Trình tự lấy lời khai người làm chứng

0
29

Lấy lời khai của người làm chứng giúp cơ quan điều tra thu được những thông tin chính xác, đẩy đủ, khách quan từ người làm chứng về những tình tiết của vụ án mà họ đã biết được. Trình tự lấy lời khai người làm chứng như sau:

Trình tự lấy lời khai người làm chứng

1 – Thiết lập quan hệ giao tiếp tâm lý giữa cán bộ lấy lời khai và người làm chứng.

Mục đích của việc làm này là nhằm tạo ra ngay từ đầu một bầu không khí bình thường, phù hợp với tâm lý của người làm chứng, để họ sớm có niềm tin vào cán bộ lấy lời khai. Sự tin cậy, tôn trọng lẫn nhau giữa người làm chứng và cán bộ lấy lời khai là một trong những điều kiện tiên quyết để người làm chứng có thiện chí trong việc khai báo sự thật mà mình đã biết.

Để sớm thiết lập được giao tiếp tâm lý với người làm chứng, cần có địa điểm lấy lời khai thích hợp. Cán bộ điều tra phải có thái độ đúng mực, lịch sự, tế nhị, khách quan, thông cảm với điêu kiện, hoàn cảnh của người làm chứng. Khi thuyết phục họ phải có lý, có tình, lập luận phải sắc bén, chặt chẽ nhưng không làm cho họ sợ hãi. Phải biết tự kiềm chế, không nôn nóng, không vội vàng kết luận họ nói sai hay nói đúng sự thật…

Việc thiết lập quan hệ giao tiếp tâm lý đã khó, nhưng duy trì được quan hệ giao tiếp tâm lý trong toàn bộ quá trình lấy lời khai người làm chứng càng hết sức khó khăn. Vì vậy, cán bộ lấy lời khai khi đã thiết lập được giao tiếp tâm lý phải tìm mọi cách duy trì và củng cố nó, không được có những sơ suất tạo ra sự ngờ vực hay không hài lòng ở người làm chứng đối với cán bộ điều tra.

Xem thêm: Những động cơ thúc đẩy hoặc kìm hãm người làm chứng khai báo

2 – Xác định một lần nữa nhân thân người làm chứng trước khi lấy lời khai của họ

Mục đích kiểm tra là để xem họ đúng là người mà cơ quan điều tra cần triệu tập hay không; tìm hiểu thêm những đặc điểm nhân thân, đặc điểm tâm lý của người làm chứng để kịp thời bổ sung những phương pháp, chiến thuật lấy lời khai thích hợp; đồng thời cũng nhằm đảm bảo sự chặt chẽ về thủ tục pháp luật (tuân thủ Điều 186 Bộ luật tố tụng hình sự).

Việc kiểm tra được tiến hành bằng cách xem giấy triệu tập, giấy chứng minh, giấy chứng nhận do đơn vị nơi họ công tác cấp hoặc giấy tờ tuỳ thân khác. Việc làm này phải tế nhị, khéo léo để không làm họ phật ý hay lo sợ. Mặt khác, cán bộ lấy lời khai có thể chủ động đưa ra các câu chuyện, trao đổi những chủ đề có nội dung xác định nhân thân người làm chứng.

Trình tự lấy lời khai
Trình tự lấy lời khai của người làm chứng

3 – Giải thích lý do triệu tập, quyền và nghĩa vụ của người làm chứng trong quá trình lấy lời khai

Giải thích lý do triệu tập, quyền và nghĩa vụ của người làm chứng là việc làm vừa mang tính thủ tục bắt buộc, vừa mang tính chiến thuật trong lấy lời khai người làm chứng. Vì vậy, cán bộ lấy lời khai cần tìm được nội dung, phương pháp giải thích thích hợp đối với từng người làm chứng cụ thể. Khi giải thích, không nên quá nhấn mạnh về pháp luật mà coi nhẹ tính thuyết phục; nhấn mạnh về nghĩa vụ, trách nhiệm mà coi nhẹ giải thích quyền; nhấn mạnh về nguyên tắc mà coi nhẹ tình cảm.

4 – Tiến hành hỏi người làm chứng về những tình tiết của vụ án mà họ đã biết được

Đầu tiên nên để cho họ kể tự do trên cơ sở đưa ra câu hỏi chung nhất. Trong quá trình họ kể tự do, cán bộ lấy lời khai không nên can thiệp vào nội dung họ trình bày nếu thấy họ không đi quá xa chủ đề đang được quan tâm.

Dựa trên thiện chí khai báo, những nội dung họ đã khai ra và nội dung cần lấy lời khai đã xác định trong kế hoạch mà đặt ra các câu hỏi cụ thể cho người làm chứng.

Có thể nêu yêu cầu rồi cho người làm chứng viết bản trình bày hay báo cáo những vấn đề mà họ biết.

Áp dụng một hay cả ba cách hỏi trên đây là tuỳ thuộc phần lớn vào thiện chí và khả năng trình bày của người làm chứng, cũng như tính phức tạp của vấn đề cần làm rõ.

Về nội dung, có thể hỏi tất cả những gì liên quan đến vụ án mà người làm chứng có khả năng biết: diễn biến sự việc phạm tội; nhân thân bị can, người bị hại; mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, người bị hại trong vụ án; lý do, điều kiện mà họ đã biết được những tình tiết của vụ án…

Câu hỏi đặt ra phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, không bao hàm cả câu trả lời của người làm chứng. Trong câu hỏi không để lộ ý định, lộ bí mật và không làm cho người làm chứng phải lo sợ.

Không được vặn hỏi, hỏi một cách dồn dập hay đe doạ gây cho người làm chứng sợ hãi, lúng túng, cần tập trung lắng nghe họ khai báo, không cắt ngang lời khai, không vội tỏ thái độ đồng tình hay phủ nhận lời khai của họ khi chưa có căn cứ xác thực để chứng minh. Trường hợp họ nói dài dòng, lạc đề thì khéo léo điều chỉnh để họ trở về quỹ đạo nội dung cần làm rõ. Nếu họ lúng túng trong cách trình bày, có sự lầm lẫn hay lãng quên thì khéo léo động viên, hướng dẫn, gợi nhớ để họ khai báo đúng sự thật.

5 – Ghi nhận cuộc lấy lời khai người làm chứng.

Việc ghi nhận cuộc lấy lời khai người làm chứng có thể được tiến hành bằng việc lập biên bản, ghi âm, chụp hình hay quay video, trong đó lập biên bản là bắt buộc theo luật định.

Khi lập biên bản phải đảm bảo các yêu cầu sau:

– Biên bản phải phần ánh toàn bộ quá trình hoạt động lấy lời khai người làm chứng. Những điều được ghi vào biên bản phải phản ánh trung thực, chính xác, khách quan. Phải ghi đúng nội dung lời khai người làm chứng và những ý kiến khác của họ cần được phản ánh trong biên bản.

– Khi ghi nội dung lời khai của người làm chứng trong biên bản, cần ghi cả lý do vì sao và trong điều kiện nào họ biết được sự việc, hiện tượng đó; biết ở đâu, từ bao giờ, trực tiếp hay gián tiếp?…

– Ngôn ngữ trong biên bản phải phù hợp với ngôn ngữ và văn phong của người làm chứng. Không nên dùng những từ, ngữ mà người làm chứng khó hiểu. Đối với những câu hỏi và câu trả lời có tính chất vạch trần lời khai gian dối, vạch trần mâu thuẫn trong lời khai của người làm chứng; những câu hỏi xác định thái độ khai báo không thiện chí của người làm chứng hoặc những câu hỏi và trả lời có liên quan đến việc đưa cho người làm chửng xem tài liệu, vật chứng của vụ án… thì cần được ghi rõ ràng, riêng biệt.

Xem thêm: Phân loại người làm chứng trong tố tụng hình sự

Xem thêm: Lấy lời khai của người làm chứng

Xem thêm: Phân tích khái niệm và phân loại thực nghiệm điều tra

Tổng hợp từ Giáo trình Khoa học điều tra hình sự – Đại học Luật Hà Nội

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây