Xử lý cán bộ, công chức viên chức, Đảng viên đánh bạc trái phép

0
304

Tóm tắt câu hỏi:

Chào luật sư! Luật sư cho tôi hỏi: Em tôi là giáo viên tiểu học bị vi phạm pháp luật về hành vi đánh bạc và cả hai đều bị phạt tiền. Vậy em tôi có bị buộc thôi việc không? Và nếu bị buộc thôi việc gia đình tôi muốn khiếu nại thì gửi cơ quan nào?

Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900.6198

Luật sư tư vấn:

Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Các hình thức xử lý kỷ luật đối với viên chức theo Điều 52 Luật viên chức 2010 bao gồm:

– Khiển trách;

– Cảnh cáo;

– Cách chức;

– Buộc thôi việc;

Căn cứ Điều 13 Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định buộc thôi việc được áp dụng trong các trường hợp sau:

1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;

2. Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

3. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập;

4. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;

5. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch; năm dương lịch;

6. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn chỉ mới bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc chứ chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này. Do đó, nhà trường không có quyền áp dụng hình thức buộc thôi việc với em của bạn.

Nếu áp dụng hình thức buộc thôi việc thì em của bạn có quyền khiếu nại đến hiệu trưởng nhà trường để được giải quyết. Trình tự, thủ tục khiếu nại thực hiện theo Điều 7 Luật khiếu nại 2011:

1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.

Nếu không được giải quyết thỏa đáng thì bạn có quyền khiếu nại lần hai đến chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện để được giải quyết.

1. Giáo viên đánh bạc bị khai trừ ra khỏi Đảng

Tóm tắt câu hỏi:

Xin chào luật sư! Hiện tôi đang là một giáo viên trung học phổ thông. Vừa rồi tôi có đánh bạc và bị khởi tố về hành vi này. Khi ra tòa, tôi bị tòa tuyên áp dụng hình phạt tiền, tôi đã chấp hành hình phạt của tòa. Sau đó, Đảng bộ nơi tôi công tác có tiến hành khai trừ Đảng với tôi và họ nói tôi còn phải chịu những hình thức xử lý nữa, có thể bị cho thôi việc. Vậy tôi muốn hỏi, tôi đã chấp hành hình phạt tòa án tuyên và cũng đã bị khai trừ ra khỏi Đảng, liệu tôi có còn bị áp dụng hình thức xử lý nào nữa không? Xin cảm ơn luật sư!

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam ( Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011) quy định các hình thức kỷ luật đối với đảng viên:

2. Hình thức kỷ luật:

– Đối với tổ chức đảng: khiển trách, cảnh cáo, giải tán;

– Đối với đảng viên chính thức: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ;

– Đối với đảng viên dự bị: khiển trách, cảnh cáo”.

Bên cạnh đó, khoản 7 Điều 2 Quy định số 181/QĐ-TW ngày 30 tháng 3 năm 2013 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm: “ 7. Một nội dung vi phạm chỉ bị xử lý kỷ luật một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trong thời điểm kiểm tra, xem xét xử lý vụ việc, nếu đảng viên có từ hai nội dung vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận từng nội dung vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật; không tách riêng từng nội dung vi phạm của đảng viên để xử lý kỷ luật nhiều lần với các hình thức kỷ luật khác nhau”.

Như vậy, theo quy định trên thì do anh đã bị áp dụng hình thức kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng rồi thì không bị xử lý kỷ luật theo hình thức kỷ luật khác nữa trong Đảng. Tuy nhiên vì anh là giáo viên – viên chức nhà nước nên ngoài xử lý kỉ luật về mặt Đảng còn bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật viên chức, cụ thể như sau:

Các hình thức xử lý kỷ luật đối với viên chức theo Điều 52 Luật viên chức 2010 bao gồm:

– Khiển trách;

– Cảnh cáo;

– Cách chức;

– Buộc thôi việc;

Căn cứ Điều 13 Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định buộc thôi việc được áp dụng trong các trường hợp sau:

“1. Bị phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án kết án về hành vi tham nhũng;

2. Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng;

3. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào đơn vị sự nghiệp công lập;

4. Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền;

5. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà không có lý do chính đáng được tính trong tháng dương lịch; năm dương lịch;

6. Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự; quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn xã hội và các quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức.”

Theo đó nếu anh chỉ bị phạt tiền không bị phạt tù thì sẽ không bị áp dụng hình thức kỉ luật buộc thôi việc.

2. Đảng viên có hành vi đánh bạc thì bị xử lý như thế nào?

Tóm tắt câu hỏi:

Xin chào luật sư, tôi muốn hỏi vấn đề sau mong luật sư tư vấn trong trường hợp đảng viên, giáo viên, phó hiệu trưởng trường THCS bị bắt về tội đánh bài thu trên chiếu là 2.650.000 đồng và trong người 2.579.000 đồng của cả 4 người (trường hợp này vi phạm lần đầu) thì bị xử lý như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Hành vi đánh bạc trái phép sẽ bị xử phạt theo Điều 321 Bộ luật hình sự 2015 như sau:

“Điều 321. Tội đánh bạc

1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

…”

Tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP hướng dẫn như sau:

“3. “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” bao gồm:

a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;

b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;

c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.”

Theo thông tin anh trình bày 4 người bị bắt quả tang đang đánh bạc, số tiền thu trên chiếu bạc là 2.650.000 đồng và trong người 2.579.000 đồng. Trong trường hợp này nếu có đủ cơ sở chứng minh số tiền thu giữ trong người là dùng để đánh bạc thì tổng số tiền đánh bạc là hơn 5 triệu đồng thì 4 người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 321 Bộ luật hình sự 2015 nêu trên.

Trong trường hợp số tiền thu giữ trong người không được xác định là tiền dùng để đánh bạc thì 4 người sẽ bị xử phạt hành chính theo quy đinh tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây:

a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật;

b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;

c) Cá cược bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác;

d) Bán bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề.”

3. Công chức đánh bạc được hưởng án treo có bị cách chức ?

Tóm tắt câu hỏi:

Tôi là giáo viên dạy học cấp III, đã được xếp vào công chức biên chế, tôi có tham gia đánh bạc và bị bắt sau khi xử tôi được hưởng án treo, cho tôi hỏi khi tôi bị án treo thì tôi có bị cách chức công chức hay không? Tôi cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Theo Nghị định 34/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức quy định

“Điều 10. Cảnh cáo

Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

1. Cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện;

2. Sử dụng thông tin, tài liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị để vụ lợi;

3. Không chấp hành quyết định điều động, phân công công tác của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền;

4. Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được dự thi nâng ngạch công chức;

5. Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 05 đến dưới 07 ngày làm việc trong một tháng;

6. Sử dụng trái phép chất ma túy bị cơ quan công an thông báo về cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công chức đang công tác;

7. Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;

8. Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật.”

Như vậy, nếu bạn chỉ là giáo viên không phải là người lãnh đạo, quản lý thì sẽ áp dụng hình thức xử lý kỷ luật về cảnh cáo.

Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật hình sự được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây