Một số vấn đề về hỏi cung bị can

0
23

1. Khái niệm

Hỏi cung bị can là biện pháp điều tra được tiến hành nhằm thu thập lời khai của bị can về các tình tiết có liên quan đến vụ án, phục vụ công tác điều tra và xử lý đối với vụ án đó.

Hỏi cung bị can là một biện pháp thu thập chứng cứ quan trọng trong quá trình điều tra các vụ án hình sự. Biện pháp điều tra này được khắc hoạ bởi ba tính chất đặc trưng sau:

  • Tính phổ biến;
  • Tính phức tạp cao;
  • Tính hiệu quả.

Thực chất của hỏi cung bị can là cuộc đấu tranh về ý chí và lý trí giữa điều tra viên và bị can. Do đó, để hoạt động này đạt hiệu quả cao, đòi hỏi điều ưa viên phải có trình độ văn hóa pháp luật, nghiệp vụ cao, có kiến thức sâu rộng về xã hội, tâm lý, có kinh nghiệm dày dạn trong công tác hỏi cung và luôn xác định rõ mục đích, nhiệm vụ của cuộc hỏi cung, những biện pháp, phương tiện cần sử dụng để đạt được mục đích đề ra.

2. Nhiệm vụ của hỏi cung bị can

Mục đích của hỏi cung bị can là thu thập đầy đủ, chính xác, khách quan lời khai của bị can về toàn bộ sự thật của vụ án, hành vi phạm tội của bị can và đồng bọn cũng như các tin tức, tài liệu khác mà bị can biết có ý nghĩa đối với công tác điều tra và phòng ngừa tội phạm. Để đạt được mục đích này, trong quá trình hỏi cung bị can cần giải quyết những nhiệm vụ cụ thể sau:

  • Thu thập, kiểm tra, củng cố chứng cứ để làm rõ nội dung vụ án, hành vi phạm tội của bị can và các đồng phạm khác.

Là chủ thể của tội phạm, bị can là chủ sở hữu một lượng thông tin tương đối lớn về vụ án. Hơn ai hết, bị can biết rất rõ về toàn bộ quá trình chuẩn bị, thực hiện và che giấu hành vi phạm tội, những mục đích, động cơ đã thúc đẩy bị can phạm tội; những công cụ, phương tiện, những phương pháp, thủ đoạn đã được bị can sử dụng khi thực hiện hành vi đó; những tài sản đã chiếm đoạt được, nơi cất giấu chúng v.v.. Vì vậy, khi hỏi cung bị can, điều tra viên cần phải áp dụng mọi biện pháp, chiến thuật mà pháp luật cho phép để có thể thu thập được tất cả những thông tin mà bị can biết, có liên quan đến vụ án nhằm làm rõ nội dung của vụ án, hành vi phạm tội của bị can, lập hồ sơ đề nghị xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Đối với những vụ án được thực hiện bằng hình thức đồng phạm, khi hỏi cung bị can, điều tra viên cần thu thập những tin tức, tài liệu cần thiết để làm rõ vai trò, vị trí của từng tên trong việc thực hiện tội phạm, làm cơ sở để xác định trách nhiệm hình sự của chúng.

  • Phát hiện những đồng phạm khác để kịp thời truy bắt, phát hiện những vật chứng còn cất giấu để kịp thời thu giữ, phát hiện những âm mưu và hành động chuẩn bị hay đang gây án để kịp thời ngăn chặn.

Khi có căn cứ để nhận định trong vụ án đó, ngoài bị can còn có những đối tượng khác cùng tham gia thực hiện tội phạm, điều tra viên cần nhanh chóng thu thập lời khai của bị can về đặc điểm của các đối tượng còn lại, hướng rút chạy, nơi ẩn náu của chúng để kịp thời truy bắt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra, xử lý vụ án.

Đối với những vật chứng của vụ án còn chưa được phát hiện và thu giữ, điều tra viên cần thu thập thông tin về đặc điểm của chúng, nơi cất giấu, thủ đoạn cất giấu để tiến hành thu giữ kịp thời, sử dụng làm chứng cứ trong vụ án hoặc phục vụ cho việc thi hành án sau này.

Thực tế điều tra cho thấy, bị can của vụ án đang điều tra thường biết những thông tin có liên quan đến những đối tượng phạm tội khác hay ổ nhóm phạm tội khác, những âm mưu, kế hoạch chuẩn bị gây án hay đang gây án của chúng. Do đó, khi hỏi cung bị can, điều tra viên cần thu thập những tài liệu về các đối tượng hay ổ nhóm phạm tội khác, kế hoạch chuẩn bị hoặc đang gây án của chúng để kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả, hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại mà chúng có thể gây ra.

  • Khai thác mở rộng nhằm làm rõ quá trình hoạt động phạm tội của bị can và đồng bọn, thu thập những tài liệu để mở rộng hoạt động điều tra.

Trong thực tế, các hành vi phạm tội thường xảy ra rất phức tạp, giữa chúng thường có những mối quan hệ qua lại, liên quan với nhau ở mức độ nhất định. Vì vậy, khi hỏi cung bị can cần chú ý thu thập những tài liệu để làm rõ mối liên hệ giữa các loại tội phạm, giữa các bị can trong cùng và khác ổ nhóm phạm tội, quá trình hoạt động tội phạm của chúng…

Muốn giải quyết tốt nhiệm vụ này, điều tra viên cần thu thập và sử dụng triệt để những tài liệu về đặc điểm nhân thân của bị can, hoạt động quá khứ của bị can và những tài liệu thu thập được về những vụ án hình sự xảy ra trước đó chưa được điều tra khám phá, nhất là những vụ án có thủ đoạn gây án và đặc điểm nhận dạng của đối tượng gây án tương tự như thủ đoạn gây án quen thuộc và đặc điểm nhận dạng của bị can nhằm phát hiện các đầu mối mới các tội phạm khác ngoài phạm vi vụ án đang điều tra.

  • Làm rõ những nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tội phạm để đề xuất các biện pháp phòng ngừa

Phát hiện nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tội phạm để đề xuất các biện pháp phòng ngừa là một nhiệm vụ quan trọng của cơ quan điều tra. Để giải quyết nhiệm vụ này, khi tiến hành các biện pháp điều tra nói chung, hỏi cung bị can nói riêng, điều ưa viên cần thu thập tài liệu để xác định nguyên nhân sâu xa của vụ án, động cơ, mục đích phạm tội của bị can; các phương pháp, thủ đoạn mà bị can sử dụng khi thực hiện hành vi phạm tội… Trên cơ sở đó, làm rõ những sơ hở, thiếu sót của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và đề xuất các biện pháp phù hợp để phòng ngừa, không cho các vụ án tương tự xảy ra.

3. Nguyên tắc của hỏi cung bị can

Nghiêm chỉnh tuân theo pháp luật

Nguyên tắc này chỉ được đánh giá đã thực sự được tôn trọng và bảo đảm trong quá trình hỏi cung bị can khi điều tra viên quán triệt tốt một số vấn đề cơ bản sau:

  • Tuân thủ những quy định cụ thể của Bộ luật tố tụng hình sự về thủ tục triệu tập bị can, trình tự tiến hành hỏi cung bị can và việc lập biên bản hỏi cung bị can (các điều 182, 183,184 Bộ luật tố tụng hình sự);
  • Bảo đảm và tôn trọng các quyền hạn tố tụng của bị can được quy định tại Điều 60 Bộ luật tố tụng hình sự;
  • Những vấn đề cần đưa ra giải thích, giáo dục bị can phải bảo đảm đúng pháp luật, đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước;
  • Không được áp dụng những biện pháp thu thập lời khai trái pháp luật như mớm cung, dụ cung, bức cung và dùng nhục hình, kể cả nhục hình biến tướng.Thận trọng khách quan

Để thực hiện tốt nguyên tắc này, khi hỏi cung bị can điều tra viên cần quán triệt một số vấn đề sau:

  • Phải có thái độ khách quan, không được áp dụng những biện pháp trái pháp luật để thu thập lời khai của bị can;
  • Không được áp đặt ý chí chủ quan của mình khi đánh giá lời khai của bị can, nhất là không được vội tin ngay vào lời nhận tội của bị can;
  • Phải áp dụng các biện pháp phù hợp để kiểm tra, xác minh lời khai của bị can trước khi sử dụng.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây