Lấy lời khai của người làm chứng giúp cơ quan điều tra thu được những thông tin chính xác, đẩy đủ, khách quan từ người làm chứng về những tình tiết của vụ án mà họ đã biết được.
Phương pháp lấy lời khai người làm chứng được tổng hợp cụ thể như sau:
Contents
1 – Nghiên cứu tổng hợp mọi tin tức, tài liệu có liên quan đến vụ án với các yêu cầu sau:
– Nắm vững diễn biến của vụ án một cách chi tiết, đầy đủ, chính xác trên cơ sở những tài liệu về vụ án mà cơ quan điều tra đã có.
– Xác định được những vấn đề cần làm rõ trong vụ án phải có lời khai người làm chứng.
– Xác định được diện người làm chứng của vụ án, phát hiện người làm chứng cho từng vấn đề phải có lời khai người làm chứng mới làm sáng tỏ được.
Để đạt được yêu cầu trên đây, một mặt cán bộ điều tra phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và những tình hình có liên quan; mặt khác, dựa vào những tình tiết đã xảy ra ở hiện trường, nghiên cứu, phân tích tài liệu, dấu vết, vật chứng đã thu được; tiếp tục thu thập tin tức một cách rộng rãi trong quần chúng nhân dân bằng nhiều loại biện pháp khác nhau, từ đó xác định diện người làm chứng và vạch phương hướng tìm chọn những người có thể làm chứng được.
Xem thêm: Những động cơ thúc đẩy hoặc kìm hãm người làm chứng khai báo
2 – Chọn và nghiên cứu người được chọn để làm chứng
– Chọn người làm chứng nên hướng vào những người sau đây:
Nên chọn những người biết được nhiều tin tức quan trọng, biết được các tình tiết của vụ án một cách sâu sắc, chính xác, đầy đủ; những người có khả năng mô tả lại một cách tốt nhất những hiểu biết của họ mà cơ quan điều tra đang cần, những người có thiện chí, có trách nhiệm công dân trong việc thực hiện nghĩa vụ người làm chứng của mình.
Trong một số vụ án có nhiều người có thể làm chứng mà sự hiểu biết của mỗi người về các tình tiết của vụ án lại ở những khía cạnh khác nhau thì nên chọn người làm chứng biết nội dung vấn đề theo thứ tự thời gian hoặc theo diễn biến sự việc xảy ra. Trường hợp nhiều người có thể làm chứng cho một hoặc một số tình tiết trong vụ án thì nên chọn người có khả năng cung cấp tin tức chính xác, người có khả năng khai báo tốt, người sớm có thiện chí và điều kiện tham gia vào quá trình điều tra, để lấy lời khai của họ trước, những người khác sẽ lấy sau.
Tuỳ từng trường hợp cụ thể để lựa chọn và tổ chức lấy lời khai trong những trường hợp lời khai của người làm chứng là cơ sở để khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp thu thập chứng cứ cấp bách hay vì lý do chiến thuật cụ thể đối với các hoạt động điều tra cũng như đối với chính việc lấy lời khai những người làm chứng trong vụ án.
– Nghiên cứu về người được chọn để làm chứng.
Nghiên cứu người được chọn làm chứng nhằm mục đích chiến thuật là chủ yếu. Nhờ nghiên cứu người được chọn làm chứng mà có phương pháp tiếp cận thích hợp, có chiến thuật cụ thể để lấy lời khai của họ có hiệu quả nhất.
Nghiên cứu người được chọn làm chứng phải trên tất cả các yếu tố chủ quan và khách quan tác động, ảnh hưởng đến sự hiểu biết của người làm chứng và quá trình khai báo của họ.
3 – Bố trí địa điểm lấy lời khai, chọn hình thức gặp người làm chứng
Theo quy định của pháp luật cũng như từ thực tiễn điều tra các vụ án hình sự thì địa điểm lấy lời khai người làm chứng có thể chọn ở trụ sở làm việc của cơ quan điều tra, của cơ quan chính quyền nơi người làm chứng cư trú hoặc tại nơi ở hay nơi làm việc của người làm chứng. Bố trí địa điểm lẩy lời khai phải đảm bảo không lộ bí mật nội dung cuộc lấy lời khai; Không làm ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại và công việc làm của người làm chứng; Không để ảnh hưởng xấu về chính trị; ảnh hưởng tới tâm lý và thái độ khai báo của người làm chứng.
Nếu tiến hành lấy lời khai của nhiều người làm chứng cùng một lúc thì phải bố trí địa điểm lấy lời khai riêng từng người và cần có những biện pháp ngăn ngừa người làm chứng tiếp xúc với nhau trong thời gian lấy lời khai.
Để gặp người làm chứng lấy lời khai, cơ quan điều tra có thể triệu tập họ đến trụ sở của mình hoặc điều tra viên phải đến nơi người làm chứng ở. Trong trường hợp người làm chứng đã được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc họ vắng mặt gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố thì cơ quan đã triệu tập người làm chứng có thể ra quyết định dẫn giải. Trường hợp cơ quan điều tra thấy cần thiết thì có thể dẫn giải. Chọn cách tiếp cận nào với người làm chứng là tuỳ thuộc vào điều kiện của người làm chứng. Cơ quan điều tra nên chọn cách tiếp cận nào ít gây thiệt hại cho họ cả về vật chất lẫn tinh thần; đồng thời đảm bảo cho việc điều tra toàn bộ vụ án được thuận lợi.
Xem thêm: Phân loại người làm chứng trong tố tụng hình sự
Xem thêm: Phân tích khái niệm và phân loại thực nghiệm điều tra
Xem thêm: Đi thực tế xem xét, thẩm định tại cho thực nghiệm điều tra
4 – Vạch kế hoạch lấy lời khai của người làm chứng
Trong vụ án có nhiều người làm chứng thì kể hoạch lấy lời khai bao gồm kế hoạch chung và kế hoạch riêng cho từng người. Trong trường hợp vụ án có một người làm chứng thì chỉ có một kế hoạch lấy lời khai đối với người đó.
– Kế hoạch chung cho việc lấy lời khai nhiều người làm chứng.
Mục đích của việc vạch kế hoạch chung là đảm bảo lấy được lời khai của tất cả những người làm chứng trong vụ án; giúp cho cán bộ lấy lời khai hình dung được khối lượng công việc phải thực hiện, từ đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết, xác định phương pháp tổ chức, trình tự lấy lời khai đối với những người làm chứng trong vụ án. Do vậy, bản kế hoạch chung thường có những nội dung sau đây:
+ Những nội dung, yêu cầu điều tra cần được làm rõ bằng việc lấy lời khai người làm chứng.
+ Danh sách những người làm chứng cho từng vấn đề cụ thể cần được làm rõ và yêu cầu cần đạt được khi lấy lời khai của họ.
+ Cách thức tổ chức lấy lời khai người làm chứng.
+ Dự kiến những khó khăn, phức tạp có thể xảy ra.
+ Những cán bộ tham gia lấy lời khai và lấy lời khai của người làm chứng nào trong vụ án.
Kể hoạch này có thể được thay đổi, bổ sung trong quá trình điều tra cho phù hợp với thực tế điều tra vụ án.
– Kế hoạch riêng cho việc lấy lời khai của từng người làm chứng.
Kế hoạch này phải được xây dựng trên cơ sở kế hoạch chung (trừ trường hợp vụ án chỉ có một người làm chứng) và dựa vào nội dung vấn đề cần họ làm chứng, dựa vào đặc điểm tâm lý và điều kiện, hoàn cảnh có liên quan đến việc làm chứng của họ. Bản kế hoạch này thông thường có những nội dung sau:
+ Xác định mục đích lấy lời khai đối với người làm chứng.
+ Những thông tin cần thu thập qua việc lấy lời khai của họ (cả thông tin có ý nghĩa chứng minh và ý nghĩa chiến thuật).
+ Phương pháp, chiến thuật lấy lời khai theo từng bước, từng vấn đề cụ thể, những câu hỏi cơ bản cần đặt ra cho người làm chứng trả lời.
+ Thời gian, địa điểm lấy lời khai, hình thức gặp gỡ, chiến thuật giao tiếp tâm lý.
+ Cán bộ lấy lời khai.
+ Dự kiến những khó khăn, phức tạp có thể nảy sinh trong quá trình lấy lời khai và phương án giải quyết.
Tổng hợp từ Giáo trình Khoa học điều tra hình sự – Đại học Luật Hà Nội