Xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hành chính khác nhau thế nào?

0
324

Nghe qua thì xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hành chính có vẻ rất giống nhau khiến không ít người lầm tưởng chúng là một. Tham khảo bài viết dưới đây để phân biệt rõ ràng bản chất của 2 thuật ngữ này.

Xử phạt vi phạm hành chính

Khái niệm

Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính (khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012)

Xử lý hành chính là biện pháp được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Ngoài ra, còn có biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính là biện pháp mang tính giáo dục được áp dụng để thay thế cho hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, bao gồm biện pháp nhắc nhở và biện pháp quản lý tại gia đình

(khoản 3, khoản 4 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính)

Đối tượng áp dụng

Đối tượng của xử phạt hành chính bao gômg Cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước (khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính)

Đối tượng của xử lý hành chính :Chỉ áp dụng với cá nhân trong nước và các biện pháp xử lý hành chính không áp dụng đối với người nước ngoài (khoản 2 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính)

Hình thức xử phạt/xử lý

Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Trục xuất.

Lưu ý: Hình thức xử phạt cảnh cáo và phạt tiền chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính; Các hình thức xử phạt còn lại có thể là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính. (theo Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính)

Xử lý vi phạm hành chính gồm các biện pháp: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Đưa vào trường giáo dưỡng; Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; Biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Nguyên tắc áp dụng

Nguyên tắc áp dụng xử phạt hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, cụ thể như sau:

(i) Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;

(ii) Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

(iii) Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

(iv) Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm…

Nguyên tắc áp dụng xử phạt hành chính được quy định tại khoản khoản 2 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, cụ thể như sau:

(i) Cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng quy định;

(ii) Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

(iii) Việc xử lý vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;

(iv) Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính

Thời hiệu xử phạt/xử lý

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt (điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính)

Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính:

(i) Thời hiệu áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 03 tháng – 01 năm kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm tùy từng trường hợp cụ thể:;

(ii) Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng từ 06 tháng – 01 năm kể từ ngày cá nhân thực hiện hành vi vi phạm tùy từng trường hợp sẽ là;

(iii) Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là 01 năm, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối một trong các hành vi vi phạm;

(iv) Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm.

Qua đây có thể thấy, xử lý vi phạm hành chính bao gồm xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính khác. Xử phạt vi phạm hành chính và xử lý hành chính là 2 mảnh ghép của xử lý vi phạm hành chính.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây