Khiếu nại trước khi khởi kiện hành chính có bắt buộc không?

0
421

Trong giai đoạn hiện nay, các tranh chấp hành chính đang có chiều hướng gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất. Do vậy, để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, công dân, tổ chức bị xâm hại trực tiếp bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính có thể lựa chọn nhiều phương thức giải quyết khác nhau, ví dụ như thủ tục khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án nhân dân. 

khiếu nại hành chính
Để có đáp án nhanh nhất trong lĩnh vực pháp luật nêu trên, gọi Tổng đài tư vấn pháp luật (24/7): 1900 6198

Căn cứ pháp lí:

  • Luật Tố tụng hành chính 2015
  • Nội dung tư vấn

Khái quát về khởi kiện vụ án hành chính

Khái niệm khởi kiện vụ án hành chính

Khởi kiện vụ án hành chính là việc các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính chính thức yêu cầu Tòa án thụ lí vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước bị xâm phạm bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỉ luật buộc thôi việc công chức.

Đặc điểm khởi kiện vụ án hành chính

Thứ nhất, nội dung cơ bản của việc khởi kiện vụ án hành chính là yêu cầu tòa án có thẩm quyền xem xét thụ lí để giải quyết vụ án hành chính. Tòa án sẽ tiến hành giải quyết vụ án nếu có yêu cầu khởi kiện của cá nhân, tổ chức có quyền, lợi ích bị xâm phạm bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính. Mặt khác, tòa án cũng chỉ xem xét, giải quyết vụ án hành chính trong phạm vi có liên quan đến yêu cầu khởi kiện

Thứ hai, việc khởi kiện vụ án hành chính chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện do pháp luật quy định. Việc quy định cụ thể về điều kiện khởi kiện là cần thiết nhằm hạn chế việc khởi kiện tùy tiện, gây cản trở không cần thiết đến việc thực hiện quyền lực nhà nước của nền hành chính quốc gia.

Thứ ba, việc khởi kiện vụ án hành chính phải được thực hiện theo những hình thức và nội dung pháp luật quy định.

Có bắt buộc phải khiếu nại trước khi khởi kiện vụ án hành chính không?

Điều 115 Luật tố tụng hành chính 2015 quy định về quyền khởi kiện vụ án hành chính như sau:

“Điều 115: Quyền khởi kiện vụ án.

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc trong trường hợp không đồng ý với quyết định, hành vi đó hoặc đã khiếu nại với người có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại về quyết định, hành vi đó.

2. Tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án đối với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trong trường hợp không đồng ý với quyết định đó.

3. Cá nhân có quyền khởi kiện vụ án về danh sách cử tri trong trường hợp đã khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhưng hết thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết, nhưng không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại đó.”

Theo đó:

Những cá nhân, tổ chức có quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỉ luật buộc thôi việc có thể chọn một trong ba phương thức sau:
(i) Thứ nhất, khởi kiện ngay sau khi nhận được quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc mà không khiếu nại.

(i) Thứ hai, khởi kiện khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần một mà không đồng ý với kết quả giải quyết hoặc hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai mà không được giải quyết.

(i) Thứ ba, khởi kiện khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần hai mà không đồng ý hoặc hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai mà vẫn không được giải quyết.

Những cá nhân, tổ chức có quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng bởi quyết định giải quyết khiếu nại về xử lý cạnh tranh thì khởi kiện ngay chứ không được khiếu nại; Những cá nhân, tổ chức có quyền và lợi ích hợp pháp bị ảnh hưởng bởi danh sách cử tri sẽ khởi kiện khi nhận được thông báo trả lời khiếu nại mà không đồng ý hoặc hết thời hạn giải quyết khiếu nại trước ngày diễn ra bầu cử 5 ngày.

Như vậy, theo pháp luật hiện hành, các cá nhân, tổ chức có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm bởi các quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỉ luật buộc thôi việc không bắt buộc phải nộp đơn khiếu nại lên cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại trước khi khởi kiện lên tòa án nhân dân.

Trước thời điểm Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực thi hành, theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đối với hầu hết các loại việc, sau khi đã giải quyết khiếu nại lần 1 hoặc lần 2 (hoặc quá thời hạn không được giải quyết), nếu người dân không đồng ý có thể khởi kiện ra tòa án để được giải quyết. Sau khi Luật Tố tụng hành chính 2010 có hiệu lực thi hành, tổ chức, cá nhân không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỉ luật buộc thôi việc thì có thể khởi kiện vụ án hành chính mà không phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền khiếu nại lần đầu hoặc lần hai. Luật Tố tụng hành chính 2015 ra đời tiếp tục kế thừa những ưu điểm đó của luật cũ, theo hướng đơn giải hóa điều kiện KK vụ án hành chính.

Việc quy định cho phép kiện thẳng tất cả các vụ việc ra Tòa án, chứ không bắt buộc qua thủ tục khiếu nại hành chính kéo dài với chặng đường quanh co, cam go kiếm tìm công lí là hoàn toàn hợp lí, là tôn trọng quyền lựa chọn của người khởi kiện. Việc sớm đưa ra tòa còn thúc đẩy người bị kiện có trách nhiệm hơn trong việc tự xét lại, nhanh chóng tự sửa sai. Quy định như vậy cũng sẽ sẽ đáp ứng được yêu cầu mở rộng quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, mở rộng dân chủ trong xã hội, giảm bớt áp lực cho các cơ quan nhà nước.

Những thay đổi về điều kiện khởi kiện trong Luật Tố tụng hành chính góp phần giúp cơ quan tòa án có sự độc lập hơn với cơ quan hành chính. Nếu như theo quy định cũ phải trải qua giai đoạn tiền tố tụng (phải nộp đơn khiếu nại trước khi nộp đơn khởi kiện) thì it nhiều họ sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính. Còn nếu vụ việc đó được đưa thẳng ra Tòa án thì Thẩm phán sẽ có cơ hội tiếp cận vụ án ngay từ đầu, nghiên cứu toàn diện, khách quan vụ án, chủ động thu thập, đánh giá các chứng cứ cần thiết.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest

  1. Bài viết trong lĩnh vực pháp luật hành chính nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
  2. Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết
  3. Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây