dựa trên những căn cứ thống nhất và khoa học nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và đưa ra những chỉ dẫn về phương pháp, chiến thuật lấy lời khai người làm chứng.

Phân loại người làm chứng có thể theo các căn cứ sau đây:

(i) Căn cứ vào tình huống tri giác của người làm chứng đổi với sự việc phạm tội có thể chia người làm chứng thành 3 loại:

– Người làm chứng trực tiếp tri giác sự việc phạm tội, nhưng không liên quan đến sự việc phạm tội.

Đây là tình huống người làm chứng trực tiếp phát hiện, tri giác hành vi phạm tội diễn ra, nhưng không đụng chạm đến đối tượng gây án, người bị hại và các phương tiện, tài liệu… của vụ án và người làm chứng hoàn toàn không liên quan tới tội phạm đã xảy ra.

– Người làm chứng trực tiếp tri giác sự việc phạm tôi và có can dự, dính líu đến sự việc phạm tội.

Tình huống này thường xảy ra trong 2 trường hợp cụ thể:

+ Người làm chứng phát hiện thấy sự việc phạm tội xảy ra và bằng nỗ lực của mình, họ tiến hành ngăn chặn tội phạm, bắt đối tượng gây án, làm hạn chế hậu quả của hành vi phạm tội.

+ Người làm chứng có hành vi liên quan tới tội phạm ở mức độ nhất định nhưng chưa hoặc không bị khởi tố bị can của vụ án.

– Người làm chứng gián tiếp biết sự việc phạm tội.

Tình huống này thường xảy ra trong 3 trường hợp cụ thể:

+ Người làm chứng có mặt ngay sau khi sự việc phạm tội diễn ra, vì vậy họ tri giác được sự việc phạm tội thông qua các dấu vết tồn tại ở hiện trường.

+ Người làm chứng biết được sự việc phạm tội qua người khác kể lại.

+ Người làm chứng biết được sự việc phạm tội qua các phương tiện thông tin (như báo, đài, băng, đĩa ghi âm, ghi hình…).

Xem thêm: Phân tích khái niệm và phân loại thực nghiệm điều tra

Xem thêm:  Đi thực tế xem xét, thẩm định tại cho thực nghiệm điều tra 

Phân loại người làm chứng

(ii) Căn cứ vào độ tuổi có thể chia người làm chứng thành 2 loại:

– Người làm chứng chưa đủ 16 tuồi (người làm chứng là trẻ em).

– Người làm chứng từ đủ 16 tuổi trở lên (người làm chứng là người lớn).

(iii) Căn cứ vào quốc tịch, có thể chia người làm chứng thành hai loại:

– Người làm chứng là công dân Việt Nam (Có quốc tịch Việt Nam).

– Người làm chứng là người nước ngoài (không có quốc tịch Việt Nam).

(iv) Căn cứ vào đặc điểm ngôn ngữ

Có thể chia người làm chứng thành 2 loại:

– Người làm chứng biết tiếng Việt Nam (Có thể là người Việt Nam hoặc người nước ngoài).

– Người làm chứng không biết tiếng Việt Nam (có thể là người Việt Nam hoặc người nước ngoài).

(v) Căn cứ vào mối quan hệ xã hội của người làm chứng với bị can hay với người bị hại có thể chia người làm chứng thành 2 loại:

– Người làm chứng có quan hệ thân thuộc hoặc ràng buộc với bị can hay người bị hại.

– Người làm chứng không có quan hệ thân thuộc hoặc ràng buộc với bị can hay người bị hại.

Quan hệ xã hội có thể là quan hệ về mặt tình cảm (như vợ chồng, cha con, anh em, bạn bè thân thiết); quan hệ về mặt kinh tế, quan hệ công tác, quan hệ trên các hoạt động tôn giáo (như quan hệ giữa linh mục với các con chiên, giữa người là chức sắc Phật giáo với các tăng ni, tín đồ phật tử…).

Phân loại người làm chứng
Secretary woman posting on office workplace.

Người có quan hệ thân thuộc hoặc ràng buộc với bị can thì thường khai báo theo hướng có lợi cho bị can như từ chối khai báo, khai báo gian dối, khai báo nhỏ giọt, giấu diếm, bao che cho hành vi phạm tội của bị can. Ngược lại, người có quan hệ thân thuộc hoặc ràng buộc với người bị hại thì thường khai báo theo hướng có lợi cho người bị hại như “thổi phồng” hành vi phạm tội của bị can, “thổi phồng” mức độ thiệt hại của người bị hại để mong muốn được bù đắp…

(vi) Căn cứ vào trình độ văn hoá và hiểu biết xã hội của người làm chửng có thể chia người làm chứng thành 3 loại:

– Người làm chứng bị mù chữ.

– Người làm chứng có trình độ văn hóa và hiểu biết xã hội thấp.

– Người làm chứng có trình độ văn hoá và hiểu biết xã hội cao.

(vii) Căn cứ vào đặc điểm thể chất và tâm thần của người làm chứng có thể chia người làm chứng thành 2 loại:

– Người làm chứng bình thường về thể chất và tâm thần.

– Người làm chứng có khuyết tật về thể chất và tâm thần (nhưng vẫn có khả năng làm chứng).

(viii) Căn cứ vào đặc điểm nghề nghiệp của người làm chứng có thể chia người làm chứng thành 2 loại:

– Người làm chứng bị ràng buộc bởi các yếu tố về thời gian và các quy tắc nghề nghiệp (Do đặc điểm nghề nghiệp nên họ không có thời gian làm chứng, hoặc việc làm chứng của họ sẽ gây ra những tổn thất nhất định cho họ hay cho tổ chức mà họ là thành viên…).

– Người làm chứng không bị ràng buộc bởi các yếu tố về thời gian và các quy tắc nghề nghiệp.

Tổng hợp từ Giáo trình Khoa học điều tra hình sự – Đại học Luật Hà Nội

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây