Phân tích chiến thuật thực nghiệm điều tra

0
44

Phân tích chiến thuật thực nghiệm điều tra

       Thực nghiệm điều tra là biện pháp điều tra được tiến hành thông qua các hoạt động thí nghiệm, thực nghiệm đặc biệt trong điều kiện tương tự như điều kiện mà hành vi, sự việc, hiện tượng cần kiểm tra, xác minh đã diễn ra trước đây để có cơ sở khách quan kết luận về hành vi, sự việc, hiện tượng đó phục vụ công tác điều tra, xử lý vụ án hình sự. Bài viết sau sẽ cung cấp cho các bạn đọc kiến thức về chiến thuật thực nghiệm điều tra.

1 – Giai đoạn chuẩn bị

        Trước khi đến địa điểm thực nghiệm điều tra, điều tra viên cần tiến hành một số công việc sau:

[1] Nghiên cứu hồ sơ vụ án và tình hình khác có liên quan

        Điều tra viên cần nghiên cứu kỹ toàn bộ những tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã thu thập được bằng các biện pháp điều tra khác nhau hoặc những tài liệu trinh sát.Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án và tình hình khác có liên quan, điều tra viên phải xác định được những vấn đề cụ thể phải kiểm ưa, xác minh bằng thực nghiệm điều tra; nội dung và phương pháp tiến hành thực nghiệm; các điều kiện, hoàn cảnh cần thiết để tiến hành hoạt động này và những biện pháp cụ thể để tái tạo các điều kiện, hoàn cảnh đó…

          Trong trường hợp cần thiết, điều tra viên có thể phải đến địa điểm sẽ tiến hành thực nghiệm điều tra để trực tiếp quan sát, nắm tình hình, lập kế hoạch dựng lại hiện trường cho cụ thể.

[2] Lập kế hoạch thực nghiệm điều tra

      Trong bản kế hoạch thực nghiệm điều tra bao gồm những nội dung cơ bản sau:

  • Xác định mục đích, yêu cầu của cuộc thực nghiệm điều tra.

        Trong bản kế hoạch phải nêu rõ mục đích, yêu cầu cần đạt được trong quá trình thực nghiệm điều tra như cần phải làm rõ tình tiết nào, kiểm tra chứng cứ nào, kiểm tra giả thuyết điều tra nào… Ví dụ: cần xác định cỗ máy bị hỏng do nguyên nhân nào: bị phá hủy hay do người điều khiển đã vi phạm quy trình vận hành được quy định…

  • Xác định nội dung của cuộc thực nghiệm điều tra và trình tự tiến hành các hoạt động thực nghiệm.

        Điều tra viên phải căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được về vụ án, nhất là những tài liệu về hành vi, sự việc, hiện tượng cần kiểm tra bằng thực nghiệm điều tra để xác định nội dung cần diễn lại hay làm thử, phương pháp tiến hành, trình tự của các hoạt động thực nghiệm.

  • Xác định thời gian và địa điểm tiến hành thực nghiệm điều tra.

        Thời gian và địa điểm tiến hành thực nghiệm điều tra, với những đặc điểm gắn liền với chúng, có thể tác động lớn đến quá trình thực hiện và kết quả của hoạt động này. Vì vậy, để kết quả thực nghiệm điều tra được khách quan và đáng tin cậy, điều tra viên cần căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được về vụ án, nhất là về điều kiện, hoàn cảnh xảy ra sự việc, hiện tượng cần kiểm tra để xác định thời gian và địa điểm tiến hành thực nghiệm điều tra cho phù hợp.

– Dự kiến thành phần lực lượng tiến hành và tham gia thực nghiệm điều tra.

        Theo quy định của Điều 204 Bộ luật tố tụng hình sự, thành phần của lực lượng tiến hành và tham gia thực nghiệm điều tra gồm:

+ Điều tra viên chủ trì cuộc thực nghiệm điều tra: có nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo, điều khiển chung toàn bộ cuộc thực nghiệm điều tra;

+ Người thư ký: có nhiệm vụ ghi biên bản, vẽ sơ đồ cuộc thực nghiệm điều tra;

+ Cán bộ khoa học kỹ thuật hình sự: chụp ảnh hiện trường trước và sau khi dựng lại, chụp ảnh ghi lại những diễn biến chủ yếu của cuộc thực nghiệm điều tra;

+ Cán bộ chuyên môn, kỹ thuật (tùy từng vụ án mà có thể có hoặc không): giúp điều tra viên dựng lại hiện trường, tiến hành các hoạt động thực nghiệm, đánh giá kết quả thực nghiệm điều tra;

+ Tùy theo yêu cầu nội dung của cuộc thực nghiệm điều tra mà đối tượng đưa ra thực nghiệm có thể là bị can, người bị tạm giữ, người làm chứng, người bị hại. Nhiệm vụ của họ là diễn lại hoặc làm thử hành vi, sự việc, hiện tượng mà họ khai là đã làm, đã nhìn thấy hoặc nghe thấy. Sự tham gia của những người này dựa trên cơ sở tự nguyện và khi thấy thiếu họ thì không thể tiến hành thực nghiệm điều tra hoặc không thể dựng lại hiện trường hay xuất phát từ yêu cầu chiến thuật trong điều tra vụ án. Khi chọn người thay thế (đóng vai) cần chú ý đến đặc điểm của họ về chiều cao, sức khỏe, cân nặng, thính giác thị giác… cho tương tự với người mà họ thay thế;

+ Người chứng kiến: Chứng kiến cuộc thực nghiệm điều tra, xác nhận nội dung và kết quả hoạt động này. số lượng ít nhất là 2 người. Phụ thuộc vào đặc điểm nội dung của sự việc, hiện tượng cần kiểm tra, số lượng người chứng kiến có thể nhiều hơn;

+ Lực lượng bảo vệ: công an cơ sở, dân quân tự vệ, bộ đội… có nhiệm vụ giữ gìn trật tự, bảo vệ an toàn cho cuộc thực nghiệm điều tra, đặc biệt là giám sát, không cho bị can, người bị tạm giữ, chạy trốn, tự sát, hành hung những người tiến hành và tham gia thực nghiệm điều tra.

– Dự kiến những tình huống phức tạp có thể xảy ra và biện pháp giải quyết.

        Điều tra viên cần căn cứ vào tình hình cụ thể để dự kiến những tình huống phức tạp có thể xảy ra khi tiến hành thực nghiệm điều tra như bị can, người bị tạm giữ chạy trốn, tự sát, hành hung người khác; điều kiện, hoàn cảnh thực nghiệm bị thay đổi đột ngột, không thể khắc phục được v.v. để có biện pháp giải quyết phù hợp.

Quản lý nhà nước về đối ngoại

[3] Chuẩn bị những phương tiện cần thiết cho cuộc thực nghiệm điều tra

         Phải chuẩn bị những đồ vật, công cụ phương tiện đã được sử dụng khi xảy ra sự việc, hiện tượng cần kiểm tra hoặc những vật khác có khả năng thay thế chúng.

        Ngoài ra, cần chuẩn bị những phương tiện khác phục vụ cho việc tiến hành và ghi nhận kết quả thực nghiệm điều tra như mẫu biên bản, các dụng cụ đo đạc, kẻ vẽ, máy ảnh, máy quay phim, các phương tiện làm hiệu lệnh, chiếu sáng, thông tin, liên lạc, đi lại…

         Khi đến địa điểm thực nghiệm điều tra, điều tra viên cần xác định những thay đổi của địa điểm đó và những việc cần làm để tái tạo lại. Trong trường hợp địa điểm thực nghiệm có những thay đổi và phải tái tạo lại, cần chụp ảnh địa điểm đó trước và sau khi đã tái tạo. Tiếp theo, phải kiểm tra lại lần cuối các đồ vật, công cụ, phương tiện mang theo xem đã đầy đủ chưa. Sau đó, điều tra viên phổ biển cho những người tham gia thực nghiệm về mục đích, nội dung, trình tự các hoạt động thực nghiệm, hiệu lệnh và nhiệm vụ của từng người, triển khai các biện phấp bảo vệ an toàn cuộc thực nghiệm điều tra. Khi phổ biến cho những người tham gia thực nghiệm điều tra cần chú ý:

+ Đối với nhà chuyên môn, người chứng kiến, kiểm sát viên (nếu có) thì họ càn được biết tất cả ý định của điều tra viên;

+ Đối với người làm chứng, người bị hại, bị can, người bị tạm giữ và những người phụ trợ khác thì chỉ cho họ biết mục đích chung của cuộc thực nghiệm, còn nội dung của nó chỉ ở mức độ đủ để họ thực hiện nhiệm vụ của mình.

2 – Giai đoạn tiến hành thực nghiệm điều tra

         Sau khi hoàn thành mọi công việc chuẩn bị, điều tra viên chủ trì cuộc thực nghiệm điều tra yêu cầu mọi người đứng vào vị trí đã định. Đúng giờ quy định, người chủ trì phát hiệu lệnh bắt đầu cuộc thực nghiệm theo kế hoạch vạch ra. Theo hiệu lệnh, những người tham gia thực nghiệm thực hiện những hoạt động thực nghiệm cụ thể đã được phân công. Người chủ trì, thư ký phải chú ý theo dõi, kiểm tra sự chính xác của cấc hoạt động thực nghiệm, kịp thời phát hiện những lệch lạc. Nếu xét thấy có những điểm chưa chính xác, không hợp lý cán bộ chủ trì phải khéo léo, tế nhị giúp họ nhớ lại việc đã làm để họ làm lại đúng như họ đã làm trước đây và cuộc thực nghiệm điều tra được làm lại từ đầu. Chú ý không được làm mẫu, ép buộc, gợi ý những người trực tiếp diễn lại hoặc làm thử làm theo ý muốn chủ quan, suy diễn của mình.

       Khi đang tiến hành thực nghiệm điều tra, nếu vì một lý do nào đó xét thấy không đảm bảo khách quan cho cuộc thực nghiệm mà không thể khắc phục được thì người chủ trì có thể ra lệnh đình chỉ cuộc thực nghiệm điều tra đó.

       Nếu xét thấy cần thiết, có thể cho từng hoạt động thực nghiệm thực hiện một vài lần để tăng độ tin cậy đối với kết quả thu được.

       Ngoài ra, khi tiến hành thực nghiệm điều tra, điều tra viên cần chú ý đến việc bảo vệ an toàn cuộc thực nghiệm, không để cho bị can, người bị tạm giữ chạy trốn, thông cung, đe dọa, khống chế người bị hại, người làm chứng hay phá hủy các vật chứng của vụ án…

Xem thêm:  Đi thực tế xem xét, thẩm định tại cho thực nghiệm điều tra 

Xem thêm: Điều kiện chiến thuật của thực nghiệm điều tra 

3 – Giai đoạn kết thúc thực nghiệm điều tra

      Sau khi kết thúc các hoạt động thực nghiệm, tại hiện trường phải tiến hành lập và thông qua biên bản thực nghiệm điều ưa. Biên bản thực nghiệm điều ra phải được lập theo đúng quy định Điều 133, 178, 205 Bộ luật tố tụng hình sự.

        Ngoài ra, điều tra viên cần chỉ đạo giải quyết hậu quả của cuộc thực nghiệm điều tra (nếu có); nhắc nhở những người tham gia giữ bí mật kết quả của cuộc thực nghiệm điều tra; kiểm tra và thu dọn các phương tiện mang theo phục vụ cho cuộc thực nghiệm điều tra; trường hợp cần thiết phải xóa bỏ hiện trường.

Tổng hợp từ nguồn: Giáo trình Khoa học điều tra hình sự – Trường Đại học Luật Hà Nội

TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây