Các văn bản của công tác điều tra tại hiện trường

0
18

1. Các văn bản của công tác điều tra truy xét

Đối với công tác điều tra truy xét phải hoàn thành các văn bản tố tụng sau:

  • Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can (nếu có);
  • Biên bản hỏi cung bị can;
  • Biên bản lấy lời khai người bị tạm giữ, người làm chứng;
  • Biên bản bắt, khám xét;
  • Biên bản nhận dạng;
  • Các văn bản của công tác khám nghiệm hiện trường.

2. Các văn bản công tác khám nghiệm hiện trường

Biên bản khám nghiệm hiện trường.

Biên bản khám nghiệm hiện trường là một tài liệu pháp lý ghi nhận tình hình thực tế khách quan ở hiện trường và kết quả của công tác khám nghiệm hiện trường. Biên bản khám nghiệm hiện trường do điều tra viên lập và được những người tiến hành, tham gia và chứng kiến cuộc khám nghiệm thông qua và ký xác nhận sau khi kết thúc hoạt động này.

Hình thức và nội dung biên bản khám nghiệm hiện trường được lập theo mẫu của loại biên bản này do Bộ Công an ban hành.

Thông thường, việc viết biên bản khám nghiệm hiện trường có thể chia làm hai bước: Bước 1: viết bản thảo đồng thời với quá trình khám nghiệm để kịp thời ghi nhận những thông tin, dấu vết, vật chứng thu được ở hiện trường; Bước 2: Viết lại hoàn chỉnh sau khi kết thúc khám nghiệm.

Sơ đồ hiện trường

Sơ đồ hiện trường là bản vẽ mô tả hiện trường, dấu vết vật chứng có ở hiện trường nhằm minh họa và bổ sung cho biên bản khám nghiệm hiện trường.

Sơ đồ hiện trường bao gồm các loại sau:

+ Sơ đồ chung;

+ Sơ đồ khu vực;

+ Sơ đồ chi tiết.

Việc vẽ sơ đồ hiện trường thường được thực hiện qua 2 bước: Bước 1, vẽ phác họa sơ đồ trong khi khám nghiệm; Bước 2, vẽ hoàn chỉnh sơ đồ sau khi kết thúc khám nghiệm.

Khi vẽ sơ đồ hiện trường, cần căn cứ vào đặc điểm của từng loại hiện trường, loại sơ đồ và đặc điểm của đối tượng cần mô tả… để lựa chọn phương pháp vẽ sơ đồ cho phù hợp (phương pháp vẽ mặt bằng, vẽ mở, vẽ mặt cắt, vẽ phối cảnh).

Bản ảnh hiện trường

Bản ảnh hiện trường là tài liệu bổ sung cho biên bản khám nghiệm hiện trường, ghi nhận bàng hình ảnh toàn bộ quang cảnh hiện trường cũng như vị trí, trạng thái của đồ vật, dấu vết, vật chứng có ở hiện trường.

Trong một bản ảnh hiện trường phải có loại ảnh sau: Ảnh định hướng, ảnh toàn cảnh, ảnh từng phần, ảnh chi tiết.

Đối với hiện trường có người chết phải chụp ảnh tử thi theo nguyên tắc chụp ảnh nhận dạng.

Căn cứ vào đặc điểm của hiện trường, số lượng dấu vết, vật chứng ở hiện trường, điều tra viên quyết định số lượng ảnh của từng loại ảnh cần chụp.

Báo cáo khám nghiệm hiện trường

Báo cáo khám nghiệm hiện trường là tài liệu nghiệp vụ (không phải là văn bản pháp lý) do điều tra viên chủ trì cuộc khám nghiệm hiện trường viết để lưu hồ sơ vụ án và gửi lãnh đạo cơ quan điều tra. Nó phản ánh quá trình và kết quả khám nghiệm hiện trường, những nhận định và đề xuất của điều tra viên đối với việc giải quyết tiếp theo.

Báo cáo khám nghiệm hiện trường có 4 nội dung sau:

  • Tóm tắt tình hình vụ việc và hiện trường;
  • Quá trình và kết quả công tác điều tra và khám nghiệm hiện trường;
  • Ý kiến phân tích, nhận định;
  • Ý kiến đề xuất.

Khi gửi báo cáo khám nghiệm hiện trường phải kèm theo biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây