Khái quát chung về đánh giá kết quả và sử dụng kết quả giám định

0
22

Khái quát chung về đánh giá kết quả và sử dụng kết quả giám định

Trưng cầu giám định được thực hiện trong quá trình thu thập chứng cứ giải quyết vụ án hình sự, kết quả trưng cầu giám định có ý nghĩa quan trọng trong việc chứng minh tội phạm. Khi có kết quả, cần có phương pháp đánh giá và sử dụng kết quả giám định phù hợp để đạt được hiệu quả.

1 – Đánh giá kết quả giám định

Việc đánh giá kết quả giám định được tiến hành theo hai bước:

Bước 1: Đánh giá riêng đối với bản kết luận giám định.

Khi đánh giá riêng về tính đúng đắn và hoàn chỉnh của bản kết luận giám định phải dựa vào các căn cứ sau đây:

  • Vật chứng, dấu vết, mẫu so sánh đảm bảo yêu càu pháp lý và kỹ thuật.
  • Các phương pháp, phương tiện giám định là đúng đắn, chính xác, thích hợp.
  • Những kết quả thu được trong quá trình giám định đủ tin cậy.
  • Những mâu thuẫn tồn tại được giải thích hợp lý.
  • Những cơ sở để kết luận là đủ và có căn cứ khoa học.
  • Bản kết luận giám định được trình bày một cách khoa học thể hiện trên các mặt: bố cục chặt chẽ, ngôn ngữ chính xác, dễ hiểu.

Ngoài ra, cơ quan điều tra còn cần lưu ý về giá trị pháp lý của bản kết luận giám định.

Bước 2: Đánh giá kết quả giám định trong mối quan hệ với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được.

Sau khi đánh giá riêng bản kết luận giám định, cơ quan điều tra tiến hành đối chiếu, phân tích kết quả giám định trong mối quan hệ với các tài liệu, chứng cứ khác xem có phù hợp không. Trong tình huống nảy sinh mâu thuẫn giữa kết quả giám định cần thận trọng, khách quan xem xét tất cả những tài liệu, chứng cử đã thu thập để giải quyết mâu thuẫn. Trường hợp cần thiết có thể trưng cầu giám định lại. Nếu cơ quan điều tra thấy kết luận của giám định viên chưa rõ thì tiếp tục trao đổi với giám định viên để làm sáng tỏ thêm. Khi cần có thể yêu cầu giám định viên giải thích bằng văn bản

Quản lý nhà nước về đối ngoại

Xem thêm: Phân loại các trường hợp trưng cầu giám định

2 – Sử dụng kết quả giám định

Kết quả giám định được thể hiện ở kết luận giám định và những thông tin khác từ quá trình giám định.

[1] Các loại kết luận giám định

  • Kết luận khẳng định: là kết luận dứt khoát đối với vấn đề cần giám định được đặt ra, nó có tính chất xác định dứt khoát hoặc phủ định dứt khoát.

Kết luận khẳng định có giá trị chứng cứ, được cơ quan điều tra sử dụng làm cơ sở cho các hoạt động điều tra hoặc làm chứng cứ trong hồ sơ pháp lý.

  • Kết luận khả năng: là kết luận không dứt khoát đối với vấn đề cần giám định đã được đặt ra, nhưng nó có xu hướng xác định về một người, một vật hoặc một sự việc nào đó. Việc xác định như vậy là có thể đúng hoặc không đúng.

Kết luận khả năng nói chung không có giá trị để chứng minh hoặc khẳng định những yêu cầu đặt ra cần giám định, cơ quan điều tra chỉ dùng nó làm tài liệu tham khảo trong quá trình điều tra, làm căn cứ cho việc xây dựng các giả thuyết điều ưa.

  • Không kết luận được: Việc không kết luận được của giám định viên có thể vì những lý do sau đây:

+ Các tài liệu, vật chứng, dấu vết, mẫu vật được chuyển đến không đủ cơ sở để kết luận giám định.

+ Người giám định không đủ điều kiện về thời gian, phương tiện, cơ sở, kinh phí… để giám định.

+ Người giám định không đủ trình độ để kết luận.

Cơ quan điều tra phải tìm hiểu cụ thể nguyên nhân dẫn đến việc người giám định không kết luận giám định được để có cách giải quyết phù hợp.

  • Kết luận về sự đồng nhất: là kết luận khẳng định trực tiếp về một người, một vật, hoặc một sự việc.

Kết luận về sự đồng nhất được sử dụng làm chứng cứ xác định có tội hoặc xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm của bị can hay làm cơ sở trực tiếp cho những nhiệm vụ của điều tra.

  • Kết luận về sự đồng loại’, là kết luận xác định về một nhóm người, một nhóm vật hoặc một nhóm sự việc (ví dụ kết luận về giới tính của thủ phạm…).

Kết luận về sự đồng loại nói chung được cơ quan điều tra sử dụng để xác định diện người bị nghi gây án, diện vật chứng cần tìm, diện sự việc cần kiểm tra hoặc là cơ sở chứng cứ để loại trừ người, vật, sự việc không liên quan. Trong một số trường hợp, kết luận về sự đồng loại được sử dụng làm chứng cứ trong điều kiện tổ hợp các tài liệu, chứng cứ.

[2] Tiến hành phân loại thông tin trước khi sử dụng

Những thông tin từ kết luận giám định và từ quá trình giám định cần được cơ quan điều tra phân loại thành:

  • Thông tin về người.
  • Thông tin về phương pháp, thủ đoạn phạm tội.
  • Thông tin về phương tiện thực hiện tội phạm.
  • Thông tin về đối tượng tác động của tội phạm.
  • Thông về thời gian, diễn biến, nguyên nhân sự việc…

Các thông tin trên cần phải được phân loại cụ thể hơn nữa tuỳ theo đặc điểm của yêu cầu điều tra mới có thể sử dụng đúng đắn. Ví dụ, thông tin về người được phân ra:

+ Thông tin về thủ phạm.

+ Thông tin về những người liên quan.

+ Thông tin loại trừ những người không liên quan.

[3] Sử dụng kết quả giám định

Kết quả giám định được sử dụng làm cơ sở để kết luận về một vấn đề pháp lý trong vụ án (như: có tội phạm xảy ra hay không, xảy ra như thế nào, ai là thủ phạm, phạm tội bằng phương tiện gì…) phải là kết luận khẳng định và kểt luận về sự đồng nhất.

Nếu kết quả giám định là kết luận khả năng hoặc là những kết luận khẳng định về sự đồng loại thì cơ quan điều tra sử dụng nó làm cơ sở để xây dựng giả thuyết điều tra và phải áp dụng các biện pháp kiểm tra giả thuyết.

Các thông tin khai thác đựợc từ quá trình giám định đều có thể được sử dụng vào các hoạt động cụ thể của cơ quan điều tra như: để hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng hoặc người bị hại; khám xét hoặc thực nghiệm điều tra… Khi sử dụng các thông tin đó, cơ quan điều tra cần hết sức chú ý về phạm vi chứng minh, mức độ tin cậy và giá trị pháp lý của các tài liệu giám định. Kết quả giám định phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể với các tài liệu, chứng cứ đã có, xác định mối liên quan trực tiếp hay gián tiếp với những nhiệm vụ của điều tra.

Bản kết luận giám định là văn bản có giá trị pháp lý được sử dụng trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, là một nguồn chứng cứ có tính chất chuyên môn khoa học. Trước pháp luật, các bản kết luận giám định có giá trị ngang nhau, không phân biệt cấp bậc của giám định viên. Cơ quan điều tra phải sử dụng bản kết luận giám định một cách nghiêm túc, không được trích đoạn để sử dụng tuỳ tiện.

Tóm lại, để sử dụng có hiệu quả kết quả giám định thì cơ quan điều tra phải có sự nhận xét, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng và căn cứ vào giá trị thực tế của nó mà sử dụng linh hoạt vào công tác điều tra và xử lý vụ án hình sự.

Xem thêm: Kỹ năng phân tích, đánh giá nội dung bản kết luận giám định

Tổng hợp từ nguồn: Giáo trình Khoa học điều tra hình sự – Trường Đại học Luật Hà Nội

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây