Ý nghĩa và các nguyên tắc xác định quốc tịch, thưởng quốc tịch

0
324

Ý nghĩa của việc xác định quốc tịch, thưởng quốc tịch? Các nguyên tắc xác định quốc tịch? Các nguyên tắc của việc thưởng quốc tịch?

tố cáo theo quy định
Công ty Luật TNHH Everest – Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900.6198

Ý nghĩa việc xác định quốc tịch: Xác định quốc tịch có ý nghĩa pháp lý vô cùng quan trọng đối với từng cá nhân trong xã hội, bởi vì quốc tịch là căn cứ, dấu hiệu nói lên sự quy thuộc của một cá nhân về một nhà nước nhất định. Sự quy thuộc này biểu hiện ở mối quan hệ pháp lý có tính 2 chiều giữa cá nhân là công dân với quốc gia mà họ mang quốc tịch.

Về phía nhà nước, xác lập quốc tịch chính là hành vi thực hiện chủ quyền của quốc gia đối với dân cư của họ, bởi vì, về mặt pháp lý, quốc tịch chính là căn cứ để xác định giới hạn thẩm quyền tài phán của một quốc gia trong các mối quan hệ pháp luật, đồng thời thể hiện ranh giới chủ quyền giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế.

Xuất phát từ chủ quyền quốc gia, mỗi nước đều có quyền quy định trong pháp luật nước mình những phương thức hưởng quốc tịch nhất định. Nhìn chung, hầu hết các quốc gia đều ghi nhận các phương thức sau:

– Hưởng quốc tịch theo sự sinh đẻ

– Hưởng quốc tịch theo sự gia nhập quốc tịch

– Hưởng quốc tịch theo sự lựa chọn quốc tịch

– Hưởng quốc tịch theo sự phục hồi quốc tịch

1. Hưởng quốc tịch theo sự sinh đẻ

Đây là phương thức hưởng quốc tịch phổ biến nhất. Theo đó, việc công dân mang quốc tịch của một quốc gia được xác định một cách mặc nhiên ngay từ khi công dân đó mới được sinh ra. Nói cách khác, việc công dân mang quốc tịch trong trường hợp này không phụ thuộc vào ý chí của bản thân công dân mà phụ thuộc vào ý chí của nhà nước và trên cơ sở phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.

Tuy nhiên, liên quan đến việc hưởng quốc tịch theo sự sinh đẻ, pháp luật các quốc gia lại có những quy định không giống nhau về cách thức hưởng. Thực tiễn pháp luật của các quốc gia có ghi nhận 2 nguyên tắc chính để xác định quốc tịch theo sự sinh đẻ, đó là: nguyên tắc huyết thống và nguyên tắc quyền nơi sinh.

Nguyên tắc huyết thống: Nguyên tắc này quy định: mọi đứa trẻ sinh ra đều có quốc tịch theo quốc tịch của cha mẹ, không phụ thuộc vào nơi đứa trẻ được sinh ra. Hạn chế của nguyên tắc này là chưa đưa ra được hướng giải quyết trong trường hợp cha mẹ của đứa trẻ là những người không quốc tịch, hoặc không xác định được quốc tịch, hoặc không có cùng quốc tịch, thì không thể xác định quốc tịch cho đứa trẻ theo nguyên tắc này.

Nguyên tắc quyền nơi sinh: Nguyên tắc này quy định: mọi đứa trẻ sinh ra trên lãnh thổ nước nào thì mang quốc tịch của nước đó không phụ thuộc vào quốc tịch của cha mẹ chúng.

Nguyên tắc này đã khắc phục được nhược điểm của nguyên tắc huyết thống là xác định quốc tịch cho đứa trẻ không rõ quốc tịch trên lãnh thổ của một quốc gia, nhưng nguyên tắc này cũng bộc lộ hạn chế đó là: trường hợp những đứa trẻ có cha mẹ là công dân của quốc gia khác, nhưng do được sinh ra tại quốc gia có quy định nguyên tắc này, dẫn đến đứa trẻ đương nhiên có quốc tịch của quốc gia nơi nó được sinh ra. Điều này dẫn đến sự gia tăng hiện tượng hai hay nhiều quốc tịch của công dân.

Cả hai nguyên tắc này, dù ít hay nhiều đều có khiếm khuyết là không thể bao quát được hết các trường hợp xảy ra trên thực tế. Để góp phần giải quyết các hạn chế nêu trên, pháp luật về quốc tịch của hầu hết các quốc gia đều kết hợp một cách hài hòa và chặt chẽ đồng thời cả 2 nguyên tắc này.

2. Hưởng quốc tịch theo sự gia nhập 

Được hiểu là việc một người nhận quốc tịch của một quốc gia khác do việc xin gia nhập quốc tịch. Việc nhận quốc tịch được quyết định bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc trao quốc tịch nước đó theo một trình tự được pháp luật quy định. Thông thường có 3 trường hợp hưởng quốc tịch theo sự gia nhập, đó là:

Do xin vào quốc tịch: Đây là trường hợp phổ biến nhất. Việc xin vào quốc tịch quốc gia khác hoàn toàn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng cá nhân của người muốn xin vào quốc tịch. Điều này được thể hiện thông qua việc viết đơn xin gia nhập của người muốn xin vào quốc tịch. Đối với trường hợp này, các quốc gia hữu quan thường đưa ra những điều kiện nhất định đối với người xin gia nhập quốc tịch, thông thường các điều kiện này gồm có:

– Điều kiện về độ tuổi

– Điều kiện về thời gian cư trú

– Điều kiện về khả năng ngôn ngữ

– Điều kiện về khả năng kinh tế

– Điều kiện về phẩm chất đạo đức

Đây là những điều kiện chung cơ bản, ngoài ra phụ thuộc vào bản chất chế độ và trình độ phát triển, cũng như phong tục tập quán của mỗi quốc gia mà họ có thể đưa ra một số quy định bổ sung, nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc không tạo ra sự phân biệt đối xử nào và không được trái với các quy định được công nhận chung của cộng đồng quốc tế.

Trên cơ sở những quy định chung liên quan đến vấn đề xin gia nhập quốc tịch, xuất phát từ chủ quyền quốc gia, pháp luật Việt nam cũng đưa ra một số điều kiện chung cho những người muốn xin gia nhập quốc tịch Việt Nam. Theo đó, “công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch đang thường trú tại Việt nam có đơn xin gia nhập quốc tịch việt nam, thì có thể được nhập quốc tịch Việt nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt nam;

b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt nam; tôn trọng truyền thống, phong tục tập quán của dân tộc Việt nam;

c) Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt nam;

d) Đã thường trú ở Việt nam từ 5 năm trở lên;

e) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt nam”.

Do kết hôn với người nước ngoài: Liên quan đến trường hợp này, pháp luật các quốc gia cũng có những quy định rất khác nhau. Trong Công ước 1957 về quốc tịch của người phụ nữ đi lấy chồng quy định: người phụ nữ có địa vị pháp lý bình đẳng với nam giới trong việc giữ hoặc thay đổi quốc tịch của mình khi kết hôn.

Phù hợp với pháp luật quốc tế, nhằm đảm bảo công bằng cho vai trò của người phụ nữ, pháp luật Việt nam không coi việc kết hôn của phụ nữ Việt nam với người nước ngoài là một trong những trường hợp đương nhiên mất quốc tịch., quốc tịch của họ chỉ bị mất khi họ có đơn xin thôi quốc tịch.

Do được người nước ngoài nhận làm con nuôi: Pháp luật của hầu hết các quốc gia đều thừa nhận nguyên tắc, trẻ em không có quốc tịch hoặc có quốc tịch nước khác, khi được người nước ngoài nhận làm con nuôi, có thể xin gia nhập quốc tịch của cha hoặc mẹ nuôi, tùy theo từng trường hợp cụ thể.

3. Hưởng quốc tịch theo sự lựa chọn

– Trường hợp này được đặt ra khi: có sự dịch chuyển lãnh thổ (VD: Nước A chuyển giao một phần lãnh thổ cho B, khi đó công dân của A đang sống trên phần lãnh thổ đã chuyển giao cho B được phép tự lựa chọn quốc tịch cho mình); Khi xuất hiện các điều ước quốc tế liên quan (VD: Quốc gia A ký với B một điều ước quốc tế quy định trong khoảng thời gian nào đó, tất cả công dân đang mang quốc tịch của cả 2 nước này phải chọn quốc tịch của một trong hai quốc gia. Nếu sau thời gian đó, họ không tự chọn cho mình thì họ sẽ được hưởng quốc tịch của quốc gia mà họ đang sống).

– Lựa chọn quốc tịch là quyền của người dân được tự do lựa chọn cho mình một quốc tịch hoặc là giữ nguyên quốc tịch cũ hoặc là nhận quốc tịch của quốc gia hữu quan khác. Tuy nhiên, việc lựa chọn quốc tịch phải được thực hiện trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện về ý chí và nguyện vọng của đương sự.

 4. Hưởng quốc tịch theo sự phục hồi

– Phục hồi quốc tịch là hoạt động pháp lý nhằm khôi phục lại quốc tịch cho người đã bị mất quốc tịch do nhiều nguyên nhân khác nhau.

– Vấn đề phục hồi quốc tịch được đặt ra với những người trước đây ra nước ngoài sinh sống và bị mất quốc tịch hoặc những người mất quốc tịch vì các lý do khác như kết hôn, ly hôn hoặc làm con nuôi người nước ngoài…

Do trước đây họ đã có quốc tịch của quốc gia này, nhưng do một số lý do họ xin thôi quốc tịch để nhập vào quốc tịch của một quốc gia khác, do đó khi có nguyện vọng quay trở lại quốc tịch, các quốc gia thường quy định trình tự thủ tục đơn giản hơn rất nhiều và có tích chất ưu tiên hơn so với những người xin gia nhập quốc tịch lần đầu. Tuy nhiên, để được phục hồi quốc tịch, người có nhu cầu cũng phải đảm bảo một số điều kiện nhất định, thường là không có hành vi làm nguy hại đến an ninh quốc gia trong suốt thời gian mất quốc tịch.

Ngoài những trường hợp nêu trên, trong thực tiễn quan hệ quốc tế còn xuất hiện cách thức hưởng quốc tịch theo phương thức được thưởng quốc tịch.

– Đây là một trường hợp hưởng quốc tịch rất đặc biệt trong thực tiễn quan hệ quốc tế. Thưởng quốc tịch là hành vi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia công nhận người nước ngoài là công dân nước mình, vì những đóng góp, công lao của người này cho quốc gia thưởng quốc tịch. Việc thưởng quốc tịch phải được sự đồng ý của người được thưởng quốc tịch.

VD: Oasinhton được thưởng quốc tịch của Pháp

– Trên thực tế, việc thưởng quốc tịch này có thể dân đến hai hệ quả pháp lý, đó là: người được thưởng quốc tịch trở thành công dân thực sự của quốc gia thưởng quốc tịch; hoặc người được thưởng quốc tịch sẽ là công dân danh dự của nhà nước thưởng quốc tịch và việc thưởng này chỉ có ý nghĩa và giá trị về mặt tinh thần.

Xem thêm:

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest:

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật hình sự được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.net.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây