Phân tích nhiệm vụ của điều tra viên tiến hành trưng cầu giám định

0
23

Phân tích nhiệm vụ của điều tra viên tiến hành trưng cầu giám định 

Trưng cầu giám định được thực hiện trong quá trình thu thập chứng cứ giải quyết vụ án hình sự, kết quả trưng cầu giám định có ý nghĩa quan trọng trong việc chứng minh tội phạm. Trong giai đoạn tiến hành hoạt động trưng cầu giám định, điều tra viên cần thực hiện những công việc sau:

Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định xử phạt hành chính

1 – Ra quyết định trưng cầu giám định tư pháp

Phải có quyết định trưng cầu giám định riêng đối với từng loại đối tượng giám định. Trong quyết định trưng cầu giám định, điều tra viên cần ghi rõ vào các mục tương ứng về:

  • Tên cơ quan trưng cầu giám định; họ, tên người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định;
  • Tên tổ chức; họ, tên người được trưng cầu giám định;
  • Tóm tắt sự việc có liên quan đến đối tượng giám định;
  • Nguồn gốc và đặc điểm đối tượng giám định;
  • Tên các tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo;
  • Nội dung yêu cầu giám định;
  • Ngày, tháng, năm trưng cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định.

Trong trường hợp trưng cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại thì quyết định phải ghi rõ là trưng cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại.

Kèm theo văn bản quyết định trưng cầu giám định, trong trường hợp cần thiết, cơ quan điều tra có thể làm thêm công văn, trong đó trình bày cụ thể các thông tin có liên quan đến yêu cầu giám định. Trường hợp tài liệu, vật chứng, dấu vết, mẫu vật có số lượng lớn thì cần lập bảng thống kê kèm theo biên bản giao nhận.

Thời điểm ra quyết trưng cầu giám định có thể là bất kỳ lúc nào trong cả giai đoạn điều tra vụ án. Ra quyết định lúc nào là phụ thuộc vào trạng thái vật chứng, dấu vết, mẫu vật đã thu thập được; vị trí, tính chất của kết luận giám định đối với công tác điều tra; thời gian cần thiết cho hoạt động giám định… Các yếu tố đó được biểu hiện cụ thể ở các tình huống thực tế của vụ án. Điều tra viên căn cứ vào các yếu tố của tình huống đó để tính toán lựa chọn thời điểm thích hợp ra quyết định trưng cầu giám định. Cụ thể là:

  • Khi xuất hiện nguy cơ vật chứng, dấu vết, mẫu vật bị mất tính nguyên vẹn ban đầu do điều kiện tự nhiên tác động thì phải ra quyết định trưng cầu giám định ngay lập tức.
  • Khi xuất hiện những yêu cầu cấp bách của cuộc điều ưa, đòi hỏi phải có kết luận giám định thì cũng phải ra quyết định trưng cầu giám định ngay.
  • Xác định được vai trò, tính chất không cấp bách của kết luận giám định đối với các hoạt động điều tra thì có thể chưa ra quyết định trưng cầu giám định ngày, để tập trung vào những hoạt động khác cấp bách hơn. Tuy nhiên, nếu thời gian giám định đòi hỏi tương đối dài thì nên ra quyết định sớm để không ảnh hưởng đến thời hạn điều tra đã được pháp luật quy định.

–  Khi có yêu cầu cầu giữ bí mật về phương hướng, đối tượng điều tra thì thời điểm ra quyết định trưng cầu giám định cần phải được tính toán thận trọng. Trong trường họp này, cơ quan điều tra chỉ có thể ra quyết định trưng cầu giám định khi có khả năng hạn chế được phạm vi người biết về hoạt động giám định.

văn phòng thừa phát lại
 

2 – Thực hiện quyết định trưng cầu giám định tư pháp

Ngay sau khi ra quyết định trưng cầu giám định, điều tra viên cần khẩn trương tiếp xúc với người, tổ chức giám định, trình bày nội dung yêu cầu giám định thật chính xác với những tài liệu, vật chứng, dấu vết, mẫu vật đưa giám định.

Trong trường hợp việc trưng cầu giám định có kèm theo đối tượng giám định thì việc giao, nhận đối tượng giám định phải được lập thành biên bản. Biên bản giao nhận đối tượng giám định có nội dung chính sau đây:

  • Thời gian, địa điểm giao, nhận đối tượng giám định;
  • Họ, tên người đại diện của bên giao và bên nhận đối tượng giám định;
  • Tên đối tượng giám định;
  • Cách thức bảo quản đối tượng giám định khi giao, nhận;
  • Tình trạng đối tượng giám định khi giao, nhận;
  • Tài liệu hoặc đồ vật liên quan;
  • Chữ ký của bên giao và bên nhận đối tượng giám định.

Trường hợp người giám định tư pháp từ chối kết luận giám định thì cơ quan điều tra phải xem xét lý do từ chối của họ có chính đáng hay không. 

Trường hợp yêu cầu giám định đặt ra những vấn đề phức tạp, khó khăn, điều tra viên nên trực tiếp trao đổi, bàn bạc với giám định viên và thống nhất những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho các bên.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan điều tra có trách nhiệm bảo đảm các quyền của người giám định, tạo điều kiện để người giám định tiến hành giám định có hiệu quả.

Trong quá trình giám định, điều tra viên không được can thiệp vào nghiệp vụ chuyên môn của người giám định, nhưng có quyền tham dự trong quá trình giám định đó; đồng thời, có thể yêu cầu người giám định giải thích những vấn đề cần thiết có liên quan đến nội dung giám định. Việc tham dự này phải được báo trước cho người giám định biết.

Cơ quan điều tra có trách nhiệm giữ mối quan hệ thường xuyên với người, tổ chức giám định trong suốt quá trình giám định để có thể tạo điều kiện tốt cho việc giám định. Điều đó cũng có tác dụng tốt cho việc đánh giá kết quả giám định, bởi vì điều tra viên đã có điều kiện theo dõi cả quá trình giám định. Cụ thể là phải:

+ Đáp ứng kịp thời, đầy đủ những yêu cầu cần thiết cho việc tiến hành giám định.

+ Trong trường hợp cần thiết, theo yêu cầu của người giám định, bố trí cho người giám định tham dự những buổi hỏi cung bị can, người làm chứng về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định.

+ Tạo điều kiện cho người giám định đến nghiên cứu tại nơi xảy ra sự việc (về thời gian, hiện vật, người giúp đỡ, bảo vệ, đài thọ kinh phí cần thiết cho yêu cầu nghiên cứu, thí nghiệm, thực nghiệm…).

Việc trao đổi thông tin giữa cơ quan điều tra và người, tổ chức giám định phải được tiến hành thường xuyên. Trong những tình huống khẩn cầu của cuộc điều tra, cơ quan điều tra có thể tổ chức cho giám định viên tiến hành giám định tại nơi điều tra.

Trong trường hợp xuất hiện khả năng người giám định và hoạt động giám định bị đe doạ sự an toàn (bị cường bức, tấn công bằng mua chuộc, đe doạ tính mạng, bị đánh cắp, tiêu huỷ tài liệu giám định…) cơ quan điều tra phải lập tức tiến hành tổ chức việc phong toả, bảo vệ người giám định tư pháp và hoạt động giám định tư pháp, phối hợp các lực lượng để ngăn chặn, phòng ngừa sự tấn công đó.

Xem thêm:  Đi thực tế xem xét, thẩm định tại cho thực nghiệm điều tra 

Xem thêm: Nhiệm vụ của điều tra viên trong giai đoạn chuẩn bị trưng cầu giám định

Tổng hợp từ nguồn: Giáo trình Khoa học điều tra hình sự – trường Đại học Luật Hà Nội

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây