Chiến thuật hỏi cung bị can trong một số trường hợp cụ thể

0
30

1. Chiến thuật hỏi cung bị can trong trường hợp bị can khai báo gian dối

Thông thường, việc bị can khai báo gian dối xuất phát từ một số động cơ sau:

  • Bị can mong muốn trốn tránh hoặc làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của mình hay mong muốn chịu hình phạt về một tội khác nhẹ hơn;
  • Bị can mong muốn bao che hay làm giảm nhẹ tội của đồng phạm vì mối quan hệ bạn bè, gia đình hoặc vì những mục đích vụ lợi khác;
  • Bị can mong muốn vu khống những đồng phạm khác do thù tức hay nhằm mục đích bảo đảm an toàn cho cá nhân trong tương lai;
  • Bị can mong muốn tự kết tội mình do mắc bệnh tâm thần hay mong muốn được hưởng những điều kiện thuận lợi trong cuộc sống vì những lý do gia đình hoặc công tác…

Điều tra viên có thể phát hiện được sự gian dối trong lời khai của bị can trong quá trình hỏi cung bị can khi thấy lời khai của bị can mâu thuẫn lẫn nhau, lời khai luôn thay đổi, thiếu sự lôgíc bên trong của nó hoặc không phù hợp với những chứng cứ khác đã được kiểm tra, xác minh. Sự gian dối trong lời khai của bị can cũng có thể phát hiện được sau khi đã hỏi cung, khi điều tra viên tiến hành kiểm tra những lời khai đó bằng các biện pháp điều tra khác hoặc thu được những chứng cứ mới mâu thuẫn với lời khai của bị can.

Khi bị can khai báo gian dối, cuộc hỏi cung mang tính xung đột cao. Điều tra viên và bị can đều ở trong trạng thái căng thẳng thần kinh. Việc thiết lập sự tiếp xúc tâm lý giữa điều tra viên và bị can thường khó đạt được. Nhiệm vụ của điều tra viên trong trường hợp này là phải làm cho bị can luôn cảm thấy sự cần thiết phải tôn trọng đối thủ của mình và cảm giác thất vọng trước những ý định lừa dối điều tra viên. Đồng thời, điều tra viên cần hết sức thận trọng, tỉnh táo trước những phản ứng gay gắt hoặc sự cố ý khiêu khích từ phía bị can..

Để vạch trần thái độ khai báo gian dổi của bị can, điều tra viên có thể sử dụng các chiến thuật tác động xúc cảm, phân tích lôgíc lời khai của bị can và các thủ thuật phối hợp.

Các thủ thuật tác động xúc cảm đối với bị can bao gồm:

  • Khơi dậy sự hối hận và thành khẩn khai báo của bị can bằng cách giải thích cho bị can thấy những hậu quả pháp lý của thái độ ngoan cổ và gian dối của bị can cũng như những khả năng thuận lợi nếu bị can chịu thành khẩn khai báo và hợp tác với cơ quan điều tra trong việc làm rõ sự thật của vụ án;
  • Tác động lên những mặt tốt của bị can như thành tích, công lao cống hiến, uy tín… của bị can;
  • Sử dụng sự ác cảm của bị can đối với đồng phạm nào đó trong vụ án, sự phụ thuộc của bị can đối với các đồng phạm đã làm giảm uy tín của bị can, sự nghi ngờ của bị can đối với lòng trung thành của các đồng phạm;
  • Sử dụng tình tiết bất ngờ bằng cách đặt những câu hỏi mà trong tình huống đó bị can hoàn toàn không ngờ tới (hỏi bất ngờ vào điểm yếu).

Các thủ thuật phân tích logic lời khai của bị can (các thủ thuật tác động logic) thường được áp dụng nhằm chứng minh cho bị can thấy rằng bị can đã bị vạch trần là nói dối, chỉ ra cho bị can thấy những mâu thuẫn trong lời khai của bị can. Các thủ thuật này bao gồm:

  • Sử dụng những chứng cứ phủ nhận lời khai của bị can;
  • Sử dụng mâu thuẫn để đấu tranh với bị can;
  • Phân tích logic những mâu thuẫn về lợi ích giữa bị can và các đồng phạm khác; chỉ ra cho bị can thấy sự vô nghĩa của thái độ khai báo gian dối, của bị can và để bị can hiểu rằng thái độ đó sẽ không thể cản trở quá trình làm rõ sự thật của vụ án.

Các thủ thuật phối hợp thường được áp dụng nhằm tạo ra tình huống để khi bị can đánh giá nó không chính xác sẽ bị vạch trần là khai báo gian dối. Chẳng hạn, bằng cách đặt câu hỏi phù hợp, điều tra viên có thể tạo ra cho bị can cảm giác là điều tra viên đã biết hết sự thật của vụ án. Thủ thuật này cũng có thể áp dụng bằng cách hỏi cung gián tiếp (hỏi vòng quanh) để bị can dễ khai nhận những tình tiết tưởng là phụ nhưng thực tế lại che giấu câu hỏi chính về sự liên quan của bị can đối với hành vi phạm tội.

Ngoài ra, để vạch trần thái độ khai báo gian dối của bị can, điều tra viên có thể sử dụng những thủ thuật hỏi cung khác như hỏi tuần tự, hỏi đứt quãng v.v..

2. Đặc điểm chiến thuật hỏi cung bị can vị thành niên

Khi tiến hành điều tra nói chung và hỏi cung bị can vị thành niên nói riêng, điều tra viên cần thu thập tài liệu, chứng cứ để làm rõ những vấn đề cần phải chứng minh trong các vụ án hình sự được quy định tại Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự và những vấn đề khác được quy định tại Điều 302 Bộ luật này.

Chiến thuật hỏi cung bị can vị thành niên chịu sự tấc động, bởi những đặc điểm tâm lý của bị can ờ lứa tuổi này. Bị can vị thành niên thường có xu hướng thổi phồng những tình tiết, sự kiện mà họ đã biết. Ngoài ra, bị can ở lứa tuổi này thường hay tưởng tượng, bịa đặt những tình tiết có liên quan đến sự việc xảy ra và dễ bị tác động bởi những ý kiến của người lớn, trong đó có điều tra viên, về những tình tiết khác nhau của vụ án. Đồng thời, họ rất mau quên và thường chỉ nhớ những gì mà họ thích hoặc gây ấn tượng mạnh với họ… Điều tra viên cần nắm vững tất cả những đặc điểm đó để có thái độ phù hợp khi chuẩn bị và tiến hành hỏi cung, nhất là khi kiểm tra, đánh giá và sử dụng lời khai của bị can ở lứa tuổi này.

Trong giai đoạn chuẩn bị hỏi cung, điều tra viên cần xác định rõ tuổi, mức độ phát triển về thể chất và tinh thần, mức độ nhận thức về hành vi phạm tội của bị can vị thành niên; điều kiện sinh sống và giáo dục; có hay không có người lớn xúi giục; nguyên nhân và điều kiện phạm tội. Ngoài ra, điều tra viên cần thu thập những tài liệu về các mối quan hệ, cá tính, những sở thích, hứng thú của bị can vị thành niên.

Việc hỏi cung bị can vị thành niên không nên để lâu vì bị can có thể quên mất một số tình tiết có liên quan đến vụ án mà họ biết. Cuộc hỏi cung không nên kéo quá dài vì bị can ở lứa tuổi này chỉ có khả năng tập trung chú ý trong thời gian ngắn. Địa điểm hỏi cung là nơi tiến hành điều tra thường làm cho bị can vị thành niên nhận thức rõ hơn trách nhiệm của họ đối với lời khai của mình trước cơ quan điều tra.

Khi hỏi cung bị can vị thành niên, điều tra viên cần giữ thái độ bình tĩnh, tự tin và có thiện cảm với bị can nhưng đồng thời phải dứt khoát, cứng rắn. Thái độ đó của điều tra viên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập sự tiếp xúc tâm lý giữa điều tra viên và bị can, tạo sự tin cậy, tôn trọng của bị can đốỉ với điều tra viên. Những biểu hiện như nóng nảy, giận dữ của điều tra viên sẽ làm cho bị can trở nên cáu giận, cố thủ hoặc vì quá sợ hãi, hồi hộp sẽ bắt đầu nhầm lẫn và nói dối.

Nếu bị can thành khẩn khai báo, điều tra viên nên để bị can tự khai bằng miệng hay viết bản tự khai. Khi bị can tự khai, điều tra viên không được thúc giục, ngắt quãng hay hỏi bị can. Nếu bị can khai về những tình tiết không liên quan đến vụ án, điều tra viên cần khéo léo chuyển chủ đề, hướng bị can khai về những vấn đề cần làm rõ trong vụ án. Khi bị can quên hoặc nhầm lẫn, điều tra viên có thể giúp bị can nhớ lại một cách chính xấc những chi tiết đó bằng cách đặt những câu hỏi gợi nhớ dựa trên mối liên tưởng về sự giống nhau hoặc tương phản. Những câu hỏi này phải phù hợp với trình độ nhận thức và sự ham thích của bị can ở lứa tuổi này. Điều tra viên không được đặt ra những câu hỏi có tính chất mớm cung.

Trong trường hợp khai báo về một tình tiết có liên quan đến vụ án, ở cuộc hỏi cung lần sau bị can nhắc lại từng lời như đã khai ở cuộc hỏi cung trước hoặc bị can sử dụng từ ngữ, cách diễn đạt không phù hợp với lứa tuổi của mình thì điều đó chứng tỏ bị can đã bị người lớn tác động, mớm cung. Nếu lời khai trước và lời khai sau về cùng một tình tiết của vụ án có sự khác biệt lớn, điều đó chứng tỏ sự tưởng tượng, bịa đặt của bị can về tình tiết đó. Ngoài ra, điều tra viên cần chú ý đến tác động của những câu hỏi do mình đặt ra cũng như thái độ của mình đối vói lời khai của bị can.

Khi bị can từ chối khai báo hoặc khai báo gian dối, điều tra viên cần xác định nguyên nhân của thái độ khai báo đó và lựa chọn biện pháp giải quyết phù hợp. Thực tế cho thấy, phương tiện chủ yếu để vạch trần thái độ khai báo gian dối của bị can vị thành niên là các thủ thuật tác động xúc cảm vì thông thường các thủ thuật phân tích logic lời khai của bị can tỏ ra kém hiệu quả bởi nó làm bị can nhớ lại tình tiết bị vạch trần là khai báo gian dối và cùng với tâm lý không ưa các cơ quan bảo vệ pháp luật nói chung, cơ quan điều tra nói riêng sẽ khiến bị can nhắc lại một cách ngoan cố những lời khai gian dối vô nghĩa của mình.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây