Phân tích khái niệm trưng cầu giám định trong điều tra hình sự

0
22

Phân tích khái niệm trưng cầu giám định trong điều tra hình sự

 Trưng cầu giám định được thực hiện trong quá trình thu thập chứng cứ giải quyết vụ án hình sự, kết quả trưng cầu giám định có ý nghĩa quan trọng trong việc chứng minh tội phạm. Vì vậy, đây là hoạt động được cơ quan tố tụng thực hiện rất chặt chẽ.

1 – Định nghĩa trưng cầu giám định

 Bản chất của giám định là việc sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định (khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp số 13/2012/QH13 do Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013).

Giám định tư pháp chỉ được tiến hành khi được trưng cầu giám định theo quy định của pháp luật tố tụng Trong các vụ án hình sự, trưng cầu giám định và giám định tư pháp được tiến hành chủ yếu ở giai đoạn điều tra, một số trường hợp được tiến hành ở giai đoạn, xét xử.

Tóm lại, trưng cầu giám định trong điều tra hình sự là hoạt động điều tra của cơ quan có thẩm quyền, được tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật tổ tụng hình sự quy định, sử dụng các nhà chuyên môn tiến hành giám định tư pháp để kết luận về các vấn đề chuyên môn nhằm thu thập, củng cố, kiểm tra, đánh giá, xác lập chứng cứ, phục vụ điều tra, xử lý vụ án hình sự.

Trưng cầu giám định có những hoạt động đặc trưng chủ yếu sau đây:

+ Xác định vấn đề chuyên môn cần làm rõ dưới dạng các câu hỏi;

+ Yêu cầu tổ chức hoặc người giám định tiến hành giám định tư pháp theo trình tự, thủ tục luật định;

+ Bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc giám định (ví dụ: điều kiện về thời gian, số lượng, chất lượng đối tượng giám định…).

Xem thêm: Phân tích khái niệm và phân loại thực nghiệm điều tra

Xem thêm:  Đi thực tế xem xét, thẩm định tại cho thực nghiệm điều tra 

2 -Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp

Theo quy định của Luật Giám định tư pháp số 13/2012/QH13 do Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013, chủ thể tiến hành họat động giám định tư pháp có thể là cá nhân hoặc tổ chức.

Cá nhân có thể được trưng cầu để giám định tư pháp bao gồm:

  • Giám định viên tư pháp;
  • Người giám định tư pháp theo vụ việc (bao gồm giám định viên của các ngành chuyên môn, cán bộ khoa học, kỹ thuật, văn hoá, nghệ thuật hay lĩnh vực chuyên mồn khác. Những người này phải có kiến thức, kinh nghiệm, am hiểu lĩnh vực được yêu cầu giám định và tiến hành công việc của mình một cách thành thạo).

Cần lưu ý phân biệt người giám định tư pháp với những người mà cơ quan điều tra sử dụng với tư cách chuyên gia để tư vấn hoặc giúp việc trong một số hoạt động điều tra liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn, như cán bộ kỹ thuật hình sự hoặc chuyên gia của một số ngành, nghề khác được sử dụng để tư vấn về kỹ thuật…

Tổ chức giám định tư pháp bao gồm tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập hoặc tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.

Tổ chức giám định tư pháp công lập được thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập hoặc trình cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập trong các lĩnh vực khác sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y bao gồm: Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế, Trung tâm pháp y cấp tỉnh, Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng và Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện khoa học hình sự, Bộ Công an.

Tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y tâm thần bao gồm: Viện pháp y tâm thần trung ương thuộc Bộ Y tẻ,

Trung tâm pháp y tâm thần khu vực thuộc Bộ Y tế. Ngoài ra, căn cứ yêu cầu giám định pháp y tâm thần của hoạt động tố tụng và điều kiện thực tế của các khu vực, vùng miền trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định thành lập Trung tâm pháp y tâm thần khu vực sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm: Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh, Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.

Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi.

Văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật và bản quyền tác giả. Trưởng văn phòng giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp.

Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc phải đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 19 của Luật Giám định tư pháp, và thực hiện hoạt động giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định tuân theo các quy định của Luật này.

3 – Vị trí, tác dụng của trưng cầu giám định

Trưng cầu giám định và giám định tư pháp là hai hoạt động khác nhau, nhưng có mối quan hệ hữu cơ không thể tách rời, hợp thành một biện pháp thu thập chứng cứ. Mối quan hệ đó được ràng buộc bằng pháp luật tố tụng và sản phẩm cuối cùng (kết quả giám định) là kết quả chung của các hoạt động này.

 Trưng cầu giám định được cơ quan điều tra sử dụng để xác định thủ phạm, phương pháp, phương tiện, thủ đoạn phạm tội… từ đó làm cơ sở áp dụng các biện pháp như bắt, khám xét, hỏi cung…

Trưng cầu giám định có thể được sử dụng để xác định đối tượng tác động của tội phạm và những thiệt hại xảy ra, góp phần xác định khách thể trực tiếp của tội phạm cụ thể, xác định có hay không có tội phạm xảy ra, tính chất và mức độ nguy hiểm tội phạm..

Trưng cầu giám định còn được sử dụng để xác định năng lực trách nhiệm hình sự của bị can hay bị cáo hoặc năng lực nhận thức, năng lực khai báo đúng đắn của người làm chứng, người bị hại đối với những tình tiết của vụ án, trong trường hợp có sự nghi ngờ về tình trạng tâm thần của những người này.

Trong quá trình giám định, người giám định có thể phát hiện những nguyên nhân, điều kiện thực hiện tội phạm, những sở hở thiếu sót của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và thủ đoạn hoạt động của kẻ phạm tội. Điều đó có tác dụng phục vụ việc phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

Tổng hợp từ nguồn: Giáo trình Khoa học điều tra hình sự – Trường Đại học Luật Hà Nội

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây